Bán cổ phần lần đầu
Thông tư quy định cụ thể về bán cổ phần lần đầu. Theo đó, căn cứ phương án cổ phần hóa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Ban chỉ đạo cổ phần hóa chỉ đạo doanh nghiệp cổ phần hóa triển khai phương án bán cổ phần lần đầu theo các phương thức đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa.
Phương thức bán đấu giá được áp dụng trong các trường hợp: bán đấu giá công khai ra công chúng, bao gồm cả số lượng cổ phần người lao động, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp từ chối mua và số cổ phần nhà đầu tư chiến lược không đăng ký mua hết số cổ phần chào bán theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt;
Bán đấu giá cho nhà đầu tư chiến lược trong trường hợp có từ hai (02) nhà đầu tư chiến lược đáp ứng tiêu chí lựa chọn thực hiện đăng ký mua cổ phần và tổng số cổ phần các nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua lớn hơn số cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt.
Phương thức thỏa thuận trực tiếp được áp dụng trong các trường hợp sau: bán cho nhà đầu tư chiến lược trong trường hợp chỉ có một (01) nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần; hoặc các nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần với số lượng bằng hoặc nhỏ hơn số lượng cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt;
Bán cho các nhà đầu tư số cổ phần không bán hết. Bán cho người lao động và tổ chức công đoàn.
Phương thức bảo lãnh phát hành được áp dụng khi bán cổ phần lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Phương thức dựng sổ (Book - Building) thực hiện theo Thông tư số 21/2019/TT-BTC ngày 11 tháng 04 năm 2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hóa được phê duyệt, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn thành việc bán cổ phần theo các phương thức đã được phê duyệt. Trường hợp điều chỉnh phương án cổ phần hóa theo quy định tại khoản 3 Điều này thì thời hạn doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn thành việc bán cổ phần được tính từ ngày quyết định điều chỉnh phương án cổ phần hóa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
(Ảnh minh họa) |
Phương thức đấu giá công khai ra công chúng
Theo Thông tư, khi doanh nghiệp cổ phần hóa đăng ký bán đấu giá cổ phần lần đầu qua Tổ chức thực hiện bán đấu giá phải đồng thời thực hiện việc đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phần trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCom). Sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển đổi thành công ty cổ phần, việc đăng ký niêm yết chứng khoán của công ty cổ phần thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (hoặc Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sau khi được thành lập và đi vào hoạt động) và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội thực hiện đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch cho số cổ phần trúng đấu giá đã được thanh toán. Số cổ phần bán đấu giá cho nhà đầu tư chiến lược và số cổ phần bán thỏa thuận, bán theo phương thức bảo lãnh phát hành theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 Thông tư này được đăng ký, lưu ký theo hướng dẫn của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch bổ sung trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký số cổ phần trúng đấu giá đã được thanh toán và lưu ký cổ phần vào tài khoản lưu ký của nhà đầu tư theo thông tin do Tổ chức thực hiện bán đấu giá cung cấp.
Theo Thông tư 32, việc bán đấu giá công khai ra công chúng thực hiện tại Sở giao dịch chứng khoán. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa có khối lượng cổ phần bán ra có tổng mệnh giá dưới 10 tỷ đồng thì cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể xem xét, quyết định tổ chức đấu giá tại công ty chứng khoán hoặc trung tâm dịch vụ, doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Địa điểm tổ chức bán đấu giá được quy định trong Quy chế bán đấu giá cổ phần.
Việc xác định kết quả đấu giá được thực hiện theo nguyên tắc lựa chọn giá đặt mua từ cao xuống thấp cho đủ số lượng cổ phần chào bán nhưng không thấp hơn giá khởi điểm.
Xử lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của công ty mẹ tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2017
Thông tư 32 có điều khoản về Xử lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của công ty mẹ tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2017.
Theo đó, công ty mẹ có trách nhiệm nộp toàn bộ số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (bao gồm cả các khoản công nợ Quỹ chưa thu hồi được) tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2017 về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại khoản 7 Điều 48 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2017.
Số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (bao gồm cả các khoản công nợ Quỹ chưa thu hồi được) tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2017 nếu chưa thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 30 tháng 6 năm 2018 thì công ty mẹ phải nộp thêm tiền lãi chậm nộp theo quy định tại Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
Trong phạm vi 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt quyết toán Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2017, công ty mẹ có trách nhiệm nộp bổ sung khoản chênh lệch tăng thêm so với số đã nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Sau thời hạn này, công ty mẹ phải nộp thêm tiền lãi chậm nộp khoản chênh lệch tăng thêm theo quy định của Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Trường hợp số tiền phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quyết toán của cơ quan đại diện chủ sở hữu thấp hơn số doanh nghiệp tự xác định và đã nộp, cơ quan đại diện chủ sở hữu có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị hoàn trả số tiền nộp thừa.
Bộ Tài chính quyết định xuất Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hoàn trả số tiền doanh nghiệp đã nộp thừa trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan (gồm: công văn đề nghị hoàn trả tiền từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp của cơ quan đại diện chủ sở hữu; Ý kiến bằng văn bản của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con; Chứng từ chứng minh số tiền doanh nghiệp đã nộp tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp).
Theo Tài chính Doanh nghiệp