Giảm chi phí Logicstics tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp

NHVN 16:07 11/08/2021

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu do chi phí Logicstics tăng. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Chi phí Logistics sẽ bao gồm: Chi phí vận tải – chiếm một phần ba cho đến hai phần ba chi phí lưu thông phân phối; Chi phí cơ hội vốn – suất sinh lời tối thiểu mà công ty kiếm được khi vốn không đầu tư cho hàng tồn trữ mà cho một hoạt động khác; và Chi phí bảo quản hàng hóa – gồm chi phí thuê kho bãi, bảo quản hàng hóa, đưa hàng hóa ra vào kho, hàng bị hư hỏng, bảo hiểm cho hàng hóa.

Chi phí Logicstics tăng các doanh nghiệp xuất khẩu bất an

Vẫn biết dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng cao, nhưng phí logistics của các nước xuất khẩu nông sản cạnh tranh với Việt Nam lại rẻ hơn rất nhiều so với chúng ta. Đây là câu chuyện bất thường, phản ánh những bất cập trong khâu vận chuyển nông sản xuất khẩu hiện nay.

Thực tế cho thấy doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa từ cuối năm 2020 đến giữa năm 2021, tình hình thiếu container đã hạ nhiệt dù mức phí vẫn tăng lên gấp 3 - 4 lần. Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang bất an bởi mọi chi phí từ giá thành đầu vào, logistics, thuê container đóng hàng xuất khẩu đều ở mức cao ngất ngưởng.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chi phí logistics tăng từ năm 2020 đang tạo áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp thủy sản khi hiện nay tất cả các chi phí đầu vào, đầu ra đều tăng.

Theo VASEP, trước đây cước phí vận chuyển là 2.000 USD/container nhưng nay đã tăng lên 9.000 - 10.000 USD/container, gây thiệt hại nặng nề cho nhà cung ứng, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Như ở thị trường Mỹ luôn luôn mua hàng với điều kiện CNF - người bán sẽ trả tiền vận chuyển, với tất cả rủi ro về chi phí vận chuyển, kho bãi… đều do doanh nghiệp Việt Nam gánh chịu. Thời hạn ký hợp đồng giao hàng luôn luôn dao động từ 1 tháng trở lên. Doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn hàng nhưng với khâu vận chuyển thì ngược lại.

Chi phí vận tải biển tăng tạo ra nhiều áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian vừa qua

Đại diện Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, đối với các sản phẩm sản xuất từ tre công nghiệp xuất khẩu sang thị trường Âu - Mỹ… chi phí logistics cho đơn hàng sang Pháp tăng gấp 3 lần so với trước đó. Tương tự, chi phí logistics đơn hàng sang Mỹ, Canada… cũng tăng vọt khiến nhiều đơn hàng bị cản trở, dòng tiền chậm lại, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.

Theo ông Đinh Hữu Thạnh, tác động với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tùy thuộc từng ngành. Với hàng điện tử, chi phí logistics vào khoảng 6 - 7%, còn hàng dệt may lên tới 15 - 20%, hàng công nghiệp hơn 20%. Với giá trị lớn, trong rất nhiều trường hợp, các hãng điện tử sẵn sàng trả giá cao để được ưu tiên đi hàng trước nên nhiều ngành sản xuất, nhất là hàng cồng kềnh, giá trị thấp thường khó mua cước, gây ảnh hưởng tiến độ xuất và giao hàng.

Còn với doanh nghiệp gỗ, ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc điều hành Công ty CP XNK Hàng Việt - cho biết, hiện nay chi phí logistics đang chiếm từ 3 - 5% giá thành sản phẩm của gỗ xuất khẩu. Nếu thêm các khoản phí khác sẽ là gánh nặng lớn với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo đại diện Công ty CP Vicostone, giờ hàng nặng, nhẹ đều gặp khó như nhau: thiếu container, thời gian vận chuyển dài, giá tăng. Do Vicostone bán hàng theo phương thức FOB nên khách hàng chịu tất chi phí. Mặt khác, hàng đến cảng của khách quá lâu có thể ảnh hưởng tiến độ giao hàng.

Theo ông Trương Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, thông tin giá cước vận tải tăng đang là bài toán nan giải của hầu hết doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay, trong đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không chịu nổi áp lực đã phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động.

Doanh nghiệp thậm chí có lúc trong vòng 1 tháng cũng không thể tìm được xác nhận chỗ trên tàu (Booking confirmation) để tiến hành giao hàng và đến khi tìm được Booking thì giá vận chuyển đã tăng thêm hơn 1.500 USD/1 container 40 feet. Cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD, tức là tăng 5-6 lần.

So với thời điểm 2020, cước vận chuyển đi châu Âu thường ổn định ở mức 800-1.200 USD cho 1 container 40 feet, nhưng bây giờ tăng trên 11.000 USD, tức là tăng 12-13 lần so với mức giá đầu năm 2020.

"Cước vận chuyển đi Mỹ và EU hiện tại tăng liên tục dao động 2 tuần 1 lần và mức tăng không báo trước, có những lúc lại tăng đột biến; đặc biệt không loại trừ việc tăng chi phí từ đơn vị trung gian là đại lý hãng tàu (Forwarder – gọi tắt FWD) cùng cộng hưởng tạo tâm lý sai lệch về vấn đề tăng giá. Đây cũng là một mắt xích quan trọng vì hầu hết các doanh nghiệp đều làm việc với hãng tàu qua trung gian là FWD. Điều này được chứng minh khi hiện tại trên thị trường đang trôi nổi nhiều mức giá khác nhau cho các chỗ trên cùng một con tàu", VPA chia sẻ.

Thậm chí, nhiều khi các doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận trả giá cao để giao hàng cho khách cho kịp thời hạn giao hàng nhưng vẫn không tìm được booking để giao hàng. Các hãng tàu còn sẵn sàng hủy chỗ (Booking confirmation) cho các booking đã đặt trước để bán lại cho các doanh nghiệp khác khi họ trả giá cước cao hơn, dẫn đến tình trạng tranh giành nhau để book tàu.

Cần sự can thiệp từ Chính phủ

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) mới đây cũng cho thấy ở một số cảng, giá cước vận tải đã tăng gấp đôi so với giá mấy tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020. Ví dụ: Giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Southamton (Anh) đầu năm 2020: 1.600 USD/ container; tháng 12/2020: 5.000 USD/ container, đến tháng 5/2021: 9.100 USD/container; Giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020: 1.800 USD/ container; tháng 12/2020: 4.000 USD/ container; đến tháng 5/2021: 8.000 USD/ container; Giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Jacksonville (Mỹ) đầu năm 2020: 3.900 USD/container; tháng 12/2020: 7.000 USD/container; đến tháng 5/2021: 12.000 USD/container.

Ngay cả khi doanh nghiệp đã đăng ký được container đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu rồi nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục hoãn chuyến. Thậm chí, nhiều tàu phải hoãn 4-5 lần (tương đương khoảng 10-15 ngày/chuyến) gây nên việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu nhất là các đơn hàng phải giao để kịp quata nhưng tàu hoãn dẫn đến chậm trễ buộc phải hủy giao hàng, chi phí lưu container ở cảng cũng tăng lên gấp bội.

Theo đó, VCCI đề nghị thành lập Tổ Công tác của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương để rà soát và tháo gỡ các khó khăn hiện nay về chi phí logistics, tình trạng thiếu container. Tổ Công tác này cần làm việc chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, các cảng biển, các hãng tàu… để đưa ra các giải pháp hạn chế tình trạng thao túng giá, đẩy giá của một số bên.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xuất khẩu nông sản Việt Nam muốn cạnh tranh thì phải có lợi thế về giá thành, tuy nhiên khâu trung gian như chi phí logistics quá cao đang kéo giảm sức cạnh tranh của chúng ta. Từ khi dịch COVID-19 xảy đến, khâu vận chuyển nông sản nói chung, vận chuyển đi xuất khẩu là thách thức của DN, khó khăn cản đường xuất khẩu nông sản.

Bên cạnh đó, hạ tầng liên thông giữa vùng canh tác, vùng nguyên liệu tới nhà máy chế biến, rồi vận chuyển ra cảng nước sâu, cảng hàng không, thì chi phí vận chuyển trong 1kg trái cây là rất lớn. Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng nói điều này để thấy, chúng ta cần giải quyết điểm nghẽn về logistics nông sản, một trong những nút thắt nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt.

Tại các cảng biển lượng container rỗng không đủ để đáp ứng nhu cầu cho các doah nghiệp xuất khẩu

Đáng chú ý, VPA đặt vấn đề, cước từ các nước châu Á khác như Ấn Độ đi Mỹ và châu Âu lại không tăng nhiều như ở Việt Nam. Ở Việt Nam, việc tăng này là phi lý và bất thường bởi giá dầu – chi phí cốt lõi để cấu thành ra giá thành trong vận tải đường biển đang ở mức giá thấp hơn nhiều so với trước đây.

"Điều này còn dẫn đến một câu hỏi khác được đặt ra là có hay không việc các hãng tàu cố tình găm container và chỗ trên tàu để tạo ra hiện tượng khan hiếm chỗ, khan hiếm vỏ container để trục lợi nhằm đẩy giá cước vận chuyển tiếp tục tăng phi mã. Các doanh nghiệp rất cần sự can thiệp của Chính phủ và Bộ ngành nhằm làm rõ có hiện tượng bắt tay làm giá từ các hãng tàu và đại lý hãng tàu hay không? Và nếu có cần phải xử lý triệt để như thế nào?", VPA đặt vấn đề

Chi phí logistics tăng cao đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành hồ tiêu Việt Nam, theo đó Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam và quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.

Theo đó, VPA kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục tác động yêu cầu các hãng vận chuyển công khai, minh bạch giá cước vận chuyển trên website chính thức của công ty, công bố lộ trình biểu phí rõ ràng.

Đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đối thoại trực tiếp với các hãng tàu lớn yêu cầu các đơn vị đại lý hãng tàu áp dụng mức tăng giá chung tránh việc nhiễu loạn giá cước như hiện nay, chấm dứt hiện tượng các FWD lạm quyền o ép doanh nghiệp.

"Làm rõ vai trò chức năng các FWD (các đại lý hãng tàu), tuyệt đối không cho phép hiện tượng đại lý tự tung tự tác, mua chỗ từ hãng tàu, sau đó cộng chênh lệch cao bất thường và bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu", VPA khuyến nghị.

Doanh nghiệp chờ đợi gì?

Trong khi đó, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh chia sẻ nếu có một điều ước trong năm nay thì ông sẽ ước làm thế nào để Việt Nam có container rỗng, có hãng tàu lớn có thể vận chuyển nông sản của Việt Nam tới khắp thế giới. Điều này giúp cho nông sản Việt Nam hiện diện khắp nơi trên thế giới, cạnh tranh tốt.

"Tôi cũng có điều ước như ông Thông", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group nói. "Thời gian qua, container rỗng chỉ có thể đáp ứng được 60% nhu cầu xuất khẩu của Vina T&T, 40% còn lại doanh nghiệp chấp nhận để mất đơn hàng cho các đối thủ. Rõ ràng, chúng ta thiếu container trầm trọng, nhưng container rỗng đang ở đâu?", ông Tùng đặt câu hỏi.

Các doanh nghiệp kỳ vọng trong thời gian sắp tới các vấn đề liên quan tới xuất nhập khẩu sẽ sớm được giải quyết để các chuyến hàng của Việt Nam được xuất khẩu đi khắp nơi trến thế giới

Đứng trước những khó khăn thách thức lớn cho ngành xuất nhập khẩu Việt Nam hôm qua ngày 10.8 Bộ Công Thương đã ban hành công văn số 4812/BCT-XNK về việc giảm phí lưu container, lưu kho. Với tinh thần cả nước cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, khối phục và duy trì sản xuất để hoàn thành “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra, Bộ Công Thương trân trọng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, các đơn vị quản lý, khai thác cảng biển, các doanh nghiệp vận tải biển và Trung tâm logistics trên toàn quốc xem xét: Giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng biển và các Trung tâm logistics cho các doanh nghiệp bị buộc phải cắt giảm sản xuất do tác động của dịch COVID-19. Đồng thời, nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, năng lực khai thác của bãi cảng và phối hợp giữa các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Giảm gánh nặng do chi phí logistics tăng caoTháo gỡ khó khăn về chi phí logistics.

Công văn nêu rõ, hiện nay, 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là những địa phương có sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn. Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và phòng, chống dịch bệnh đã khiến một số doanh nghiệp phải tạm thời cắt giảm quy mô sản xuất, đãn đến ùn ứ container nhập khẩu, thời gian lưu kho, lưu bãi tăng lên và làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/giam-chi-phi-logicstics-tang-kha-nang-canh-tranh-cho-cac-dn-36385.html

Bạn đang đọc bài viết Giảm chi phí Logicstics tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính doanh nghiệp