Ông James Estaugh, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, trong đánh giá mới đây cho thấy sự lạc quan vào tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam 2022.
Trước hết, năng lực thị trường được cải thiện nhờ hệ thống công nghệ mới.
Một hệ thống công nghệ đồng bộ cho thị trường được cung cấp bởi nhà thầu KRX sẽ sớm được triển khai, dự kiến trong năm 2022. Trong đó, hệ thống giao dịch được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu giao dịch ngày càng lớn, xua tan nỗi lo ngại về hiện tượng tắc, nghẽn lệnh mỗi khi nhu cầu tăng đột biến.
Đồng thời, cơ sở hạ tầng mới hiện đại sẽ cung cấp nền tảng cần thiết để triển khai một loại các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết…
Với kỳ vọng hỗ trợ sức mua của nhà đầu tư và tạo tiền đề quan trọng cho việc nâng hạng thị trường, cơ quan quản lý đã hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm triển khai hoạt động thanh toán - bù trừ giao dịch theo cơ chế, thay cho cơ chế bù trừ đa phương hiện tại, dự kiến triển khai ngay khi hệ thống giao dịch – thanh toán sau giao dịch mới đi vào hoạt động trong năm 2022.
Hệ thống mới cũng cho phép vận hành cơ chế thanh toán - bù trừ giao dịch Đối tác bù trừ trung tâm (Central Clearing Counterparty - CCP) mới, theo đó yêu cầu 100% ký quỹ tiền trước giao dịch sẽ không còn áp dụng.
Thay vào đó, nhà đầu tư có thể chỉ phải ký quỹ tiền cho mỗi lệnh mua dự kiến thực hiện theo một tỷ lệ nhất định theo yêu cầu của thành viên bù trừ. Nhà đầu tư sẽ phải thanh toán số tiền còn lại vào ngày thanh toán giao dịch.
Cơ chế này được kỳ vọng giúp sức mua của nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng tăng lên đáng kể, góp phần thu hút vốn ngoại vào thị trường Việt Nam.
Ông James Estaugh, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam |
Bên cạnh đó, vị chuyên gia kỳ vọng vào sự trở lại của dòng vốn ngoại.
Dù chưa có nhiều chuyển biến trong quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL), vẫn còn nhiều lựa chọn tốt cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong số 30 cổ phiếu của rổ VN30 Index, chỉ có 5 cổ phiếu đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài, 13 cổ phiếu có vốn hóa trên 5 tỷ USD và 12 cổ phiếu có mức giao dịch bình quân ngày hơn 10 triệu USD.
Đối với các mã đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ hoán đổi danh mục (Exchange Traded Fund - ETF) là một lựa chọn tốt với hiệu suất đầu tư tương đối cao. Năm 2021, tăng trưởng tài sản ròng các quỹ ETF trong nước là 40%, trong khi đó của của các quỹ ETF nước ngoài bình quân khoảng 24,7%.
Mặt khác, đã có cơ sở pháp lý cho các sản phẩm mới như chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting Depositary Receipt - NVDR), và chứng quyền có bảo đảm với tài sản cơ sở là các chỉ số, mang lại cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư nước ngoài từ các cổ phiếu đã hết room.
Hệ thống giao dịch mới sắp được vận hành cũng hứa hẹn cung cấp cơ sở hạ tầng để phát triển nhiều sản phẩm mới trong tương lai, nhờ đó cung cấp cho nhà đầu tư lựa chọn đầu tư phong phú hơn
Năm 2021 chứng kiến khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 62.000 tỷ đồng. “Tuy nhiên, chúng ta có nhiều lý do để tin tưởng rằng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong năm 2022”, ông James Estaugh nhấn mạnh.
Bên cạnh các yếu tố vĩ mô là điểm tựa vững chắc hỗ trợ thị trường chứng khoán, ông đánh giá còn nhiều điểm sáng sẽ thuyết phục sớm tiếp tục rót vốn vào thị trường. Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu mua ròng trở lại trong những tuần đầu tiên của năm 2022.
Ngoài ra, vị giám đốc khối dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam còn lạc quan vào triển vọng nâng hạng của Việt Nam.
“Đây có lẽ cũng là thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc tham gia thị trường từng bước và ngay từ bây giờ, nhằm đảm bảo chỗ đứng của mình khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi – triển vọng sớm đạt được trong một vài năm tới”, ông khuyến nghị.
Việc nâng hạng thị trường đã được đưa vào kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán của Chính phủ được Thủ tướng phê duyệt, cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc đạt được mục tiêu này, dự kiến vào năm 2025.
Mở đường cho việc nâng hạng thị trường, cơ sở pháp lý cho một loạt cải cách thị trường đã được ban hành trong năm 2021 và sẽ được thực hiện trong 2022 trở đi.
Các thay đổi này tập trung giải quyết hai vấn đề then chốt cho việc nâng hạng, bao gồm yêu cầu ký quỹ đủ tiền và chứng khoán trước giao dịch được thay thế bằng cơ chế thanh toán – bù trừ, và giải pháp cho vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc triển khai sản phẩm NVDR.
Theo ông James Estaugh, để đạt được các kỳ vọng nói trên trong thời gian tới, thị trường và cộng đồng đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài cũng cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý hữu quan.
Thứ nhất, phối hợp, đồng bộ hóa quy định pháp lý giữa các bộ ngành cho hoạt động cung cấp dịch vụ và đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhằm tiếp tục nới lỏng các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư hay như quy định về tài khoản, cấu trúc tài khoản, hợp pháp hóa lãnh sự hồ sơ mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, triển khai kịp thời hệ thống công nghệ mới phục vụ cho hoạt động giao dịch và thanh toán sau giao dịch cho thị trường chứng khoán, nhằm đảm bảo đưa các sản phẩm dịch vụ mới vào vận hành, và mở ra cơ hội tháo gỡ cho vấn đề ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao khả năng tiếp cận thông tin đầy đủ và chính thống và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.