Chủ tịch EVN NPC và hành trình “chuyển hóa” đầy đau đớn Cty Cổ phần XLĐL1 về tư nhân

TẠP CHÍ MẶT TRẬN 16:43 27/08/2020

Đằng sau “vỏ bọc” tăng vốn để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần Xây lắp điện lực 1 (CTCPXLĐL 1) là những quyết định vô cùng khó hiểu...

của Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC) Thiều Kim Quỳnh khi thực hiện thoái tỷ lệ sở hữu vốn của EVNNPC tại CTCPXLĐL 1 khiến tiếng nói của cổ đông Nhà nước trong doanh nghiệp này giảm sút, đồng nghĩa với giao “số phận” của hàng nghìn m2 “đất vàng” ven Hồ Tây, Hà Nội cho cổ đông tư nhân.

Công ty CTCPXLĐL 1 tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp điện trực thuộc Công ty Điện lực 1 (hiện Công ty Điện lực 1 được đổi tên thành Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc - EVN NPC).

Năm 2005, Xí nghiệp Xây lắp điện được cổ phần hóa và chuyển thành CTCPXLĐL 1 với số vốn điều lệ là 8 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 48,31% bao gồm EVN NPC chiếm 29,21% và Công đoàn EVN NPC nắm giữ 19,1%.

Đến năm 2016, CTCPXLĐL 1 có tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2016 về chủ trương thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 8 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng nhằm bổ sung nguồn vốn cho công tác sản xuất kinh doanh của công ty.

Theo đó, EVN NPC được quyền góp thêm 9,372 tỷ đồng và Công đoàn EVN NPC được quyền góp thêm 6,112 tỷ đồng nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như “tiếng nói” tại đơn vị này.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐTV EVN NPC Thiều Kim Quỳnh lại bất ngờ quyết định không mua cổ phần phát hành thêm, trong khi kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của CTCPXLĐL 1 trong giai đoạn này là khá ấn tượng.

Cụ thể, ngày 25/4/2016, EVN NPC có văn bản số 1553/EVN/NPC-TCKT do Chủ tịch HĐTV ký, giao nhiệm vụ cho người đại diện phần góp vốn của NPC tại CTCPXLĐL 1 biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông công ty. Theo đó, EVN NPC không góp thêm vốn vào đây để bảo toàn tỷ lệ sở hữu nhà nước.

Văn bản 1553 chỉ rõ “đối với phần vốn EVN NPC được quyền góp tăng thêm tương ứng tỷ lệ nắm giữ 29,21%, EVN NPC sẽ không góp thêm nhưng sẽ xem xét chuyển nhượng quyền mua tăng thêm theo quy định”.

Về 19,1% vốn góp Công đoàn EVN NPC được quyền mua thêm, ngày 06/5/2016, Chủ tịch Công đoàn EVN NPC Nguyễn Văn Tiệp ký văn bản số 69/TB-CĐNPC về việc tham gia góp vốn tại CTCPXLĐL 1 với nội dung rất khó hiểu.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Tiệp thừa nhận việc Tổng Công ty không góp thêm cả 2 phần vốn tăng được quyền góp, bao gồm cả phần của Tổng Công ty nắm giữ và Công đoàn Tổng Công ty năm giữ là 15,484 tỷ đồng, tương đương 1,548.400 cổ phần (loại cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần).

Đáng chú ý, văn bản nêu trên có nơi nhận là ông Thiều Kim Quỳnh - Tổng Giám đốc (đây là giai đoạn ông Thiều Kim Quỳnh kiêm nhiệm chức danh này), các Phó Tổng Giám đốc, Kiểm sát viên chuyên trách, Văn phòng và các ban cơ quan Tổng Công ty, Văn phòng Đảng ủy, Công đoàn Tổng Công ty.

Ngoài ra, các nhân viên đáng ra phải được ưu tiên nhưng lại không phải đối tượng trực tiếp được nhận văn bản nêu trên từ Tổng Công ty và chỉ có đúng 10 ngày để chuẩn bị tiền nếu muốn thành cổ đông. Thời hạn gửi đăng ký là trước 16/5/2016. Quá thời hạn trên coi như cán bộ, công nhân viên không có nhu cầu tham gia góp vốn.

Do đó, với việc CTCPXLĐL 1 tăng vốn thành công lên 40 tỷ đồng, thì tỷ lệ vốn góp của EVN NPC tại đây sẽ bị giảm từ mức 48,31% xuống chỉ còn 9,7%, tính riêng vốn Nhà nước sẽ chỉ còn vỏn vẹn 5,8%.

Việc giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại CTCPXLĐL 1 sẽ khiến tiếng nói của cổ đông nhà nước trong doanh nghiệp này suy giảm trong nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc quyết định số phận những khu đất “vàng” mà CTCPXLĐL 1 đang nắm giữ.

CTCPXLĐL 1 hiện đang sử dụng 2 mảnh đất rộng 3.350 m2 và 8.109 m2 tại đường An Dương - quận Tây Hồ, Hà Nội, được Nhà nước giao sử dụng làm trụ sở và kho bãi. Đây đều là những mảnh đất rất đẹp và “sạch”, rộng rãi hiếm hoi còn sót lại ở phía Bắc Thủ đô, nằm ngay cạnh hai hồ lớn là Hồ Tây và hồ Trúc Bạch.

Như vậy, việc giảm tỉ lệ nắm giữ của NPC tại CTCPXLĐL 1 từ gần 50% (có quyền quyết định) xuống còn chưa tới 10% đồng nghĩa với việc hàng trăm tỷ đồng quyền lợi của nhà nước (về đất đai) ở đây được chuyển giao cho cổ đông tư nhân, mà Ngân sách nhà nước không thu được một đồng nào?.

Văn bản số 1553/EVN/NPC-TCKT do Chủ tịch HĐTV EVNNPC Thiều Kim Quỳnh ký.

Nguy cơ thiệt hại trên hoàn toàn có thể tránh được ngay cả khi EVN NPC không góp thêm vốn. Trong trường hợp này, pháp luật hiện hành quy định EVN NPC sẽ phải bán đấu giá quyền mua cổ phần để mang về lợi ích lớn nhất cho Nhà nước (Điều 38 Nghị định 91/2015).

Câu hỏi đặt ra là ông Thiều Kim Quỳnh có lạm quyền, qua mặt lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khi đặt bút ký vào văn bản số 1553/EVN/NPC-TCKT ngày 25/4/2016 đồng ý với người đại diện tại CTCPXLĐL 1 việc tăng vốn điều lệ, cũng như thoái tỷ lệ phần vốn sở hữu tại doanh nghiệp này? Bởi lẽ, Quy chế quản lý vốn và người đại diện của EVN tại công ty con, công ty liên kết, ban hành kèm theo Quyết định số 538/QĐ-EVN ngày 08/8/2014 của Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Viện Nam quy định: “Quyền và nghĩa vụ của EVN đối với công ty con do EVN năm giữ 100% vốn điều lệ: Phê duyệt chủ trương góp vốn, năm giữ, tăng, giảm, thoái vốn của công ty tại các doanh nghiệp khác” (điểm r, khoản 1, Điều 6).

Dẫn lời từ Báo Công lý, theo báo cáo của Tổng giám đốc EVN ông Đặng Hoàng An, việc EVN NPC thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ tại CTCP nhưng không chuyển nhượng quyền mua là chưa đúng quy định tại khoản 5 Điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, đồng thời chưa đảm bảo nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn EVN đầu tư tại EVN NPC theo quy định tại Điều 10 Điều lệ EVN NPC.

Khoản 5 Điều 38 Nghị định 91/2015 quy định trường hợp vốn góp nhà nước đã đầu tư vào các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực nhà nước cần tiếp tục đầu tư thêm thì cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm. Nguyên tắc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn thực hiện theo phương thức đấu giá công khai.

Vậy, tại sao biết rõ nguy cơ thiệt hại đối EVN NPC, đánh mất tiếng nói của cổ đông nhà nước tại doanh nghiệp, ông Thiều Kim Quỳnh vẫn chấp thuận thoái tỷ lệ sở hữu CTCPXLĐ 1, giao “đất vàng” vào tay cổ đông tư nhân? Động cơ, mục đích của Chủ tịch EVN NPC trong thương vụ này là gì? Trách nhiệm của ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch HĐTV EVN NPC đến đâu trong vụ việc này? Ông Thiều Kim Quỳnh đã phải chịu hình thức gì từ thương vụ thoái vốn “có 1-0-2” này?

Hiện nay, vấn đề nóng bỏng được Đảng, Chính phủ đặt ra là phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với nguồn vốn nhà nước được đầu tư tại các Tập đoàn, Tổng Công ty.

Văn bản do ông Nguyễn Văn Tiệp - Chủ tịch Công đoàn EVN NPC ký.

Các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước được giao quản lý, sử dụng một khối lượng lớn vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; nắm giữ những vị trí then chốt, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân; là công cụ để Nhà nước điều hành và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty bộc lộ những hạn chế, yếu kém.

Hoạt động chưa hiệu quả của các DNNN dẫn đến những hậu quả là không bảo toàn được vốn Nhà nước giao; nợ xấu của các doanh nghiệp và tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có xu hướng gia tăng; đầu tư ngoài ngành khiến nguồn lực bị phân tán; mất vốn, tài sản của Nhà nước. DNNN trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia; giá trị thương hiệu doanh nghiệp, tín nhiệm của Chính phủ và nền kinh tế với quốc tế giảm, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây bức xúc trong xã hội.

Tại nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, chính vì được quá nhiều ưu đãi, được che chắn, không có giám sát chặt chẽ nên khi phát hiện sai phạm đã là quá muộn.

Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều nỗi đau từ những quả đấm thép khi mà cơ chế quản lý các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước đang tồn tại rất nhiều “lỗ hỏng” để có thể lợi dụng.

Và không ít lỗ hổng trong cơ chế quản lý tập đoàn doanh nghiệp nhà nước đã làm mất đi nhiều tiền bạc của nhân dân và làm cho nhân dân mất niềm tin vào sự công bằng, chính trực.

Mất niềm tin ở chỗ, những doanh nghiệp, tập đoàn này thuộc Nhà nước, có đủ bộ ngành quản lý, nhưng không có cơ chế hãm, ngăn chặn ngay lập tức những hành vi, hoạt động sai phạm, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nếu như có sự kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, thì không có hậu quả thất thoát hàng nghìn tỉ đồng và nhiều cán bộ trở thành tội nhân.

Với hàng loạt quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước phải chịu kỷ luật hoặc đối diện với công lý , cuộc chiến chống tham nhũng rõ ràng đã đạt được những kết quả rất cụ thể, tạo đà để giành những thắng lợi tiếp theo, với tinh thần “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng.

Điều này cho thấy nỗ lực và quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại nạn tham nhũng, được ví như “giặc nội xâm”. Những cán bộ cấp cao, thậm chí có người từng ở vị trí rất cao, cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý trước những vi phạm của mình.

Rõ ràng là "không có vùng cấm", và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật!

Từ thực tế những vấn đề trên đây, mà vụ việc thoái tỷ lệ sở hữu vốn của EVN NPC là điển hình, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, tập trung vào một số trọng tâm sau đây:

Một là, việc quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, nghị định của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản của bộ quản lý ngành và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Hai là, việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế để tổ chức thực hiện chiến lược phát triển của các Tập đoàn, Tổng công ty; hoàn thiện điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh được giao; xây dựng danh mục đầu tư các ngành nghề kinh doanh chính; các quy chế quản lý, điều hành, quản lý tài chính của doanh nghiệp; kế hoạch tài chính, sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển hằng năm, trung hạn và dài hạn; định hướng hoạt động kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp thành viên.

Ba là, hoạt động giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội là một trong những hình thức của cơ chế kiểm soát. Đó là hoạt động theo dõi, quan sát, xem xét của MTTQ và Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), Hội Cựu chiến binh (CCB) nhằm tác động, định hướng các đối tượng bị giám sát thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Khác với cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước, hậu quả pháp lý trong cơ chế pháp lý kiểm soát quyền từ bên ngoài không có tính cưỡng chế nhà nước mà kết quả kiểm soát được thể hiện dưới dạng kiến nghị hoặc thông qua dư luận xã hội, gửi “thông điệp” đến CQNN, người có thẩm quyền để xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, các CQNN có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là một bộ phận của cơ chế pháp lý kiểm soát QLNN, hướng đến mục tiêu bảo đảm QLNN được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn ngừa và hạn chế tình trạnh lạm quyền, tham nhũng QLNN. Cơ chế kiểm soát QLNN phải bảo đảm tính độc lập tương đối của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời, phải bảo đảm sự kết hợp giữa các hình thức giám sát của Nhà nước (giám sát Quốc hội, HĐND), hoạt động kiểm tra, thanh tra của Nhà nước với các hình thức giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội.

Bốn là, đối với vụ việc thoái tỷ lệ phần vốn sở hữu tại Công ty CTCPXLĐL 1 rất bất thường xảy ra tại EVN NPC như đã nêu ở trên, đề nghị Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cần vào cuộc, thanh tra, kiểm tra các dấu hiệu sai phạm để tránh nguy cơ thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước và để đảm bảo tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật.

Vướng loạt “lùm xùm” nhưng con đường quan lộ của ông Thiều Kim Quỳnh vẫn thênh thang, rộng mở

Ngày 2/10/2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 189/QĐ-EVN, bổ nhiệm ông Thiều Kim Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty.

Trong năm 2015, giữa “tâm bão” bị tố bỏ làm đi chơi golf, ông Thiều Kim Quỳnh vẫn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty.

Điều kỳ lạ là việc bổ nhiệm được thực hiện ngay cả khi ông Quỳnh thừa nhận việc ông này thỉnh thoảng đi chơi golf trong giờ hành chính và không cung cấp được tài liệu chứng minh việc đi chơi golf trong giờ hành chính đã được sự đồng ý của người có thẩm quyền tại EVN NPC (1).

Link gốc : http://tapchimattran.vn/kinh-te/bai-1-chu-tich-evn-npc-thieu-kim-quynh-va-hanh-trinh-chuyen-hoa-day-dau-don-cong-ty-co-phan-xay-lap-dien-luc-1-ve-tay-tu-nhan-36382.html

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch EVN NPC và hành trình “chuyển hóa” đầy đau đớn Cty Cổ phần XLĐL1 về tư nhân tại chuyên mục Hồ sơ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hồ sơ
Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 229/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI (Công ty DOJI) với số tiền 75 triệu đồng.