Đại hội cổ đông MB: Tiếp tục tăng vốn và nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém

Duy Nguyễn 17:23 25/04/2023

Sáng nay (25/4), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã chứng khoán: MBB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Mục tiêu lợi nhuận vượt 26.000 tỷ đồng, MB tiếp tục tăng mạnh vốn

Tại Đại hội, ban điều hành của MB cho biết, năm 2023 kinh tế thế giới được dự báo còn có nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo ở mức 2,9%, thấp hơn đáng kể so với mức 3,4% năm 2022 và thấp hơn mức bình quân 3,3% của thập kỷ trước đại dịch.

Nhiều nền kinh tế lớn phải đối mặt với các rủi ro về tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất để kìm lạm phát làm tăng nguy cơ đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái nhanh hơn. Trong bối cảnh đó, ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.

Tổng tài sản của MB ước tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 2%. Ngân hàng cũng dự kiến trong sau (2024) sẽ chia cổ tức tỷ lệ 10-15%.

Theo tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, MB có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu trong năm nay. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2022 để lại của MB sau khi trích các quỹ là 12.151 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế để lại luỹ kế (bao gồm lợi nhuận để lại các năm trước) là 13.261 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dùng 9.068 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, 6.801 tỷ đồng dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 15%. Bên cạnh đó, 2.266 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỷ lệ 5%. HĐQT trình cổ đông uỷ quyền và giao nhiệm vụ cho HĐQT tổ chức thực hiện việc phân phối lợi nhuận này. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% sẽ giúp vốn điều lệ của MB tăng thêm 6.801 tỷ đồng. Số cổ phiếu phát hành là hơn 680 triệu đơn vị, thực hiện trong năm 2023.

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến tăng thêm 1.542 tỷ đồng cho vốn điều lệ từ việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua và NHNN chấp thuận. Vốn điều lệ dự kiến của MB sau khi hoàn thành việc tăng vốn điều lệ năm 2023 là 53.683 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm (8.343 tỷ đồng) sẽ chủ yếu được sử dụng cho đầu tư tăng năng lực (7.088 tỷ đồng đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ, đầu tư trụ sở tại khu vực TP.Hồ Chí Minh và địa bàn trọng điểm,…), đồng thời bổ sung vốn đầu tư kinh doanh (1.255 tỷ đồng).

Đại hội đồng cổ đông lần này cũng sẽ thực hiện thông qua tờ trình miễn nhiệm đối với ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT MB (theo nguyện vọng cá nhân của ông Đức). Số lượng thành viên HĐQT giảm về 10 thành viên, ông Lưu Trung Thái hiện đang đảm nhận vị trí này thay ông Lê Hữu Đức.

Trước đó, ngày 13/4, MB đã công bố Quyết nghị của Hội đồng Quản trị về việc từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT MB đối với ông Lê Hữu Đức, bầu ông Lưu Trung Thái giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024 và giao nhiệm vụ ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành.

Tiếp tục nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém

MB cũng cho biết ngân hàng đã chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo quy định và triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó.

HĐQT đã quyết định và tổ chức thực hiện các công việc, nội dung có liên quan để chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc và thực hiện các thủ tục với cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt phương án theo quy định.

Đồng thời, MB đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó theo định hướng chỉ đạo của NHNN, nhằm chuẩn bị cho việc MB nhận chuyên giao bắt buộc.

MB cũng tiếp tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động như đã được ĐHĐCĐ năm 2022 thông qua và NHNN chấp thuận. Thời gian thực hiện trong năm 2023 đến quý II/2024.

Trong phần thảo luận, có cổ đông băn khoăn chỉ số tỷ lệ bao nợ xấu của MB đạt 300%, liệu có phải nợ xấu tiềm ẩn của chúng ta khá cao nên chúng ta phải trích cao hay không.

Đại diện MB giải đáp, những năm nào có khả năng tiềm ẩn rủi ro cao thì ngân hàng nên trích dự phòng rủi ro nhiều hơn. Năm nào tình hình ổn định và rủi ro thấp thì có thể giảm để tăng lợi nhuận cho ngân hàng. "Năm ngoái, sau Covid-19, chúng tôi tăng dự phòng để tăng phòng thủ cho hệ thống. Đó là lý do 2 năm qua, dự phòng nợ xấu của chúng ta tương đối cao. Nếu năm sau chúng ta giảm dự phòng thì sẽ trở thành lợi nhuận", đại diện ngân hàng thông tin thêm.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/dai-hoi-co-dong-mb-tiep-tuc-tang-von-va-nhan-chuyen-giao-bat-buoc-ngan-hang-yeu-kem-138668.html

Bạn đang đọc bài viết Đại hội cổ đông MB: Tiếp tục tăng vốn và nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém tại chuyên mục Tài chính doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính doanh nghiệp