Ngành bảo hiểm 2021: Cạnh tranh gay gắt trong môi trường lãi suất kém thuận lợi

vietnamfinance 17:28 13/01/2021

Môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng...

Ngoài ra, nếu lợi suất trái phiếu chính phủ giảm hơn nữa, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ - ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kế toán.

Ngành bảo hiểm 2021: Cạnh tranh gay gắt trong môi trường lãi suất kém thuận lợi

Ngành bảo hiểm 2021: Cạnh tranh gay gắt trong môi trường lãi suất kém thuận lợi

Ngành bảo hiểm giai đoạn hậu làn sóng Covid-19 chứng kiến sự biến chuyển đáng chú ý khi top 2 doanh nghiệp đầu ngành đang mất dần thị phần ở cả thị trường bảo hiểm nhân thọ và phi nhân nhọ. Cạnh tranh trong ngành theo đó tiếp tục gay gắt.

Trong số 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu, chỉ có Bảo Việt và PVI có thị phần giảm trong 9 tháng năm 2020. Trong khi đó, trong số 10 công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu, có 6 công ty tăng thị phần (Manulife, AIA, Generali, MB Ageas, FWD và AVIVA) và 4 công ty mất thị phần (Baoviet Life, Prudential, Dai-i-chi Life, Chubb Life, Hanwha Life).

Cuối năm 2020, Manulife hoàn tất việc mua lại AVIVA Việt Nam. Điều này giúp thị phần bảo hiểm nhân thọ của Manulife tăng lên khoảng 18,5% - xếp sau Prudential với 18,8%.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI trong báo cáo ngành bảo hiểm công bố mới đây, nếu duy trì được đà tăng trưởng doanh thu khai thác mới như hiện nay, Manulife sẽ có thể chiếm vị trí thứ 2 trong vòng 1-2 quý tới, chỉ đứng sau Bảo Việt.

Mặc dù vậy, vẫn có một số yếu tố cơ bản quan trọng hỗ trợ thị trường bảo hiểm trong năm 2020. Chẳng hạn như nhu cầu bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ hồi phục nhanh sau các làn sóng Covid-19; tỷ lệ bồi thường thấp kỷ lục và thu nhập tài chính mạnh mẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng lợi nhuận mảng bảo hiểm phi nhân thọ.

Ngoài ra, trong tháng cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 89/2020/TT-BTC giúp giảm gánh nặng dự phòng toán học cho các công ty bảo hiểm nhân thọ. Điều này giúp cải thiện lợi nhuận kế toán và giảm áp lực vốn ngắn hạn cho các công ty bảo hiểm nhân thọ từ quý IV/2020.

Riêng đối với Bảo Việt, theo ước tính của SSI, với mỗi 1% thay đổi trong dự trữ toán học, lợi nhuận sau thuế có thể tăng thêm 10% trong điều kiện các yếu tố khác không đổi.

Một xu hướng cũng cần lưu ý là kênh bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance) ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.

Năm 2021, SSI kỳ vọng tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc cao hơn đối với cả mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, lần lượt tăng 22% và 10-12% so với năm 2020.

Theo nhóm chuyên gia, nhu cầu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ở mức khá và nhờ các hợp đồng bancassurance độc quyền mới được ký kết, các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và không còn giãn cách xã hội, các hoạt động bán hàng (họp mặt, hội nghị khách hàng...) sẽ có thể phục hồi về mức trước dịch, thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh mẽ hơn.

Cùng với đó, kinh tế phục hồi thúc đẩy bảo hiểm phi nhân thọ. Do đó, bảo hiểm hàng hóa, hàng không, du lịch và bảo hiểm bảo an tín dụng sẽ có thể đạt được mức tăng trưởng trước dịch.

Bên cạnh dự báo tích cực về tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc, SSI cũng cho rằng việc mở rộng tài sản quản lý (AUM) sẽ là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vào năm 2021.

Tuy vậy, SSI không kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ tương đương tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm, vì các yếu tố hỗ trợ lợi nhuận trong năm 2020 là thị trường cổ phiếu sôi động và tỷ lệ bồi thường cải thiện có thể không lặp lại vào năm 2021.

Đặc biệt, lãi suất bình quân năm 2021 ước tính thấp hơn mức trung bình năm 2020 từ 0,75-0,85 điểm%, do đó, tăng trưởng thu nhập tài chính sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc mở rộng AUM.

Một số thay đổi về mặt cấu trúc được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2021. SSI ước tính doanh số bán hàng trực tuyến sẽ tăng. Tuy nhiên, kênh này chỉ phù hợp với một số phân khúc nhất định (bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm xe máy bắt buộc, bảo hiểm du lịch). Ngoài ra, các công ty bảo hiểm có thể phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe với nhiều mức tùy chọn và đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng hơn..

Về rủi ro đối với ngành bảo hiểm, SSI nhấn mạnh đến môi trường lãi suất thấp kéo dài.

Môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, nếu lợi suất trái phiếu chính phủ giảm hơn nữa, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ - ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kế toán.

Một rủi ro đáng lưu ý khác là chi phí tái bảo hiểm tăng.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam thua lỗ lớn, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản, đã khiến các nhà tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm.

SSI tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong trung hạn. Hậu quả quan trọng của việc này là các công ty bảo hiểm có thể không thể duy trì các hợp đồng tái cố định (treaty) và buộc phải chuyển sang các hợp đồng tái tạm thời (facultative), ảnh hưởng đến năng lực bảo hiểm phi nhân thọ.

Link gốc : https://vietnamfinance.vn/nganh-bao-hiem-2021-canh-tranh-gay-gat-trong-moi-truong-lai-suat-kem-thuan-loi-20180504224248269.htm

Bạn đang đọc bài viết Ngành bảo hiểm 2021: Cạnh tranh gay gắt trong môi trường lãi suất kém thuận lợi tại chuyên mục Bảo hiểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo hiểm