TS. Cấn Văn Lực: Tính ổn định của TTCK Việt Nam chưa cao |
Ngày 28/7/2020 tới đây đánh dấu chặng đường 20 năm vận hành thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - người từng làm Trưởng Ban Chứng khoán của BIDV từ thời năm 1997 - 1998, khởi đầu là một thị trường non trẻ, TTCK Việt Nam đến nay đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
"TTCK phát triển mạnh đã giúp cơ cấu hệ thống tài chính cân đối, bền vững hơn"
TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 7 thành tựu nổi bật trong 20 năm qua mà TTCK Việt Nam đạt được.
Thứ nhất, TTCK đã tăng trưởng mạnh về quy mô, góp phần phát triển hệ thống tài chính quốc gia theo hướng cân bằng và bền vững hơn, trở thành kênh huy động vốn quan trọng.
Theo đó, ước tính trong 20 năm qua, vốn hóa thị trường chứng khoán đã tăng trưởng ở mức trung bình hơn 50%/năm. Đến ngày 30/6/2020, tổng vốn hóa của TTCK Việt nam đạt mức 5,5 triệu tỷ, tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP đã tăng từ mức 0,3% năm 2000 lên mức 104% GDP tháng 6/2020.
Riêng vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt trên 4 triệu tỷ đồng, tương ứng khoản 64,5% GDP năm 2019.
TTCK phát triển mạnh cũng giúp cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn. Ước tính tỷ trọng vốn hóa khu vực chứng khoán trong tổng tài sản hệ thống tài chính hiện nay ở mức khoảng 30,6%, không cách quá xa so với mức 68,7% của khu vực các tổ chức tín dụng và cao hơn nhiều so với tỷ trọng 21% vào năm 2010.
"Không những vậy, TTCK cũng đã chứng minh vai trò ngày càng quan trọng trong huy động vốn, cung ứng vốn trung dài hạn cho phát triển kinh tế. Vào năm 2006, TTCK mới huy động được 40 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế thì con số này đến năm 2019 đã đạt 320 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2018 và gấp 8 lần so với năm 2006", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Thành tựu nổi bật thứ hai là cấu trúc và thể chế thị trường ngày càng hoàn thiện. Trong đó, hệ thống văn bản pháp luật đã được phát triển một cách đồng bộ, phù hợp với bối cảnh thực tiễn cũng như kinh nghiệm và thông lệ quốc tế, thể hiện tiêu biểu nhất qua Luật Chứng khoán năm 2019.
Đối với cấu trúc thị trường, trong giai đoạn từ 2000 đến nay, UBCKNN đã lần lượt đưa Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM vào hoạt động (năm 2000), kế đến là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (năm 2005) và Trung tâm lưu ký chứng khoán (năm 2006). Đặc biệt, năm 2017 đã đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, tạo bước ngoặt mới cho TTCK nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Thành tựu thứ ba, theo TS. Cấn Văn Lực, là TTCK đã có đóng góp quan trọng vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nâng cao tính minh bạch và năng lực quản trị công ty.
Thêm vào đó, các loại hình định chế, sản phẩm – dịch vụ ngày càng đa dạng, hướng theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Các thành viên tham gia TTCK ngày càng đa dạng với 83 công ty chứng khoán có giấy phép hoạt động, 45 công ty quản lý quỹ, 31 quỹ đầu tư chứng khoán và tiến tới là phát triển các quỹ tín thác đầu tư (sau khi Luật chứng khoán sửa đối có hiệu lực từ ngày 1/1/2021).
TTCK Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập quốc tế cũng là một thành tựu mà TS. Cấn Văn Lực nhắc đến. Ngoài ra, hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu cũng ngày càng được hoàn thiện, cùng với đó, việc hình thành đội ngũ nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng là thành quả tạo dựng được trong 20 năm qua.
"Tính ổn định của TTCK Việt Nam chưa cao"
Theo TS. Cấn Văn Lực, khoảng thời gian 20 năm đã giúp TTCK Việt Nam phát triển mạnh mẽ từ một thị trường sơ khai, non trẻ trở thành một thị trường có quy mô đáng kể (so với GDP) trong khu vực. Tuy nhiên, 20 năm vẫn chưa phải là dài để thị trường thực sự lớn về quy mô, trở nên chuyên nghiệp, hiện đại, bắt kịp với thế giới, do đó vẫn còn một số điểm cần cải thiện.
Thứ nhất, theo chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, quy mô và thanh khoản TTCK Việt Nam mặc dù tăng trưởng mạnh qua từng năm, song vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và tính ổn định chưa cao.
Cụ thể, giá trị vốn hóa TTCK của Việt Nam (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) năm 2019 tương đương 102,6% GDP, ở mức thấp so với các nước (Nhật Bản 337%, Singapore 257%, Thái Lan 161%, Malaysia 215%, Philippines 107%...).
"Tính ổn định của thị trường chưa cao thể hiện qua việc vẫn còn bị tác động mạnh, biến động nhiều bởi những diễn biến tiêu cực trong và ngoài nước như giá dầu, tỷ giá, giá vàng, biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế hay những tin đồn", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Cùng với đó, thanh khoản TTCK thể hiện qua tỷ suất vòng quay chứng khoán của Việt Nam dù tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức khá thấp so với khu vực và thế giới. Tỷ suất này của Việt Nam năm 2019 là 22,3%, thấp hơn nhiều so với mức 28,3% của ASEAN-5, 29% của Ấn Độ, 130% của Hàn Quốc, 223,7% của Trung Quốc và 87% bình quân thế giới.
"Theo đó, cần có kế hoạch và giải pháp cụ thể để TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi đến năm 2023 theo yêu cầu của Chính phủ", TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Thứ hai, thể chế chi phối hoạt động và tính tuân thủ, minh bạch của TTCK cần hoàn thiện, đồng bộ và tiệm cận thông lệ quốc tế hơn nữa; nhất là các hướng dẫn triển khai Luật chứng khoán sửa đổi (2019) và Chiến lược phát triển TTCK 2021-2030.
Trong đó, ông Lực cho rằng cần chú trọng xây dựng chiến lược cấu phần về số hóa ngành chứng khoán. Trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối – blockchain và dữ liệu lớn - big data sẽ là những công cụ quan trọng.
Ngoài ra, công cụ quản lý, giám sát vẫn chủ yếu là giám sát tuân thủ, chưa tiến đến giám sát dựa trên mức độ rủi ro; quy định về công bố, minh bạch thông tin chưa nhất quán giữa các văn bản pháp luật; chế tài xử phạt, cưỡng chế chưa thực sự đủ mạnh…, khiến hành vi vi phạm vẫn diễn ra và chưa giảm nhiều.
Thứ ba, theo TS. Cấn Văn Lực, nguồn cung hàng hóa, sản phẩm trên thị trường còn chưa phong phú, đa dạng, chất lượng các công ty niêm yết và các công ty chứng khoán chưa cao.
Cụ thể, trong số 1.723 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán (Hà Nội và TP. HCM) vẫn còn một số doanh nghiệp nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả, năng lực quản trị còn ở mức thấp. Các mảng khác của thị trường như sản phẩm quỹ đầu tư, sản phẩm liên kết bảo hiểm, hợp đồng quyền chọn, đầu tư có cam kết bảo toàn vốn,… chưa được cung cấp.
Thứ tư, cơ sở nhà đầu tư chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư tổ chức (nhất là các quỹ đầu tư) còn chưa nhiều. Nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào ngân hàng thương mại, bảo hiểm xã hội, công ty bảo hiểm,…; trong khi đó, vẫn còn thiếu vắng các quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ với tư cách là nhà đầu tư trung dài hạn.
Thứ năm, nguồn nhân lực mặc dù đã được chú trọng phát triển, song vẫn còn thiếu cả về số lượng và chất lượng khi so với tiêu chuẩn quốc tế.
Cuối cùng, hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu mặc dù được chú trọng đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập của TTCK. Các ứng dụng chỉ mới được xây dựng ở mức cơ bản; rủi ro bảo mật, an toàn, an ninh mạng vẫn còn là thách thức, nguy cơ.
"Rõ ràng là cần có chiến lược cấu phần về số hóa ngành chứng khoán chứa đựng các yếu tố quan trọng nêu trên", chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV gợi mở.
Theo VietnamFiance