Dự án Cao su Sao vàng: Thương vụ đầy toan tính!

TRAVELMAG 07:21 13/09/2020

Chiếc ghế Chủ tịch Cao su Sao vàng của đại gia Hoành Sơn (Hà Tĩnh) có lợi ích như thế nào đang là câu hỏi mà không phải ai cũng có thể trả lời...

Ghế Chủ tịch SRC - nước cờ cao tay của đại gia Hoành Sơn

Cuối tháng 12 năm 2019, Công ty Cổ phần (CTCP) Cao su Sao Vàng (mã SRC) công bố quyết định về việc ông Phạm Hoành Sơn thay thế ông Lâm Thái Dương giữ chức Chủ tịch HĐQT SRC.

Trước đó ít ngày, ông Sơn cũng được đại hội cổ đông bất thường SRC bầu vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Doanh nhân này bước chân vào Cao su Sao vàng từ 4 năm trước. Mối liên hệ giữa SRC và Tập đoàn Hoành Sơn thể hiện ở việc góp vốn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn, đơn vị thực hiện Dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở cùng tên tại 231 Nguyễn Trãi (khu đất thuộc sở hữu SRC) năm 2016.

Và bước tiến sâu hơn của Hoành Sơn tại SRC là nhờ việc Vinachem thoái vốn nhanh tại SRC. Cụ thể, ngày 14/5/2019, Vinachem ra thông báo về việc thoái vốn Nhà nước tại SRC. Nửa tháng sau, Vinachem bán 4,2 triệu cổ phiếu (tương đương với 15% vốn) của SRC qua đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Giá khởi điểm đấu giá là 46.452 đồng/cổ phiếu.

Việc thoái vốn được cho là diễn ra nhanh chóng. Quy mô bán vốn (tính theo giá khởi điểm) của Vinachem tại SRC gần 200 tỷ đồng, song thời gian bán vốn chỉ diễn ra trong vòng 20 ngày bình thường (từ ngày 15/5/2019 đến ngày 4/6/2019). Tuy nhiên, nếu theo Quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành, thời gian công bố thông tin trước 20 ngày làm việc tương đương với khoảng 30 ngày bình thường.

Đáng chú ý, ở lần đấu giá này thành công nhờ nhiều sự trùng lặp như giá trúng thầu chỉ hơn giá khởi điểm 1 đồng; giá trúng đấu giá sát nhau; số lượng trúng đấu giá khớp đúng với số lượng bán. 4 nhà đầu tư trúng thầu với mức giá trúng là 46.453 đồng/CP. Vinachem thu về 196 tỷ đồng, giảm tỷ lệ sở hữu tại Cao Su Sao Vàng từ 51% xuống 36%.

Khi nắm quyền tự quyết tại SRC, việc thâu tóm một dự án “đất vàng” với giá rẻ và cuối cùng nắm toàn bộ hoạt động kinh doanh cũng như đất vàng của Cao su Sao vàng, mới thấy được sức mạnh và nước cờ cao tay đầy toan tính của đại gia đất Hà Tĩnh, Phạm Hoành Sơn...

Đấu giá chỉ dành cho Hoành Sơn?

Trong đợt đấu giá cổ phần, các nhà đầu tư cá nhân mua trọn lô cổ phần SRC do Vinachem thoái vốn bao gồm ông Nguyễn Tiến Ngọc, Phạm Ngọc Hà và Nguyễn Hồng Sơn; và nhà đầu tư tổ chức là CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thương mại Việt Anh (gọi tắt là công ty Việt Anh).

Công ty Việt Anh là thành viên của CTCP Đầu tư và Phát triển Hoành Sơn (Hoành Sơn Group) có cùng ngày thành lập 27/2/2014 tại số 18, đường Nguyễn Trường Tộ, phường Lê Lợi, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An; cùng có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, cùng cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu hoàn toàn giống nhau. Chỉ khác nhau ở tên người đại diện theo pháp luật.

Cụ thể, Công ty Việt Anh có 3 cổ đông sáng lập gồm ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch HĐQT (nắm 80% cổ phần); bà Nguyễn Thị Hằng Nga (nắm 19%) và ông Nguyễn Tiến Ngọc - Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật (nắm 1%). Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tiến Ngọc.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoành Sơn có 3 cổ đông sáng lập gồm ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch HĐQT (nắm 80% cổ phần); bà Nguyễn Thị Hằng Nga (nắm 19%); và ông Nguyễn Tiến Ngọc, Tổng giám đốc (nắm 1%). Người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hoành Sơn.

Riêng ông Nguyễn Tiến Ngọc vừa là nhà đầu tư cá nhân, vừa là Tổng giám đốc của Công ty Việt Anh trong vụ mua cổ phần SRC từ Vinachem. Đồng thời, ông Ngọc cũng chính là cổ đông lớn của SRC vào cuối năm 2018 sau khi nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,997% lên 5,009%. Tháng 3/2019, cổ đông này tiếp tục nâng sở hữu lên 6,265% vốn SRC. Tính đến cuối tháng 2/2020, ông Ngọc nắm 8,42%, tương đương hơn 2,3 triệu cổ phiếu SRC.

Quay lại chuyện cổ đông lớn của SRC trước thời điểm Vinachem bán đấu giá cổ phần, tại Đại hội cổ đông thường niên 2019 của SRC tổ chức ngày 27/4/2019, Vinachem đã đồng ý miễn nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị với ông Nguyễn Công Tuấn (trong khi ông Tuấn đang đại diện cho cổ đông tổ chức Cao su Việt Hàn) và đồng ý cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của SRC từ nhiệm theo kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu 19% cổ phần (nhóm cổ đông của ông Nguyễn Tiến Ngọc).

Đáng chú ý, thời điểm đó, Vinachem sở hữu 51% cổ phần, nhưng không thực hiện đề cử bổ sung thành viên Hội đồng quản trị trong nhiệm kỳ mới, tự tước bỏ quyền của cổ đông nhà nước và để cho nhóm cổ đông nắm giữ chưa đến 20% cổ phần có 2/5 vị trí trong Hội đồng quản trị.

Được biết, tài liệu Đại hội đồng cổ đông được ký ngày 10/4/2019 thì ngay hôm sau, ngày 11/4/2019, nhóm cổ đông nắm giữ hơn 19% đã có đơn gửi đề cử thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Tại Đại hội đồng cổ đông, khi các cổ đông có ý kiến về việc lý lịch, quá trình công tác của các ứng viên này thiếu trung thực (ứng viên không làm việc tại đơn vị ký tên, đóng dấu xác nhận lý lịch), ông Lâm Thái Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị SRC - chủ tọa Đại hội - đã cho dừng Đại hội để tổ giúp việc xử lý vấn đề trên. Khi đó, các cổ đông có ý kiến phản đối và không đồng ý bầu cử. Tuy nhiên đại diện cổ đông lớn Nhà nước, với tỷ lệ cổ phần chi phối (Vinachem) vẫn cho tiếp tục tiến hành. Sự việc đã được ghi lại diễn biến trong Biên bản Đại hội đồng cổ đông SRC.

Ngoài ra, xung quanh phiên họp cổ đông của SRC còn vướng không ít lùm xùm phản ánh của cổ đông về việc nhiều cổ đông không nhận được thông báo hay nhận tài liệu muộn. Điều này khiến họ không đủ thời gian để liên lạc nhóm cổ đông đủ 5% để đề cử ứng cử tham gia Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2016 - 2021 do ngày 22/4/2019, theo quy định của SRC, là ngày cuối cùng nhận tài liệu đề cử, ứng cử của các cổ đông.

Cổ đông đặt câu hỏi, tại sao trước khi bán vốn Nhà nước, Vinachem lại tự tước quyền của mình và cho nhóm cổ đông nắm giữ chưa đến 20% vốn SRC vào 2/5 ghế trong Hội đồng quản trị và 1/3 ghế trong Ban kiểm soát?
(Còn tiếp).

Bạn đang đọc bài viết Dự án Cao su Sao vàng: Thương vụ đầy toan tính! tại chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu