Nội dung dự kiến được trình tại đại hội cổ đông thường niên 2021 tổ chức vào ngày 22/4 tới.
Lãnh đạo HSC nhấn mạnh rằng tình trạng nghẽn lệnh liên tục xảy ra trên HoSE trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến việc giao dịch của nhà đầu tư nói chung và cổ đông HSC nói riêng.
Đáng nói, hoạt động kinh doanh của công ty cũng bị ảnh hưởng khi lệnh đặt của khách hàng không đẩy được vào hệ thống, các hoạt động tự doanh, phát hành chứng quyền, sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro (hedging) của công ty cũng bị hạn chế.
Cũng theo tài liệu vừa bổ sung, HSC trình thông qua việc ủy quyền cho hội đồng quản trị quyết định thời điểm thực hiện chuyển sang sàn HNX; đồng thời chuyển giao dịch trở lại HoSE sau khi hệ thống mới của HoSE đi vào hoạt động. HSC hiện là công ty chứng khoán thứ tư quyết định chuyển sàn giao dịch, gồm VNDirect, BSC (chứng khoán BIDV) và TVB (chứng khoán Trí Việt), trong bối cảnh tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE chưa có giải pháp triệt để.
Theo lãnh đạo một số công ty, việc chuyển sàn là một trong những giải pháp mang tính ngắn hạn nhằm bảo vệ quyền lợi ích của nhà đầu tư, cổ đông khi giao dịch cổ phiếu. Đáng chú ý, cùng với kế hoạch chuyển sàn, năm 2021 HSC dự kiến thực hiện tang vốn mạnh.
HSC muốn rời sàn HoSE vì tình trạng nghẽn lệnh liên tục trong thời gian qua. |
Theo đó, công ty vừa thông qua phương án phát hành 152,5 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phát hành 50%. Hơn 52% cổ đông tán thành phương án trên, theo hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, phần còn lại không có ý kiến. Nguồn vốn huy động dự kiến 2.135 tỉ đồng, theo các nhà điều hành HSC, phần lớn sẽ bổ sung cho mảng hoạt động môi giới, cho vay ký quỹ, củng cố và gia tăng năng lực cạnh tranh của công ty.
Năm 2021, HSC đề ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh. Doanh thu dự kiến tăng 68%, đạt 2.668 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng 81%, đạt 962 tỷ đồng. Kế hoạch dựa trên giả thiết thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh giá trị giao dịch, dự báo bình quân 15.100 tỷ đồng/phiên, với động lực chính đến từ giao dịch nhà đầu tư trong nước.
Hơn 75% doanh thu của HSC dự kiến đến từ hoạt động môi giới và cho vay margin, với tỷ lệ tăng trưởng 60%-70% so với năm ngoái. 90% tổng tài sản dự kiến của HSC năm 2021 sẽ phân bổ phần lớn cho hoạt động cho vay ký quỹ và đầu tư vào tài sản tài chính.
"HSC vẫn có lợi thế đối với hoạt động cho vay ký quỹ ở phân khúc khách hàng lớn với dư nợ cho vay ký quỹ cao", ban lãnh đạo nêu trong tờ trình cổ đông.
Hiện HSC chiếm khoảng 23% thị phần môi giới khách hàng tổ chức, theo công bố từ công ty. Năm 2020, Covid-19 tác động đến nền kinh tế, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt vẫn tăng mạnh về giá trị lẫn thanh khoản.
HSC là một trong 3 công ty có thị phần môi giới lớn nhất trên HoSE, ghi nhận tốc độ tăng trưởng hơn 26% doanh thu, đạt 1.591 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng 23% đạt 530 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo công ty cho biết ngoại trừ các thương vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp chưa đạt tiến độ đề ra do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các mảng kinh doanh khác đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với năm 2019.
Theo Zingnews