Dự án của CĐT Him Lam: Mua nhà ở xã hội Thượng Thanh phải có “phí ngoại giao”?

KINH DOANH BIÊN MẬU 21:10 17/05/2021

Dự án Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh do Công ty CP Him Lam làm chủ đầu tư đang được rao bán rầm rộ.

Đáng nói, quy trình mua căn hộ và chi phí mua theo hướng dẫn từ nhân viên bán lại không đúng quy định của pháp luật.

Muốn mua nhà ở xã hội cần “phí ngoại giao”


Người dân cho biết, thông qua nhiều phương thức như mạng xã hội, website, … chủ đầu tư đã rao bán căn hộ tại dự án Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh. Sau đó bên cạnh tiền mua nhà sẽ thu những khoản “phí bôi trơn”, “phí ngoại giao” nhằm giúp những người không nằm trong diện được mua nhà ở xã hội vẫn có thể bỏ tiền ra để sở hữu bất động sản đặc biệt này.Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh do liên danh Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô và Công ty Cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng diện tích 60.925,7m2 bao gồm 03 chung cư CT1, CT2, CT3 – 22 tầng & 44 lô liền kề. Diện tích mỗi căn hộ từ 37 – 77m2.Thời gian gần đây, tòa soạn nhận được nhiều thông tin phản ánh về việc dự án có tên Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh (địa chỉ tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội) có dấu hiệu rao bán trái quy định của pháp luật.

Trong vai người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, PV đã liên hệ với nhân viên sale của dự án Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh. Người này xưng tên Duyên, ở sàn giao dịch chính của nhà đầu tư - Công ty CP Him Lam.

Nhân viên này cho biết, muốn mua căn hộ tại dự án Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh có 2 hình thức. Một là bốc thăm, bốc trúng căn nào thì phải lấy căn đấy. Thứ 2 là có thể chọn căn trước, không cần phải bốc thăm, chỉ cần khớp với chủ đầu tư rồi mình có thể kí hợp đồng luôn.

Đáng chú ý, nhân viên này lý giải: “Giá gốc thì 2 hình thức trên giống nhau tuy nhiên nó khác nhau ở phí ngoại giao. Nếu là bốc thăm thì là 50 triệu 2 phòng ngủ, 2 vệ sinh. Còn nếu chọn thẳng căn thì căn góc là 150 triệu, căn thường là 120 triệu.”.

“Giờ anh đặt cọc 10 triệu đề làm hồ sơ, sau khi hoàn hồ sơ thì anh sẽ bổ sung thêm cho bọn em đủ 50% giá trị căn. Sau khi hoàn thiện hồ sơ với chủ đầu tư, khớp căn cho anh, chủ đầu tư sẽ duyệt hồ sơ cho anh. Và họ sẽ ra 1 cái giấy, gọi là giấy tiếp nhận hồ sơ cho anh thế là anh đã đủ điều kiện để đi ký rồi. Lúc đó anh chỉ cần đi ký nữa thôi. Cuối cùng anh sẽ bổ sung cho em đủ 100% giá trị căn.” – Nhân viên này hướng dẫn.

Theo nhân viên Duyên, hiện các căn 3 phòng ngủ có vị trí đẹp (vị trí tầm trung) đã có người đặt hết rồi, chỉ còn lại các căn xấu hơn ở tầng thấp hoặc cao từ tầng 22 trở lên.

Đặc biệt, người này thông tin: “Về giấy tờ pháp lý thì dự án đang đợi cấp giấy phép xây dựng. Nhưng mà bên chủ đầu tư đang khoan cọc và chở sắt thép về rồi. Giấy phép xây dựng cũng sắp có rồi. Tầm tháng 6 là người ta bắt đầu làm móng rồi nên giấy phép sẽ có trước tháng 6.”

Bán nhà ở xã hội trái luật

Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật nhà ở. Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội, người mua nhà sẽ được hưởng mức giá ưu đãi hơn so với những căn hộ thuộc diện thương mại.

Theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, để được mua nhà ở xã hội thì phải thuộc 1 trong 9 đối tượng sau đây: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Hộ gia đình (HGĐ) nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; HGĐ tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị (hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng); Người lao động (NLĐ) đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ nhưng không thuộc diện bị thu hồi nhà ở do có hành vi vi phạm quy định của pháp luật quy định tại khoản 5 Điều 81 và chưa có nhà ở tại nơi sinh sống sau khi trả lại nhà công vụ; HGĐ, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Tức nghĩa để mua được bất động sản đặc biệt này, người dân phải đáp ứng điều kiện cần kể trên. Vậy nhưng nhân viên bán căn hộ tại Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh lại không hề hỏi người mua về điều kiện hoàn cảnh để xem có thuộc diện được mua hay không. Ngược lại còn khẳng định người mua có thể chi trả số tiền lớn hơn để được chọn căn như mua những dự án nhà ở thương mại bình thường.

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội cần phải chuẩn bị đầy đủ các thủ tục – hồ sơ mua nhà ở xã hội cho chủ đầu tư để họ xét duyệt. Sau đó, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm gửi danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên về sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm tránh tình trạng người được mua, thuê, hay thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần.

Do đâu nhân viên bán Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh có thể hướng dẫn người có nhu cầu mua một quy trình hoàn toàn khác. Rằng chỉ cần đặt cọc, chụp ảnh hồ sơ gửi qua, nhân viên sẽ chủ động “khớp” với chủ đầu tư để khách hàng được nhận căn theo ý muốn?


Chưa kể tới khoản “phí ngoại giao” mà nhân viên nhắc tới khi tư vấn cho khách hàng muốn mua căn hộ chảy vào túi ai? Liệu có đúng quy định của pháp luật?Khi xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư Công ty CP Him Lam đã được hưởng những ưu đãi của Nhà nước. Mục đích của loại bất động sản đặc biệt này là để những hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn có cơ hội mua được nhà ở giá thấp, an cư lạc nghiệp. Vậy nhưng nhìn vào quy trình rao bán, có thể thấy những căn hộ tại đây đang bị biến thành căn hộ thương mại, muâ bán tùy ý, không theo Luật quy định.

Trực tiếp tới khảo sát thực tế tại khu đất thuộc dự án Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh, PV nhận thấy nơi đây vẫn đang là sân đất trống, xung quanh quây tôn, trên tấm tôn đề nhiều số điện thoại liên hệ bán căn hộ tại dự án.

Theo lời của nhân viên bán, nơi đây chưa có giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư đã cho khoan cọc, các nhân viên thì rầm rộ rao bán. Phải chăng chủ đầu tư Công ty CP Him Lam đang “cầm đèn chạy trước ô tô”?

PV sẽ tiếp tục thông tin về dự án Khu nhà ở xã hội của Công ty CP Him Lam.

Link gốc : http://kinhdoanhvabienmau.vn/kinh-doanh-phap-luat/du-an-cua-cdt-him-lam-mua-nha-o-xa-hoi-thuong-thanh-phai-co-phi-ngoai-giao-/102-305-7698.kdbm

Bạn đang đọc bài viết Dự án của CĐT Him Lam: Mua nhà ở xã hội Thượng Thanh phải có “phí ngoại giao”? tại chuyên mục Hồ sơ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hồ sơ
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) vừa thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao. Cụ thể, ông Trần Thanh Vân thôi đảm nhiệm vị trí Ủy viên HĐQT Ngân hàng để nghỉ hưu, hưởng chế độ bảo hiểm.