ại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với đoàn doanh nghiệp thuộc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Việt Nam rất coi trọng quan hệ giữa các quốc gia nói chung và đặc biệt quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thông tin tin buổi làm việc, Thứ trưởng cho biết, năm 2022 Bộ Công Thương dự kiến triển khai hiệu quả, bảo đảm cung ứng các nguyên vật liệu, đáp ứng nhu cầu hồi phục phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc với các dự án công nghiệp quan trọng.
Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ tối đa các nhà máy và khôi phục sản xuất để tạo chuỗi cung ứng và giữ vững các đơn hàng giữa Việt Nam và doanh nghiệp các nước trong đó có Hoa Kỳ.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung triển khai các dự án đầu tư công lớn, đặc biệt là các dự án về năng lượng, hạ tầng, phát triển liên quan đến ngành Công Thương nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giao thương của nền kinh tế cũng như phát triển thị trường cho một số ngành sản xuất chủ lực như là thép, cơ khí, vật liệu xây dựng, ô tô”, Thứ trưởng cho hay.
Về dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, khung chính sách nhằm thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp. Đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến, cơ khí, ô tô, dệt may, da – giày, điện – điện tử, chế biến thực phẩm...
“Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số lĩnh vực này và hy vọng nhận được sự hợp tác từ phía các doanh nghiệp Hoa Kỳ”, ông Hải nhấn mạnh.
Nhấn mạnh vai trò đồng hành của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius - nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam là những đối tác đồng hành, hợp tác cùng với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các giải pháp ứng phó và phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi mong muốn đồng hành và hỗ trợ Việt Nam triển khai các hiệp định thương mại tự do. Các doanh nghiệp của chúng tôi cũng ủng hộ mạnh mẽ phát triển bền vững. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ hỗ trợ và triển khai hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, quy định mở rộng sản xuất quản lí giá trị thu được (EVM)”, ông Ted Osius nhấn mạnh.
Ngay tại buổi làm việc, một số tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cho biết đang có kế hoạch mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh trong năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ thể hiện sự quan tâm tới các lĩnh vực như logistics, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng sạch, chuyển đổi số, lĩnh vực kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững...
Đại diện Công ty TNHH Ford Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng công suất sản xuất và tuyển thêm lao động trong năm nay. Hiện Ford Việt Nam cũng đang xin cấp phép để có thể triển khai một hình thức kinh doanh hoàn toàn mới đối với lĩnh vực ô tô, đó là trang thương mại điện tử nhằm hỗ trợ tối đa người tiêu dùng có thể tham khảo, mua hàng online.
Khẳng định Việt Nam là thị trường quan trọng, đại diện Tập đoàn ExxonMobil tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết hiện doanh nghiệp này đang triển khai một số dự án điện – khí tại Việt Nam. ExxonMobil cũng đang phát triển và ứng dụng các công nghệ, giải pháp tiên tiến nhằm hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch tại Việt Nam, góp phần thực hiện cam kết của Hội nghị COP26.
Theo đại diện Công ty TNHH Nike Việt Nam, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay chuỗi cung ứng của hãng tại khu vực miền Nam đã phục hồi hoàn toàn và chuỗi cung ứng tại miền Bắc cũng đang nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến hoạt động triển khai các dự án điện, phát triển năng lượng tái tạo, thương mại điện tử, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thông quan hàng hóa.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính lũy kế đến 20/2/2022, Hoa Kỳ đứng thứ 11 trong danh sách 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiện có 1.145 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,3 tỷ USD. Tính theo địa phương, các dự án của Hoa Kỳ tập trung chủ yếu ở Bà Rịa – Vũng Tàu (tổng vốn đầu tư đạt 4,61 tỷ USD, chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là Tp.HCM (12,2% tổng vốn đầu tư), Bình Dương (9%), và Đà Nẵng (7,1%),… Tính theo ngành, lĩnh vực, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (hơn 4,46 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 43,1% tổng vốn đầu tư) và lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo (32% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là: Cấp nước và xử lý chất thải (5,1%), Vận tải kho bãi (3,9%),… Mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ vẫn duy trì hoạt động, mở rộng đầu tư và tìm kiếm những cơ hội mới tại Việt Nam, như: Apple, Google, Netflix, Dell, Intel,…. |