Công ty chứng khoán Bảo Việt – BVSC
Duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu ACB với giá mục tiêu 41.914 đồng/cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE - Mã: ACB) đã công bố KQKD Quý 1/2022 xuất sắc với những điểm nổi bật như: Cho vay khách hàng tăng trưởng mạnh 5,2% YTD. Tiền gửi của khách hàng tăng 1,6% YTD, trong đó CASA tiếp tục tăng lên 27% từ 25% cuối 4Q21; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 35% YoY lên 4,2 nghìn tỷ. Thu nhập ngoài lãi tăng 37% YoY lên 1.300 tỷ; trong đó, hoạt động kinh doanh bancassurance là điểm nhấn chính, chiếm vị trí dẫn đầu thị trường; Chất lượng tài sản tốt: Nợ xấu cuối 1Q22 giảm xuống 0,74% so với 0,77% cuối 4Q21, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì ở mức cao khoảng 200%; Các khoản cho vay cơ cấu lại vào cuối 1Q22 của ACB cho dấu hiệu cải thiện, giảm 11,8% QoQ xuống 15 nghìn tỷ từ 17 nghìn tỷ cuối năm 2021.
BVSC duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu ACB với giá mục tiêu 41.914 đồng/cổ phiếu. Hình minh họa. |
Cùng với đó, ACB đã nhận được sự chấp thuận của cổ đông về đề xuất chia cổ tức năm 2021-22. Trong đó, cổ tức năm 2021 là cổ phiếu (tỷ lệ: 25%), và cổ tức năm 2022 dự kiến bao gồm 15% cổ phiếu và 10% tiền mặt.
Ngoài ra, cổ đông đã thông qua kế hoạch LNTT năm 2022 của ACB là 15.018 tỷ (tăng trưởng 25% YoY), được xây dựng dựa trên các giả định chính sau đây:
Cho vay khách hàng tăng 10% lên 398.299 tỷ, tương đương với hạn mức tín dụng ban đầu của NHNN cho ACB. Đáng chú ý, Ban lãnh đạo kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2022 của Ngân hàng sẽ phục hồi tốt ở mức 16%, đồng thời kỳ vọng NIM năm 2022 sẽ duy trì ổn định, cho thấy triển vọng NII vững chắc.
Tiền gửi khách hàng tăng 11% lên 421.897 tỷ. Trong đó, CASA mục tiêu mở rộng lên 28-29% cuối năm 2022 so với 25% cuối năm 2021, được hỗ trợ chủ yếu bởi các khoản đầu tư nhiều năm nay vào Ngân hàng số, nhằm mở rộng hơn nữa cơ sở khách hàng qua các dịch vụ ngân hàng số toàn diện.
Nợ xấu (NPL) mục tiêu kiểm soát dưới 1,5%, mà Ban lãnh đạo tin tưởng sẽ giữ ở mức dưới 1,0%.
Đáng khích lệ, Ban lãnh đạo tự tin sẽ hoàn thành và khả năng vượt mục tiêu lợi nhuận năm 2022, được hỗ trợ bởi: Hoạt động ngân hàng lõi mạnh mẽ hơn, dẫn dắt bởi tăng trưởng tín dụng cao hơn và hoạt động tốt hơn dự kiến của các mảng phí, chẳng hạn như phí dịch vụ, thẻ và bancassurance; Hoàn nhập dự phòng và lãi dự thu từ các khoản cho vay cơ cấu lại có khả năng mang lại những nguồn thu khác của ACB trong năm nay trong bối cảnh phục hồi của nền kinh tế và khả năng trả nợ của khách hàng. Đến cuối năm 2021, ACB đã trích lập dự phòng đầy đủ 2.300 tỷ cho các khoản vay cơ cấu lại, lãi dự thu từ các khoản vay này là 600 tỷ.
Ở mức giá hiện tại, ACB đang giao dịch hấp dẫn ở mức P/B năm 2022 là 1,59x, với các yếu tố cơ bản tốt, bao gồm triển vọng tăng trưởng lạc quan, ROAE mạnh mẽ và thế mạnh chất lượng tài sản và nền tảng ngân hàng bán lẻ tốt. BVSC duy trì khuyến nghị Outperform đối với ACB và giá mục tiêu (TP) theo Phương pháp Thu nhập thặng dư là 41.914 đồng/cổ phiếu (Upside: 24,7%).
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC
Xem xét nắm giữ cổ phiếu DGC
Mức Stock Rating của DGC (CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang – Sàn HOSE) ở mức 97 điểm, cho nên FSc duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của DGC đóng cửa tăng 2,9% và đồ thị giá vẫn giao dịch trên đường trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thi giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục biến động trong biên độ hẹp hoặc xuất hiện các nhịp tăng giảm đan xen ở những phiên giao dịch tới.
FSC đã khuyến nghị mua cổ phiếu DGC vào phiên 21/02/2022 với lợi nhuận tạm tính là 47,49%, cho nên FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét NẮM GIỮ cổ phiếu DGC.
CTCK Phú Hưng - PHS
Khuyến nghị mua cổ phiếu VIB với giá mục tiêu 54.200 đồng/cp
Kế hoạch kinh doanh năm 2022, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE - Mã: VIB) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 31,1%YoY lên 10.500 tỷ đồng. Tổng tài sản, dư nợ tín dụng và huy động vốn tăng 30%YoY lên lần lượt là 402,5 ngàn tỷ đồng, 265,6 ngàn tỷ đồng, và 280,6 ngàn tỷ đồng.
VIB đặt mục tiêu giai đoạn 2022-2026: (1) 10 triệu khách hàng; (2) Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận kép đạt 30%/năm; (3) Vốn hóa thị trường đạt trên 14 tỷ USD. Các mục tiêu tăng trưởng này dựa trên cơ sở kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế, dư địa tăng trưởng lớn của mảng bán lẻ, quá trình chuyển đổi sang mô hình bán lẻ hiện đại.
Ngân hàng cho biết mục tiêu 10 triệu khách hàng là khả thi nhờ (1) Mảng ngân hàng bán lẻ có nhiều khả năng phát triển hơn khách hàng doanh nghiệp; (2) Các sản phẩm như cho vay, huy động tiền gửi, bảo hiểm là chủ đạo để phát triển cơ sở khách hàng; (3) Phát triển kênh bán hàng truyền thống và kênh ngân hàng số, kết hợp với cơ sở khách hàng của đối tác; (4) Các chiến lược marketing và đội ngũ nhân viên bán hàng được đào tạo và tạo động lực về lương thưởng.
Áp dụng Big Data, AI và machine learning để tạo ra các sản phẩm mang tính cá nhân hóa. VIB đầu tư hệ thống nền tảng số MyVIB 2.0, nâng cấp website trở thành chợ điện tử hàng đầu. MyVIB 2.0 với nhiều tính năng mới định hướng trở thành kênh bán hàng chủ lực cho các sản phẩm cốt lõi như tiền gửi, thẻ, bảo hiểm, giao dịch thanh toán trong giai đoạn tiếp theo. Hơn nữa, tự động hóa và chuyển dịch từ điện toán vật lý sang điện toán đám mây cũng được chú trọng. VIB kỳ vọng nửa đầu năm 2022 sẽ cho ra mắt công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR).
Kế hoạch tăng vốn lên 21.076 tỷ đồng. VIB dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35% và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,7% từ nguồn Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tổng số vốn tăng thêm là 5.545 tỷ đồng được dùng để (1) Cấp tín dụng và đảm bảo hệ số an toàn vốn; (2) Đầu tư tài sản thanh khoản; (3) Đầu tư công nghệ và quản trị rủi ro; (4) Đầu tư mở rộng chi nhánh.
Năm 2022, nền kinh tế phục hồi sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng tư nhân. Nhờ áp dụng chuyển đổi số mà VIB có thể phát triển các sản phẩm thẻ nhanh chóng, nắm bắt xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày một gia tăng và phục hồi tiêu dùng sau đại dịch. Hơn nữa, năm 2022, dù NHNN chủ trương siết chặt tín dụng đầu cơ bất động sản, nhưng khuyến khích tín dụng bất động sản phục vụ đời sống.
Do đó, PSH dự phóng tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 của VIB đạt 29,3%YoY. Dưới áp lực tăng lãi suất huy động trong khi lãi suất cho vay giảm, PSH ước tính NIM của VIB sẽ thu hẹp 8 bps còn 4,34%. Kết thúc năm 2021, VIB có 1.1 ngàn tỷ đồng nợ tái cơ cấu, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 68,6%YoY lên 1.598 tỷ đồng. PSH ước tính thận trọng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2022 của VIB sẽ tăng 45,2%YoY lên 2.320 tỷ đồng.
Năm 2022, PSH kỳ vọng quá trình chuyển đổi số (thông qua MyVIB 2.0, MyVIB iSME, và VIB Ver3e, v.v) trong các năm qua sẽ tiếp tục mang lại lợi ích mạnh mẽ cho VIB thông qua việc mở rộng thị phần cho vay bán lẻ, gia tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn, giảm chi phí hoạt động và chi phí sử dụng vốn. Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, PSH nâng giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu VIB là 54.200 đồng/cp. Khuyến nghị: Mua đối với cổ phiếu VIB.
Rủi ro: (1) Nền kinh tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng; (2) Tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp nhất trong ngành, và việc gia tăng mạnh nợ cần chú ý, sẽ tạo sức ép lên lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2022; (3) Rủi ro lạm phát cao ảnh hưởng đến cho vay bán lẻ.
CTCK Vietcombank - VCBS
Duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu VSC với giá mục tiêu 62.965 đồng/cp
Trong năm 2021, CTCP Container Việt Nam (HOSE - Mã: VSC) đã hoàn tất mua lại 36% cổ phần tại cảng VIMC Đình Vũ (Vinalines Đình Vũ). Cảng dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động từ Q3.2022 và kỳ vọng mang đến động lực đáng kể đến lợi nhuận và gia tăng hiệu quả vận hành hệ thống cảng của VSC trong các năm tới.
Kỳ vọng tăng trưởng tích cực tại cảng VIP Green khi áp lực cạnh tranh trong khu vực xung quanh cảng không còn nhiều và hưởng lợi từ: (1) Tăng trưởng sản lượng hàng hóa tại Hải Phòng; (2) Chuyển dịch mục đích hoạt động của nhóm cảng thượng nguồn; (3) Nguồn hàng từ cổ đông chiến lược.
Ngoài ra, công ty đang nhanh chóng thực hiện các thương vụ mua bán – sáp nhập và tiến tới xây dựng một holdings ngành logistics hàng hải có quy mô lớn và bao phủ phần lớn các mắt xích của chuỗi dịch vụ trong vòng 2-3 năm tới.
Trong giai đoạn 2022-2024, VSC kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng của KQKD cùng với: (1) Xu hướng tích cực của sản lượng hàng hóa thông qua cảng và nhu cầu dịch vụ logistics tại khu vực Hải Phòng; (2) Bắt đầu có đóng góp lợi nhuận từ các khoản đầu tư mới. VCBS đánh giá cao triển vọng dài hạn của VSC khi doanh nghiệp đang liên tục thực hiện các thương vụ M&A và dần nâng tầm doanh nghiệp thành một trong những holdings ngành logistics hàng hải có quy mô lớn nhất cả nước, qua đó mở ra tiềm năng tăng trưởng dồi dào trong giai đoạn tới.
Theo đó, VCBS dự phóng doanh thu năm 2022 của VSC đạt 2.200 tỷ đồng (+16,3% yoy), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 414 tỷ đồng (+18,2% yoy), tương ứng với EPS là 3.759 đồng/cp. VCBS duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VSC với mức định giá hợp lý là 62.965 đồng/ cổ phiếu.
Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.