Hé mở liên danh đề xuất dự án Hydro xanh 175.600 tỷ đồng

NHVN 06:13 18/09/2022

Cái bắt tay của nhóm nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm là diễn biến đáng chú ý tại Dự án Trung tâm Hydro xanh Hải Lăng quy mô 175.600 tỷ đồng.

Green-Energy-Hydrogen-Wind-Solar

Hydro xanh được đánh giá là một hướng đi tương lai của ngành công nghiệp năng lượng trên thế giới. Ảnh: Internet

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, ngày 12/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã làm việc với nhóm doanh nghiệp đề xuất, nghiên cứu Trung tâm Hydro xanh tại Quảng Trị.

Theo đó, dự kiến quy mô công suất các nhà máy thuộc Dự án Trung tâm Hydro xanh Hải Lăng gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 có quy mô công suất điện mặt trời là 700 MWp, 300 MW điện gió và 193.000 tấn NH2/năm; giai đoạn 2 là 1.800 MWp điện mặt trời, 700 MW điện gió và 465.000 tấn NH2/năm; giai đoạn 3 là 1.800 MWp điện mặt trời, 700 MW điện gió và 82.000 tấn H2 lỏng/năm.

Tổng mức đầu tư dự kiến 3 giai đoạn của dự án là hơn 175.600 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 31.300 tỷ đồng. Nhà đầu tư đề xuất dự án trên là liên danh Công ty An Xuân – Vinapitco – Eternal Power – Pecc2.

Trong đó, Eternal Power chịu trách nhiệm chính trong quản lý dự án, các vấn đề kỹ thuật công nghệ chính, thu xếp vốn nước ngoài, tìm kiếm và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm Hydrogen và Amoniac. Đây là công ty nước ngoài có trụ sở chính tại Hamburg, Đức, được thành lập vào tháng 4/2021, do một nhóm gồm 5 chuyên gia năng lượng tái tạo, vận chuyển và hậu cần đồng sáng lập. Đến nay, Eternal Power đã ký kết hợp tác với các đối tác tại UAE, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ để phát triển, tài trợ, xây dựng và vận hành các cơ sở sản xuất hydro xanh.

Trong khi đó, CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2, mã TV2) là một trong bốn công ty tư vấn điện hàng đầu của Việt Nam, chuyên khảo sát thiết kế lập dự án đầu tư xây dựng phát triển điện từ chỗ chỉ là tư vấn phụ của tư vấn nước ngoài cho các dự án điện tại Việt Nam. Một số công trình tiêu biểu của TV2 là thủy điện Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận-Đa Mi, Đại Ninh, A Vương, Đồng Nai 3&4, Hạ Sê San; các công trình nhiệt điện tại Trung tâm Điện Lực Phú Mỹ, Ô Môn, Cà Mau, Nhơn Trạch...

Trong những năm gần đây, TV2 đã thực hiện công tác chuẩn bị và đầu tư các dự án như: Dự án Thủy điện Thác Bà 2, Dự án Điện mặt trời tại TTĐL Vĩnh Tân, Dự án Điện gió Tân Thuận, Dự án Điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1, …, nghiên cứu phát triển các dự án điện sinh khối tại đồng bằng song Cửu Long và hợp tác với các đối tác tiềm năng để phát triển điện khí LNG.

Ngoài tư vấn xây dựng phát triển điện, TV2 còn góp vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Tại ngày 30/6/2022, tổng giá trị đầu tư vào các công ty liên kết là 336 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào CTCP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ là 87,4 tỷ đồng và CTCP Đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau gần 228,8 tỷ đồng. Ngoài ra, TV2 còn góp vốn vào CTCP đầu tư Thủy điện Thác Bà 2 với 19,6 tỷ đồng.

Hiện nay, TV2 có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là cổ đông lớn nhất nắm giữ 47,22%.

Screenshot 2022-09-14 080604

Tình hình kinh doanh của PECC2 trong nhiều năm qua khá ổn định. Giai đoạn 2017-2021, doanh thu công ty này đạt đỉnh vào năm 2021 với hơn 3.600 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản bán hàng và cung cấp dịch vụ, còn lãi ròng các năm đều duy trì trên mức 200 tỷ đồng.

Song sang nửa đầu năm 2022, TV2 cho biết do các dự án điện mới chưa được triển khai và ảnh hưởng của dịch bệnh khiến hoạt động lưu thông hàng hóa bị gián đoạn nên doanh thu đem về chỉ ở mức 630 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng chỉ vỏn vẹn 31 tỷ đồng. Năm nay, công ty đề ra kế hoạch 1.927 tỷ đồng doanh thu và 100 tỷ đồng lãi ròng, như vậy, sau 6 tháng, TV2 đã hoàn thành 31% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Thành viên thứ 3 trong liên danh này - Vinapitco, nên biết, cũng là pháp nhân thuộc nhóm TV2. Tên đầy đủ của doanh nghiệp này là Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh Điện năng Việt Nam, được thành lập vào năm 2015. Thời điểm ban đầu, Vinapitco có vốn điều lệ 183 tỷ đồng, góp bởi 3 cá nhân là bà Lê Thị Bình (50%), ông Đinh Quang Cường (25%) và ông Đinh Quang Minh (25%).

Vinapitco cho biết doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Xím Vàng 2, tại tỉnh Sơn La với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, đồng thời đang tiến hành nghiên cứu, lập dự án triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời tại khu vực miền trung, các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận,…

Hiện nay, ông Đinh Quang Tri - Chủ tịch Hội đồng Vinapitco cũng đang đảm trách vai trò Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2022 – 2027 tại TV2, doanh nhân này từng có 24 năm làm việc tại EVN ngay từ khi Tập đoàn mới thành lập vào năm 1995.

Về phần mình, CTCP Năng lượng An Xuân (An Xuân Group) được thành lập vào năm 2017, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư phát triển các dự án về năng lượng, gồm các dự án thủy điện, dự án điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối. Hiện nay, Công ty đã có 4 nhà máy thủy điện với tổng công suất 94,5 MW và đang thực hiện đầu tư dự án thủy điện Simacai tại tỉnh Lào Cai và các dự án trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Điện Biên với tổng công suất 100 MW.

Cuối năm 2021, CTCP Năng lượng An Xuân đã từng đề xuất với UBND tỉnh Lạng Sơn để đầu tư dự án điện gió Đình Lập 3 giá trị lên tới hơn 18.200 tỷ đồng, công suất 528MW, sản lượng điện hàng năm 1.619 triệu kWh, diện tích chiếm đất khoảng 97ha tại huyện Đình Lập.

Ngoài ra vào tháng 7/2022, An Xuân đã ký thỏa thuận hợp tác với NovaWind, công ty năng lượng gió thuộc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga Rosatom về việc xây dựng trang trại điện gió 128MW tại Sơn La.

Tính đến cuối tháng 6/2022, An Xuân Group đang nắm giữ 22,69% vốn tại CTCP Thủy điện Sử Pán 2 (mã SP2). Cùng với đó, ông Đoàn Hải Chiến, Chủ tịch An Xuân hiện cũng đang là Chủ tịch HĐQT của SP2.

Link gốc : https://nhadautu.vn/he-mo-lien-danh-de-xuat-du-an-hydro-xanh-175600-ty-dong-d69468.html

Bạn đang đọc bài viết Hé mở liên danh đề xuất dự án Hydro xanh 175.600 tỷ đồng tại chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu