Dù có nhiều biến động mạnh trong thời gian gần đây, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được dự báo có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ yếu tố vĩ mô thuận lợi.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam giữ nguyên quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn, dù đánh giá thị trường sẽ còn tiêu cực trong ngắn hạn.
Theo ông Minh, trong năm Nhâm Dần, chứng khoán Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Các vấn đề nội tại của nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ tốt hơn; các hoạt động bị trì trệ trước đó như du lịch, hàng không… sẽ quay trở lại bình thường dù COVID-19 vẫn xảy ra.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư dự kiến cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn; lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết theo đó sẽ được cải thiện tốt hơn trong năm mới qua đó thúc đẩy sự tăng giá của thị trường chứng khoán.
Ông Phương cũng cho rằng, chỉ số VN-Index có thể lên đến 1.700 điểm trong năm 2022 này.
Bàn về câu chuyện dòng tiền trong năm Nhâm Dần, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng: "Dòng tiền nhà đầu tư F0 cuồn cuộn chảy vào thị trường là một trong những yếu tố "châm ngòi" cho sự bùng nổ của chứng khoán năm 2021.
Nhiều người cho rằng sau một năm bùng nổ về tài khoản mở mới, làn sóng này sẽ có xu hướng "nguội" dần trong năm 2022. Song trên thực tế, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân mới luôn có xu hướng chảy vào nơi sinh lời mạnh và có tính thanh khoản cao nhất. Do đó, khi nào chứng khoán còn tăng điểm thì làn sóng nhà đầu tư mới vẫn sẽ tiếp tục mạnh mẽ".
Tuy nhiên, tốc độ tăng của VN-Index được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2022 do lãi suất huy động dự báo tăng nhẹ dưới áp lực lạm phát cũng như chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed đồng thời khi nền kinh tế dần phục hồi sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát có thể một phần dòng tiền bị rút ra quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về ý kiến dòng tiền trên thị trường hiện tại phần lớn mang tính chất đầu cơ và không thực sự gắn bó với sự phát triển dài hạn của thị trường, theo ông Nhân, đặc điểm của thị trường cận biên thường thiếu tính minh bạch - đó là cơ hội khiến dòng tiền đầu cơ nổi sóng. Tuy nhiên, với quyết tâm nâng hạng thành thị trường mới nổi trong thời gian tới, tôi cho rằng sẽ có những giải pháp siết chặt tính minh bạch trên thị trường. Từ đó, dòng tiền sẽ có sự chọn lọc ở những cổ phiếu có nền tảng cơ bản, dòng tiền đầu cơ sẽ ít "đất" để tồn tại hơn rất nhiều so với năm trước.
Tôi không cho rằng dòng tiền đầu cơ sẽ là lực cản cho đà phát triển bền vững của thị trường bởi dòng tiền đầu cơ vốn là một bộ phận không thể thiếu mà bất kể thị trường chứng khoán nào cũng có. Hơn hết, với kinh nghiệm thực chiến của người làm môi giới, tôi nhận thấy tư duy và kiến thức nhà đầu tư mới ngày nay đã có sự tiến bộ rõ rệt so với 15 năm trước.
Hiện nhiều nhà đầu tư mới cũng có tư duy phân bổ tài sản bởi họ được tiếp cận thông tin bên ngoài nhiều hơn, hiểu giá trị cốt lõi của đầu tư chứng khoán hơn. Do đó, chúng ta có thể tin tưởng dòng tiền nhà đầu tư mới sẽ ngày càng mạnh mẽ và giúp thị trường phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Trái ngược với sự sục sôi của nhà đầu tư cá nhân trong nước, câu chuyện khối ngoại bán ròng kỷ lục được nhắc đến rất nhiều trong năm 2021.
Trả lời quan điểm, "Với những điều kiện hiện nay, có thể trông chờ chứng khoán sẽ hấp dẫn dòng vốn ngoại quay trở lại?", ông Nhân đánh giá: Với mức định giá của thị trường Việt Nam còn tương đối rẻ so với tiềm năng tăng trưởng, tôi tin tưởng chứng khoán Việt Nam sẽ là điểm đến của dòng vốn ngoại trong năm 2022. Đặc biệt, việc nâng hạng thị trường của chứng khoán Việt Nam cũng sẽ thu hút sở thích "lướt sóng" của khối ngoại".
Giới phân tích cho rằng, khả năng cao khối ngoại sẽ quay trở lại đón đầu làn sóng nâng hạng tại thị trường Việt Nam trong năm 2022.