Trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng thông tấn Pháp AFP đưa tin dự thảo đề xuất mà EC sắp ban hành nêu rõ lợi ích lâu dài của đồng euro kỹ thuật số, khẳng định những lợi ích này sẽ lớn hơn những rủi ro chi phí và việc không hành động có thể tạo ra khoản chi phí lớn hơn nhiều.
Cụ thể, dự thảo đề xuất bao gồm một điều khoản quy định giới hạn số tiền mọi người có thể nắm giữ bằng đồng euro kỹ thuật số, trong khi các quan chức ECB đã đề xuất mức trần 3.000 euro (3.300 USD).
Ngoài ra, EC cũng nêu yêu cầu đồng tiền euro kỹ thuật số sẽ được cấp trạng thái "đấu thầu hợp pháp", có nghĩa là đồng tiền này phải được chấp nhận làm phương thức thanh toán. Tuy nhiên, sẽ có một số trường hợp ngoại lệ, ví dụ như cho phép các doanh nghiệp nhỏ không chấp nhận bất kỳ hình thức thanh toán kỹ thuật số nào.
Việc EC thông qua đề xuất mới được cho là bước đi mở đường để 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện bỏ phiếu cho phép ECB phát triển đồng euro kỹ thuật số kể từ tháng 10/2023 và kỳ vọng đồng tiền này sẽ chính thức lưu hành từ năm 2027.
Năm 2020, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đề xuất ý tưởng tạo ra phiên bản kỹ thuật số đầu tiên cho đồng euro và tiến hành tham vấn cộng đồng rộng rãi trên khắp châu Âu.
Bà Lagarde, tại một cuộc hội thảo tổ chức vào tháng 3/2023, đã nói rằng đồng tiền kỹ thuật số rất quan trọng đối với khả năng phục hồi và "bảo vệ quyền tự chủ thanh toán của châu Âu", lưu ý đến việc nhiều phương tiện thanh toán có thể "không nhất thiết phải là của châu Âu" và "rất không lành mạnh nếu chỉ dựa vào một nguồn thanh toán duy nhất".
Nhận xét của Chủ tịch ECB phù hợp với hành động tập trung nhiều hơn vào việc đưa sản xuất trở lại châu Âu hoặc gần khối hơn và tránh xa việc phụ thuộc vào các nước thứ ba mà EU đang thực hiện.
Tuy nhiên, một số tổ chức đã cảnh báo về "rủi ro đáng kể đối với các ngân hàng" do khách hàng có thể giữ tiền của họ trong các tài khoản và ví tiền kỹ thuật số, gây ảnh hưởng đến nguồn thu phí dịch vụ và hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều người tham gia khảo sát của ECB cũng đã bày tỏ quan ngại về quyền riêng tư khi thực hiện giao dịch bằng đồng euro kỹ thuật số.