Khoản nợ 1.600 tỉ đồng và tham vọng năng lượng của Bamboo Capital

VIETTIMES 11:27 18/01/2021

Năm 2020, các đơn vị thành viên của Bamboo Capital đã huy động thành công tổng cộng 1.624,55 tỉ đồng từ trái phiếu hướng về các dự án năng lượng tái tạo.

Năng lượng tái tạo đang là lĩnh vực đóng vai trò hạt nhân chiến lược trong tương lai của CTCP Bamboo Capital (Mã CK: BCG).

Trong một diễn biễn mới đây, hai thành viên của tập đoàn này là CTCP Phát triển Tầm nhìn Năng lượng sạch (Tầm nhìn NLS) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Thành Nguyên (Năng lượng Thành Nguyên) – cùng sở hữu gián tiếp qua CTCP BCG Energy – đã huy động thành công 1.404,55 tỉ đồng qua kênh trái phiếu, kỳ hạn 1 năm và 1 ngày.

Cụ thể, lô trái phiếu của Tầm nhìn NLS được phát hành vào ngày 24/12/2020, có giá trị 1.004,55 tỉ đồng, được bảo đảm bằng 85,9% vốn điều lệ của Tầm nhìn NLS (thuộc sở hữu của BCG Energy). Tổ chức thu xếp phát hành là CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) – Chi nhánh Hà Nội.

Trong khi đó, Năng lượng Thành Nguyên phát hành thành công 400 tỉ đồng trái phiếu vào ngày 28/12/2020. Lô trái phiếu này có lãi suất cố định là 11%/năm, trái chủ nhận được trái tức 3 tháng/lần. Tổ chức thu xếp phát hành là CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS).

Theo tìm hiểu của VietTimes, Tầm nhìn NLS là chủ đầu tư dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ (Bình Định) – có công suất thiết kế 330 MW, quy mô 380 ha, tổng vốn đầu tư 267,3 triệu USD (khoảng hơn 6.200 tỉ đồng). Dự án này được khởi công xây dựng vào tháng 6/2020.

Cuối năm ngoái, Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ đã đóng điện và đưa vào khai thác thương mại 216 MW trên tổng công suất 330 MW. Phần còn lại của dự án dự kiến sẽ hoàn thành và đóng điện trước ngày 28/2/2021.

Trước đó, tháng 10/2020, Tầm nhìn NLS đã thế chấp nhiều tài sản liên quan đến dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh 12 TP. HCM.

Còn Năng lượng Thành Nguyên là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Krông Pa 2 (Gia Lai) – có công suất 49 MW, quy mô 63 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 50,7 triệu USD. Dự án này đã được Bộ Công thương phê duyệt song chưa có tiến độ thực hiện cụ thể.

Ngoài các dự án kể trên, thông qua BCG Energy, BCG còn sở hữu một loạt dự án năng lượng lớn có thể kể đến như: Nhà máy điện mặt trời BCG CME Long An 1 (công suất 40,6 MW, quy mô 50 ha, tổng vốn đầu tư 48,9 triệu USD), Nhà máy điện mặt trời BCG CME Long An 2 (công suất 100,5 MW, quy mô 125 ha, tổng vốn đầu tư 96,1 triệu USD), Nhà máy năng lượng mặt trời VnEco Vĩnh Long (công suất 49,3 MW, quy mô 50 ha, tổng vốn đầu tư 34,5 triệu USD), Nhà máy điện mặt trời Sunflower (công suất 50 MW, quy mô 25 ha mặt nước và 35 ha mặt đất, tổng vốn đầu tư 37 triệu USD), Nhà máy điện mặt trời Redsun (công suất 50 MW, quy mô 60 ha, tổng vốn đầu tư 36,3 triệu USD), …

BCG Energy

Theo tìm hiểu của VietTimes, BCG Energy được thành lập vào tháng 6/2017, hiện đang được BCG sở hữu tới 99% vốn điều lệ.

Ngày 31/8/2020, BCG Energy đã huy động thành công 220 tỉ đồng qua kênh trái phiếu, kỳ hạn từ 3 – 7 năm.

Cụ thể, BCG Energy phát hành 3 lô trái phiếu có giá trị lần lượt 50 tỉ đồng (kỳ hạn 3 năm), 70 tỉ đồng (kỳ hạn 5 năm) và 150 tỉ đồng (kỳ hạn 7 năm). Các lô này đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm, có bảo lãnh thanh toán.

Đối với kỳ thanh toán lãi đầu tiên, lãi suất trái phiếu được áp dụng cố định ở mức 11%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo, lãi suất được thả nổi với biên độ 5%/năm.

Như vậy, chỉ trong vài tháng cuối năm 2020, các đơn vị thành viên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của BCG đã huy động thành công tổng cộng 1.624,55 tỉ đồng qua kênh trái phiếu.

Từ khi thành lập đến năm 2019, BCG Energy chưa phát sinh doanh thu. Năm 2019, công ty này báo lỗ thuần ở mức 5,3 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của BCG Energy (công ty mẹ) đạt 913,6 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 794,6 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 56% và 49% so với thời điểm đầu năm.

CTCP Bamboo Capital (Mã CK: BCG) được thành lập vào năm 2011 và chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào năm 2015.

Năm 2019, BCG hợp nhất các danh mục đầu tư, tập trung vào 4 mảng hoạt động chính gồm: Sản xuất & Nông nghiệp, Phát triển hạ tầng & Bất động sản, Xây dựng & Thương mại, Năng lượng tái tạo.

Sau 10 năm hình thành và phát triển, BCG hiện đã trở thành một tập đoàn đa ngành với hơn 30 công ty thành viên và liên kết. Trong đó, 4 công ty thành viên trụ cột là CTCP Phát triển Nguyễn Hoàng, CTCP Đầu Tư Phát Triển Công Nghiệp và Vận Tải (Tracodi), CTCP BCG Land và CTCP BCG Energy.

Khoản nợ 1.600 tỉ đồng và tham vọng năng lượng của Bamboo Capital ảnh 1

Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, BCG ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.688 tỉ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019; trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 19% về mức 103 tỉ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2020, quy mô tổng tài sản của BCG đạt 16.230 tỉ đồng. Khoản nợ phải trả chiếm tới 86% tổng nguồn vốn với gần 13.962 tỉ đồng, trong đó riêng vay và nợ tài chính là 2.987 tỉ đồng.

Chủ tịch HĐQT BCG là ông Nguyễn Hồ Nam (SN 1978). Trước khi thành lập BCG, ông Nam là người sáng lập đồng thời là Chủ tịch của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Bên cạnh đó, ông còn là Phó Tổng Giám đốc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Link gốc : https://viettimes.vn/khoan-no-1-600-ti-dong-va-tham-vong-nang-luong-cua-bamboo-capital-post142068.html

Bạn đang đọc bài viết Khoản nợ 1.600 tỉ đồng và tham vọng năng lượng của Bamboo Capital tại chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu