Dấu hiệu chốt lời đã xuất hiện trong phiên hôm qua (13/4), nhưng nhờ có lực đỡ từ VIC nên VN-Index lúc đầu vẫn duy trì đà tăng tốt, chinh phục ngưỡng 1.265 điểm. Tình trạng xanh vỏ đỏ lòng diễn ra trong suốt phiên sáng, nhưng trong phiên chiều, khi hệ thống giao dịch của HOSE không còn quá nghẽn như trước, nhiều lệnh bán đã qua chốt kéo VN-Index quay đầu đảo chiều giảm điểm.
-- |
Dù sắc đỏ nhiều gần gấp 3 lần sắc xanh và VIC không còn giữ được sắc tím, nhưng đà tăng của mã vốn hóa lớn nhất sàn vẫn đủ để giữ cho VN-Index không giảm sâu.
Điểm đặc biệt trong phiên giao dịch hôm qua chính là lần đầu tiên trong lịch sử, thanh khoản trên sàn HOSE vượt qua mốc 1 tỷ cổ phiếu và giá trị giao dịch cũng chạm mốc 1 tỷ USD (cả thỏa thuận và khớp lệnh).
Trong tuần này, ngay 2 phiên đầu tuần, thanh khoản trên HOSE đã liên tiếp thiết lập mức lịch sử khi giá trị vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng. Theo chia sẻ của HOSE, Sở đã có thêm một vài cải tiến về kỹ thuật vận hành, giúp cải thiện hiệu quả xử lý của hệ thống. Nhờ đó, tình trạng quá tải hệ thống được giảm bớt, hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản.
Dù việc nghẽn lệnh đã được khắc phục phần nào, giúp giao dịch trên sàn HOSE trở nên thông suốt hơn, qua đó giúp thanh khoản tăng vọt và liên tiếp thiết lập kỷ lục mới. Tuy nhiên, hiện tượng loạn giá trên bảng điện tử dường như lại diễn ra năng hơn và thường xuyên hơn. Trong phiên sáng qua và sáng nay, liên tục diễn ra tình trạng bảng điện tử hiện thị loạn giá ở các mã cổ phiếu khi lệnh khớp lệch so với dư mua, dư bán. Dù lệnh khớp liên tục, nhưng lượng dư mua, dư bán không thay đổi, phải một thời gian sau mới đồng loạt nhảy, phản ánh không chính xác cung cầu, khiến nhà đầu tư lúng túng trong việc ra quyết định.
Trở lại diễn biến phiên sáng nay (14/4). Ngay khi bước vào đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), hàng chục triệu cổ phiếu giá thấp được tung vào thị trường, khiến sàn HOSE chìm trong sắc đỏ, VN-Index mất hơn 14 điểm. Đà giảm sau đó được nới rộng thêm, đẩy chỉ số này xuống ngưỡng 1.233 điểm, trước khi hồi trở lại nhờ lực cầu bắt đáy.
Lực cầu mỗi lúc một mạnh, hấp thụ gần hết lượng dư bán giá thấp, kéo nhiều mã đảo chiều tăng trở lại, thậm chí một số mã như ROS, TGG đã leo lên mức giá trần. Số mã tăng từ 38 mã đầu phiên đã tăng dần và vượt qua con số 110 mã, trong khi số mã giảm bớt đi khoảng 100 mã, còn hơn 260 mã.
Tuy nhiên, trong xu hướng điều chỉnh ngắn hạn, việc bật mạnh lại của thị trường là khó có thể xảy ra. VN-Index khi tăng gần trở lại mốc tham chiếu đã bị ép ngược trở lại. Theo quy luật tăng của thị trường 6 tháng gần đây, thì những phiên điều chỉnh này thường là phiên đảo trụ dẫn dắt. Trong các sóng trước, khởi đầu là cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán) sau chuyển sang nhóm năng lượng, vật liệu, bất động sản,...
Trong xu hướng tăng trung hạn chưa kết thúc thì các đợt điều chỉnh này thường gây khó cho nhà đầu tư nhỏ lẻ khi chốt lời xong nhưng không biết nên quay lại ở nhóm mã ngành nào!
Lực cầu bắt đáy có lúc giúp VN-Index có được sắc xanh, nhưng những nhà đầu tư muốn chốt lời vẫn lớn, trong khi lực mua không còn giữ được nhịp như hôm qua, khiến VN-Index vẫn đóng cửa phiên sáng trong sắc đỏ, dù mức giảm đã hạn chế hơn rất nhiều so với đầu phiên. Thanh khoản cũng sụt giảm mạnh so với sáng qua.
Chốt phiên, VN-Index giảm 4,76 điểm (-0,38%), xuống 1.243,57 điểm với 127 mã tăng và 287 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 566,6 triệu đơn vị, giá trị 12.502,8 tỷ đồng, giảm 32,4% về khối lượng và 31,2% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,7 triệu đơn vị, giá trị 726 tỷ đồng.
Cổ phiếu VIC sau phiên hưng phấn hôm qua với thông tin VinFast sẽ IPO trên sàn Nasdaq và được định giá khoảng 50 tỷ USD đã nhanh chóng quay đầu điều chỉnh trong phiên sáng nay. Chốt phiên, cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường này giảm nhẹ 0,5% xuống 140.000 đồng, khớp hơn 2,8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, người anh em VHM giảm khá mạnh 3,61% xuống 98.800 đồng, khớp hơn 2,5 triệu đơn vị. Một mã khác trong gia đình Vingroup là VRE cũng giảm 1,42% xuống 34.800 đồng, khớp hơn 4,2 triệu đơn vị.
Các mã bluechip khác giảm nhẹ có VCG và VGC đều giảm 3%, GVR, SBT, POW, BVH và MSB giảm hơn 1%, còn lại đều giảm nhẹ.
Ở chiều ngược lại, MSN là mã khởi sắc nhất nhóm khi tăng tới 5,1% lên 99.000 đồng, khớp 4,1 triệu đơn vị. Tiếp đến là NVL và EIB tăng trên 2%; OCB, GAS, HPG tăng hơn 1%, trong đó HPG có thanh khoản tốt nhất với 14,8 triệu đơn vị. Tuy nhiên, mã có thanh khoản tốt nhất nhóm bluechip là STB với 22,3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,4% xuống 22.600 đồng.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, sau khi chịu áp lực lớn đầu phiên và giảm mạnh, thậm chí có mã giảm sàn, lực cầu bắt đáy chảy mạnh đã giúp nhiều mã đảo chiều thành công, như ROS và TGG như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, chốt phiên, chỉ có TGG giữ được mức trần 4.150 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Trong khi đó, dù không giữ được mức trần, nhưng ROS cũng đóng cửa tăng mạnh 6,8% lên 6.730 đồng, khớp 64,9 triệu đơn vị, đứng đầu thị trường về thanh khoản.
FLC cũng đảo chiều tăng tốt 3,4% lên 12.000 đồng, khớp gần 25 triệu đơn vị, đứng sau ROS. HQC cũng tăng 1% lên 4.200 đồng, khớp 18 triệu đơn vị; ITA tăng 0,5% lên 8.340 đồng, khớp 16,5 triệu đơn vị. Trong khi DLG giảm 3,2% xuống 3.620 đồng, khớp hơn 13 triệu đơn vị, nhưng vẫn tích cực hơn so với mức sàn 3.480 đồng lúc đầu phiên.
Trong diễn biến hơi có sự khác biệt, sàn HNX dù mở cửa giữ được sắc xanh nhạt, nhưng nhanh chóng quay đầu giảm mạnh khi chứng kiến lệnh bán mạnh trên sàn HOSE. Tuy nhiên, khi lực cầu bắt đáy tăng trên HOSE, hành động tương tự cũng diễn ra trên sàn HNX, giúp chỉ số HNX-Index cũng đảo chiều thậm chí có lúc trở lại trên tham chiếu, nhưng sau đó bị ép mạnh xuống mức thấp nhất phiên giao dịch tính từ mở của tới 10h10.
Sau đó, thêm một nhịp hồi nữa đưa HNX-Index trở lại trên tham chiếu, nhưng cuối cùng cũng không thể giữ được sắc xanh khi đóng cửa phiên sáng.
Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,79 điểm (-0,27%), xuống 291,4 điểm với 90 mã tăng, trong khi có 116 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 111,5 triệu đơn vị, giá trị 1.894 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,8 triệu đơn vị, giá trị 202 tỷ đồng.
HNX hãm đà giảm nhờ nhiều cổ phiếu bluechip đảo chiều thành công, như SHB tăng 0,4% lên 25.500 đồng, khớp 11,87 triệu đơn vị, VND tăng 1,4% lên 36.700 đồng, khớp 6,1 triệu đơn vị; PVS tăng 0,4% lên 23.200 đồng, khớp 5,35 triệu đơn vị, SHS tăng 0,6% lên 31.400 đồng, khớp 5,3 triệu đơn vị…
Tuy nhiên, việc HNX-Index không thể giữ được sắc xanh do mã vốn hóa lớn nhất sàn là THD giảm 0,88% xuống 192.500 đồng. Bên cạnh đó, còn có BAB giảm 0,35% xuống 28.700 đồng, IDC giảm 0,27% xuống 37.500 đồng.
Diễn biến thị trường UPCoM cũng tương tự 2 sàn niêm yết khi giảm mạnh đầu phiên, sau đó nỗ lực hồi phục nhờ lực cầu bắt đáy, nhưng không thể giữ được sắc xanh trước khi bước vào giờ nhỉ trưa.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,37%), xuống 82,83 điểm với 81 mã tăng trong khi có tới 178 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,5 triệu đơn vị, giá trị 637 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 26 tỷ đồng.
BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường này với 6,5 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,8% xuống 16.700 đồng. Trong khi đó, mã cổ phiếu nhỏ KHB lại tăng trần lên 4.000 đồng, khớp 5,2 triệu đơn vị, đứng sau về thanh khoản. Một mã nhỏ khác cũng có giao dịch sôi động sáng nay là VHG với 3,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,6% lên 3.900 đồng.
Trong khi đó, một số mã lớn tăng khá tốt như MSR tăng 4,2% lên 22.400 đồng, khớp 1,48 triệu đơn vị, OIL tăng 0,7% lên 14.100 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị. CTR tăng 2,3% lên 87.900 đồng, MCH tăng 1,8% lên 105.000 đồng…
Theo Đầu Tư chứng khoán