Ai mới là chủ đầu tư thực sự của Mipec Rubik 360 Xuân Thủy?
Được biết, khu đất số 122 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội vốn là trụ sở của Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway, thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội – Transerco. Khu đất vốn là bãi đỗ xe buýt, đồng thời là trung tâm điều hành xe Tân Đạt và Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp thuộc Transerco.
Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway di dời theo chủ trương của Chính phủ để giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành.
Những tưởng sau khi Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway di dời thì khu đất này sẽ phát triển các công trình công cộng trong bối cảnh đô thị thiếu đất làm hồ điều hòa, cây xanh, trường học… làm tăng mật độ dân số. Nhưng không, UBND TP. Hà Nội lại có Công văn số 7909/UBND-KHĐT chấp thuận về nguyên tắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch tại ô đất 122 – 124 đường Xuân Thủy với diện tích 38.545m2 để giao nhà đầu tư lập dự án xây dựng văn phòng giao dịch kết hợp dịch vụ tổng hợp và nhà ở.
Đến tháng 8/2018, dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán (tên thương mại: Mipec Rubik 360) được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư với kinh phí là 2.466 tỉ đồng.
Mipec Rubik 360 được động thổ vào ngày 29/3/2019, do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy làm chủ đầu tư. Như vậy, vị trí đất vàng này với tổng diện tích 38.545m2 này biến thành dự án có quy mô gồm 2 tòa tháp cao 35 tầng với 976 căn hộ và 9 căn biệt thự liền kề.
Câu hỏi đặt ra là khi Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội cũng nhiều doanh nghiệp, nhà máy khác di dời để giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành theo chủ trương của Chính phủ, thì tại sao một dự án đi ngược lại chủ trương như Mipec Rubik 360 Xuân Thủy lại được chấp thuận để cung đường Cầu Giấy – Xuân Thủy vốn đã đông đúc sau khi gánh thêm tuyến đường sắt trên cao Nhổn – ga Hà Nội giờ lại thêm gánh nặng?
Được biết, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy thành lập ngày 09/06/2016, có trụ sở ngay tại dự án là số 122, 124 đường Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội do ông Đào Ngọc Thạch làm người đại diện pháp luật.
Vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy là 500 tỉ đồng và được góp bởi 3 cổ đông, gồm: Công ty Cổ phần Hóa Dầu Quân đội (Mipec), Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) và Công ty Cổ phần Hoa Cương. Trong đó, Mipec là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 51% cổ phần, Transerco nắm 28% cổ phần và Công ty Cổ phần Hoa Cương nắm 21% còn lại.
Mipec được thành lập bởi 3 cổ đông, gồm: Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Vạn Xuân (Vaxuco, Bộ Quốc Phòng); Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).
Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy được thành lập mới hơn 3 năm với số vốn điều lệ 500 tỉ, doanh nghiệp này đã trở thành chủ đầu tư của dự án 2.466 tỉ đồng dựa vào tên tuổi của Mipec, điều này thể hiện qua cơ cấu vốn và tên thương mại của dự án - "Mipec Rubik 360", có thể thấy là chủ đầu tư đã mượn uy tín, thương hiệu của Mipec để triển khai xây dựng dự án này.
Hưởng lợi từ vị trí đắc địa, đất dự án cũng không được bán đấu giá trước triển khai?
Đáng lưu ý là, Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội – Transerco, doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu của UBND TP. Hà Nội.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành từng khẳng định, đối với đất công là các loại đất do nhà nước quản lý, đất do các cơ quan, tập đoàn, công ty quản lý, đất quốc phòng chuyển sang dân dụng thì không được bán, chỉ được định giá, bán hóa giá – cổ phần hóa. Vì thế, đất này cần phải thu về làm đất công, bán đấu giá theo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đã được duyệt trước. Tuy nhiên khu đất trên lại không hề được bán đấu giá.
Dự án Mipec Rubik 360 được đánh giá là đắc địa, nằm ở một trong những khu vực sầm uất của nội thành, cạnh các trục giao thông huyết mạch. Hơn nữa, đây cũng là vị trí nằm trong khu vực có hạ tầng đồng bộ và phát triển, trình độ dân trí cao, nơi tập trung nhiều trung tâm tài chính, ngân hàng, hệ thống y tế, giáo dục, mạng lưới giao thông hoàn chỉnh và đồng bộ nên Mipec Rubik 360 Xuân Thuỷ thừa hưởng mọi dịch vụ, tiện ích của khu vực.
Hơn nữa, tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội với chiều dài 12,5km, kết nối khu phía Tây, huyện Hoài Đức với trung tâm Hà Nội. Theo đại diện nhiều chủ đầu tư, khi tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội hoàn thành, giá bất động sản khu vực sẽ tăng đến 20%.
Cầu Giấy có tuyến đường huyết mạch Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, kết nối quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và khu vực phía Tây với các quận trung tâm của thành phố như Ba Đình, Đống Đa…Cũng theo vị này lý giải, việc phát triển các phương tiện công cộng hiện đại góp phần mang lại diện mạo mới cho khu vực, cho phép cư dân sống gần đó dễ dàng di chuyển nhanh chóng đến các điểm quan trọng. Bên cạnh đó, xét về góc độ kinh tế, đây là khu vực dễ tiếp cận, thuận lợi cho hoạt động thương mại và cho thuê lại…
Đây là một trong những khu vực đắt giá bởi gần trung tâm, hạ tầng xã hội, hệ thống tiện ích đồng bộ, đã đi vào hoạt động cùng nhiều trường học lớn...
Bởi vậy, trước rất nhiều lợi ích đến từ vị trí đắc địa, thêm vào đó, việc khu đất trên không được bán đấu giá trước khi triển khai cũng là câu chuyện khiến nhiều nhà đầu tư xôn xao.