Cần sòng phẳng quyền cổ đông trong tranh chấp nội bộ doanh nghiệp:

NHVN 15:30 13/06/2020

Vụ lùm xùm kéo dài nhiều năm và căng thẳng trở lại những ngày qua giữa cổ đông Kustocem với ban lãnh đạo Coteccons (HoSE: CTD) một lần nữa dấy lên câu chuyện tranh chấp quyền lực trong doanh nghiệp gi

Sau khi Kustocem muốn yêu cầu tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường thì đến lượt một cổ đông tổ chức khác là The 8th Pte yêu cầu bổ sung việc nội dung bãi nhiệm chủ tịch HĐQT Coteccon trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên. Ngược lại, lãnh đạo Coteccons cũng có những đáp trả cứng rắn trên truyền thông khi cho rằng những cáo buộc của Kustocem là vô căn cứ và nghi vấn nhóm này cấu kết tìm cách bãi miễn những người sáng lập Coteccons nhằm hoàn tất quá trình thâu tóm.

Trước đó hồi năm 2018, lãnh đạo CTCP Ba Huân đã gửi đơn lên Chính phủ "kêu cứu", mong muốn chấm dứt hợp tác với VinaCapital sau khi đã bán cổ phần, vì cho rằng quỹ muốn chiếm quyền kiểm soát. Hai bên liên tục có những động thái “tố” nhau liên quan đến vấn đề “thâu tóm, kiểm soát”. VinaCapital sau đó đã tuyên bố dừng đầu tư vào doanh nghiệp này.

Đến năm 2019, tiêu điểm của tranh chấp nội bộ là câu chuyện của Eximbank (HoSE: EIB). Sau 2 lần tổ chức bất thành, phiên họp đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Eximbank đã không thể tiến hành, phải dời sang năm 2020. Nguyên nhân chính của những lần tổ chức thất bại trên đến từ tranh chấp nội bộ giữa các nhóm cổ đông. Tại phiên họp ngày 21/6/2019, chỉ chưa đến 40% bỏ phiếu đồng ý thông qua quy chế đại hội nên phiên họp không thể tiến hành. Sau đó vài ngày, ông Cao Xuân Ninh - tân Chủ tịch HĐQT Eximbank (được bổ nhiệm tháng 5/2019) có đơn xin từ chức...

Các tranh chấp và vấn đề phát sinh nêu trên đặt ra câu hỏi về vấn đề quản trị doanh nghiệp, cao hơn nữa là tính chuyên nghiệp trong môi trường đầu tư tại các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng việc quyết định trong doanh nghiệp luôn cần thể hiện ý chí của đa số. Ảnh minh họa.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty BASICO, nêu quan điểm về nguyên tắc, với các công ty đại chúng thì quyền sở hữu thuộc về cổ đông và các quyết định phải được đưa ra dựa theo ý chí của đa số. Người sở hữu cổ phần nhiều hơn có quyền quyết định lớn hơn. “Còn ai cũng muốn có quyền, ai cũng muốn tranh giành thì chỉ có thể dẫn đến đấu đá và làm loạn”, ông Đức nêu quan điểm.

Cũng theo vị này, doanh nghiệp Việt Nam cần tư duy sòng phẳng về quyền cổ đông, cần chấp nhận cuộc chơi kể cả có đào thải vì điều đó thể hiện tính chuyên nghiệp, đã tham gia cuộc chơi thì cần chấp nhận những nguyên tắc và điều lệ đã đặt ra.

Lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết lớn trên sàn chứng khoán cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng về bản chất, công ty đại chúng thuộc sở hữu của cổ đông. Do đó không có chuyện cổ đông đi "thâu tóm" tài sản của chính mình. Hội đồng quản trị là những người đại diện cho tiếng nói của toàn thể cổ đông, còn ban điều hành thực chất là những người “làm thuê”. Với đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư góp tiền vào những doanh nghiệp đang hoạt động, tham gia quản trị, điều hành một cách gián tiếp thông qua bộ máy điều hành đã được lựa chọn. Do vậy, họ phải đặt ra nhiều điều kiện nhằm giảm thiểu rủi ro khi chủ doanh nghiệp cố tình làm sai các cam kết ban đầu. Điều này phần nào thể hiện tính chuyên nghiệp, đòi hỏi chính đáng về sự minh bạch trong môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ở một khía cạnh khác, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCK Mirae Asset nhìn nhận những tranh chấp nội bộ thường là xảy ra xung quanh "một món hàng" tốt. Những vụ việc "đình đám" gần đây cũng thường liên quan đến việc phân quyền quản trị. Theo ông, mỗi nhà đầu tư lại có phương pháp tiếp cận khác nhau khi đầu tư vào doanh nghiệp. Các nhà đầu tư tài chính, đầu tư gián tiếp thường không có ý định nắm quyền điều hành doanh nghiệp. Còn nếu nhà đầu tư có kinh nghiệm quản trị, nguồn vốn dồi dào thậm chí còn giúp cho doanh nghiệp phát triển hơn.

Vị này dẫn chứng trên thế giới, mâu thuẫn cổ đông cũng diễn ra khá thường xuyên, thậm chí ở những mức độ phức tạp hơn. Như tại Mỹ, cổ đông có thể dùng quyền đặc biệt để yêu cầu uỷ ban chứng khoán phải xử lý khi năng lực điều hành của ban quản trị vi phạm những chuẩn mực nhất định.

Ông Phạm Ngọc Thanh, chuyên gia tư vấn cao cấp, cũng từng bày tỏ quan điểm quyền lực cao nhất trong việc quyết định số phận một doanh nghiệp là các cổ đông. Người quản lý doanh nghiệp và vốn của doanh nghiệp cần tách bạch với nhau. Cổ đông có quyền yêu cầu nhà quản lý phải nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp, trong đó cổ tức chính là thước đo hiệu quả doanh nghiệp của nhà quản lý.

Theo Người đồng hành

Link gốc : https://ndh.vn/doanh-nghiep/tranh-chap-noi-bo-trong-doanh-nghiep-can-song-phang-quyen-co-dong-1270259.html

Bạn đang đọc bài viết Cần sòng phẳng quyền cổ đông trong tranh chấp nội bộ doanh nghiệp: tại chuyên mục Hồ sơ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hồ sơ