Thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận khá nhiều tín hiệu tích cực trong tuần giao dịch đầu tiên năm mới Giáp Thìn.
Chốt phiên 16/2, chỉ số VN-Index lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng nhờ sự tỏa sáng của nhiều mã cổ phiếu bluechip.
Hai phiên giao dịch đầu năm con rồng, ngày 15-16/2 đầy hứng khởi, giúp số VN-Index liên tục tăng điểm, vượt mốc 1.200 điểm và duy trì đà tăng trên mốc này.
Trong phiên ngày 15/2, chỉ số VN-Index tăng 0,33% sau nhịp chốt lời cuối phiên, đóng cửa tại 1.202,5 điểm với thanh khoản tích cực. Đà tăng dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng, tiêu biểu là các cổ phiếu như Techcombank (TCB) của Chủ tịch Hồ Hùng Anh với mức tăng 3%; MBBank (MBB) với +2,8%.
Một số cổ phiếu ngân hàng vốn hóa nhỏ hơn có mức tăng mạnh như: MSB (+6,7%) của Chủ tịch Trần Anh Tuấn, NVB (+5,6%) và OCB (+5,0%).
Trong phiên cuối tuần, ngày 16/2, chỉ số VN-Index tiếp tục đà tăng 0,6%, đóng cửa tại 1.209,7 điểm. Đà tăng giá từ nhóm ngân hàng đã lan tỏa sang các cổ phiếu trong rổ VN30 khác như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - GVR (+6,8%), Tập đoàn Masan - MSN của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang (+2%), Vingroup - VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (+3,3%) và Vinamilk - VNM (+3,6%), giúp VN-Index giữ được đà tăng.
Đây cũng là lần đầu tiên sau một thời gian dài, dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, qua đó kéo giá cổ phiếu VIC lên khá mạnh, đẩy vốn hóa Vingroup vượt trở lại lên trên Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long.
Nhiều cổ phiếu trụ cột tăng giá giúp VN-Index giữ đà đi lên (Ảnh: HH) |
Trong 5 phiên vừa qua, cổ phiếu Vingroup của tỷ phú Vượng đã tăng liên tiếp và lên mức 44.000 đồng/cp. Vốn hóa của Vingroup đạt hơn 168 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 7 tỷ USD).
Cổ phiếu Vingroup tăng trở lại trong bối cảnh doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2023, duy trì được lượng tiền mặt lớn và gần đây hãng xe điện VinFast (VFS) có tín hiệu tốt về việc triển khai bán hàng trên phạm vi toàn cầu.
Hôm 15/2, VinFast đã giới thiệu dải xe điện tay lái nghịch tại Triển lãm Ô tô quốc tế Indonesia (IIMS) 2024 ở Jakarta - nhằm triển khai bán hàng tại nước này.
Vingroup và tỷ phú Vượng hiện nắm cổ phần chi phối tại VinFast. Cổ phiếu VinFast trên sàn chứng khoán Nasdaq gần đây tăng trở lại lên gần ngưỡng 5,5 USD/cp.
Có thể thấy, mặc dù xuất hiện lực bán chốt lời vào buổi chiều, chỉ số VN-Index vẫn bật tăng trở lại vào cuối phiên 16/2. Với thanh khoản tốt và độ rộng lan tỏa, đây là khởi đầu tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm Giáp Thìn.
Tín hiệu vẫn tích cực
Dòng tiền có sự luân chuyển khá nhịp nhàng. Cổ phiếu ngân hàng sau phiên nổi sóng 15/2 đã dần hạ nhiệt và trở nên phân hóa. Nhóm cổ phiếu bất động sản và bất động sản công nghiệp có những bước tăng khá mạnh, với nhiều mã nổi bật như Vingroup, Vinhomes, Novaland, Đất Xanh, SCR, NRC, VGR...
Trong tuần, giá trị giao dịch trên ba sàn tăng mạnh 20,2% so với tuần trước đó nhờ tâm lý tích cực sau Tết, đạt giá trị 20.637 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng, với giá trị bán ròng đạt 768 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Theo đó, khối ngoại bán ròng 726 tỷ đồng trên HOSE và 62 tỷ đồng trên HNX, trong khi mua ròng nhẹ 20 tỷ đồng trên UPCOM.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, dòng tiền của nhà đầu tư đã sớm quay trở lại thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ Tết và giúp chỉ số VN-Index bứt phá khỏi ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.
Ông Hinh nhận định, độ rộng của thị trường cũng tích cực hơn khi nhiều nhóm ngành luân phiên tăng điểm và giữ nhịp thị trường, thay vì chỉ tập trung vào nhóm ngân hàng như giai đoạn trước nghỉ lễ.
Tâm lý của nhà đầu tư trong nước khá hưng phấn nhờ những thông tin hỗ trợ tích cực về vĩ mô trong nước, đặc biệt là số liệu về sản xuất PMI, xuất nhập khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 1, cũng như bức tranh kết quả kinh doanh quý IV/2023 của các doanh nghiệp niêm yết đã có sự phục hồi rõ rệt.
Điều này củng cố cho tâm lý thị trường hướng tới một mùa đại hội cổ đông năm 2024 và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 với gam màu tươi sáng hơn.
Tổng hợp những yếu tố trên, chưa có dấu hiệu nào có khả năng “làm đảo chiều” xu hướng tăng hiện nay của thị trường.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng dự báo thị trường chứng khoán sẽ hút dòng tiền sau Tết và có triển vọng tươi sáng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương xử lý nhanh chóng các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/6.
Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Chứng khoán KB Hàn Quốc, đánh giá, việc nâng hạng TTCK được nhà đầu tư mong đợi hơn bao giờ hết. Việt Nam sẽ thu hút được nguồn vốn lớn trực tiếp và gián tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài, từ các tổ chức và định chế tài chính lớn trên thế giới.
Khi đó, thanh khoản trên TTCK cũng sẽ dồi dào. TTCK sẽ thực sự trở thành kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp bên cạnh các kênh trái phiếu và tín dụng.
Theo: vietnamnet.vn