Nguy cơ mất trắng gần 200 tỷ đồng
Công ty cổ phần Xây dựng Central (Công ty Xây dựng Central) đang là điểm sáng của ngành xây dựng khi gặt hái doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng rất mạnh trong năm 2022. Đồng thời, tỷ suất sinh lợi trên đồng vốn của công ty cũng rất cao.
Thế nhưng, thực tế, một vài vấn đề nghiêm trọng của công ty đã được hé lộ. Đó là nguy cơ mất vốn ngày càng cao. Điều này được thể hiện qua việc công ty phải mạnh tay dự phòng phải thu khó đòi.
Nguy cơ mất vốn tại Xây dựng Central ngày càng tăng cao khi một trong những "con nợ xấu” của công ty hé lộ khoản nợ tỷ đô và cao gấp… 2.320 lần vốn. |
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, Xây dựng Central ghi nhận 4.066 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, tăng rất mạnh, tăng 1.215 tỷ đồng, tương đương 42,6%, chiếm 69,2% tổng tài sản. Trong đó có 3.998 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, tăng mạnh so với 2.403 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.
Đáng chú ý, nợ xấu đã đạt gần 200 tỷ đồng. Tổng nợ khó đòi gần 195 tỷ đồng. Giá trị có thể thu hồi được chỉ là 64,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 170 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.
"Con nợ xấu” lớn nhất là Công ty cổ phần Phát triển Nhà Phúc Đồng (Công ty Nhà Phúc Đồng) với hơn 142 tỷ đồng. Đứng sau là Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Vàm Cỏ Đông – Công ty Nông nghiệp Vàm Cỏ Đông (36,7 tỷ đồng), Công ty TNHH Phát triển Nhà Tuyên Sơn (9,4 tỷ đồng), Công ty cổ phần Quốc tế Năm sao Đà Lạt (4,4 tỷ đồng) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vi Biển – Akuruhi (1,7 tỷ đồng).
Công ty Nhà Phúc Đồng khiến Xây dựng Central phải dành nhiều tiền nhất để dự phòng phải thu khó đòi. Số tiền này lên đến 87,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với 0 đồng hồi cuối năm 2021. Đứng sau là Nông nghiệp Vàm Cỏ đông với 36,7 tỷ đồng. Nghĩa là Xây dựng Central nguy cơ mất hoàn toàn vốn tại công ty này. Khoản phải thu tại Năm sao Đà Lạt và Akuruhi cũng được xác định là không thể thu hồi.
"Con nợ xấu” nợ tỷ đô, cao gấp… 2.320 lần vốn
Như đã nêu trên, Công ty Nhà Phúc Đồng là "con nợ xấu” lớn nhất của Xây dựng Central. Nhà Phúc Đồng thành lập ngày 1/3/2017 với người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Chiêm. Nhà Phúc Đồng là chủ đầu tư của dự án nhà ở xã hội Phúc Đồng và chung cư Hope Residences.
Giá trị nợ có nguy cơ mất vốn của Xây dựng Central tại Nhà Phúc Đồng là 87,3 tỷ đồng dù công ty này có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Có số nợ có nguy cơ mất trắng ít hơn Nhà Phúc Đồng nhưng Công ty Nông nghiệp Vàm Cỏ Đông lại gây chú ý khi sở hữu khoản nợ cao đến… khủng khiếp.
Công ty Nông nghiệp Vàm Cỏ Đông thành lập ngày 13/10/2003 với người đại diện pháp luật là ông Đỗ Văn Dương. Ngành nghề chính của công ty là Mua bán vật tư nông nghiệp, phân bón (trừ mua bán thuốc trừ sâu). Mua bán bao bì.
Công ty Nông nghiệp Vàm Cỏ Đông có bức tranh tài chính vô cùng mất cân đối, đến mức nguy hiểm. Trong giai đoạn 5 năm gần đây (2017-2021), công ty ghi nhận doanh thu bấp bênh, thường xuyên thua lỗ. Cụ thể, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Nông nghiệp Vàm Cỏ Đông đạt 166 tỷ đồng (năm 2017), 401 tỷ đồng (năm 2018), 137 tỷ đồng (năm 2019), 44 tỷ đồng (năm 2020) và 485 tỷ đồng (năm 2021).
Ở giai đoạn này, Nông nghiệp Vàm Cỏ Đông đạt lợi nhuận dương năm 2017 (66,5 triệu đồng), 2020 (11,1 tỷ đồng). Các năm còn lại, công ty lỗ 1,2 tỷ đồng (năm 2018), 13,3 tỷ đồng (năm 2019) và 35,2 tỷ đồng (năm 2021).
Gây sốc hơn cả chính là tình trạng nợ nần đến mức khủng khiếp của Nông nghiệp Vàm Cỏ Đông. Trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt từ 35 đến 50 tỷ đồng thì nợ lại đạt trên dưới 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Nông nghiệp Vàm Cỏ Đông từ năm 2017 đến 2020 là 12,22 lần (năm 2017), 19,1 lần (năm 2018), 25,3 lần (năm 2019) và 21,8 lần (năm 2020).
Cần phải nhấn mạnh, với doanh nghiệp Nhà nước, tỷ lệ này chỉ được phép là 3 lần. Đến cuối năm 2021, cú sốc lớn mới thực sự xuất hiện khi nợ phải trả của công ty tăng phi mã, tăng 24.669 tỷ đồng, tương đương 2.426% lên 25.685 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả cao gấp 2.320 lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới 99,96% tổng nguồn vốn.
Quốc Lộc Phát, Địa Ốc Sài Gòn tiềm ẩn nguy cơ thành "con nợ xấu"
Tính đến 31/12/2022, trong danh sách các khách hàng phải trả Xây dựng Central hàng trăm tỷ đồng còn có Công cổ phần Quốc Lộc Phát (631 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn – KL (487 tỷ đồng). Đây là những khách hàng có tiềm năng trở thành… "con nợ xấu” của Xây dựng Central.
Trước khi phát sinh khoản phải trả khổng lồ lên đến 631 tỷ đồng tại Xây dựng Central, Quốc Lộc Phát đã rơi vào tình trạng khả năng trả nợ yếu khi nợ nần chồng chất.Tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả tại Quốc Lộc Phát lên đến 11.676 tỷ đồng, tăng 4.894 tỷ đồng, tương đương 72,2% so với cuối năm 2020; cao gấp 4,4 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 81,5% tổng nguồn vốn.
Đáng chú ý hơn, tất cả các khoản nợ này đều là nợ ngắn hạn. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn chỉ là 9.263 tỷ đồng. Như vậy, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời chỉ là 0,79. Theo lý thuyết, hệ số nhỏ hơn 1 thể hiện “khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.
Trong khi đó, trong 2 năm gần đây, doanh thu của Địa ốc Sài Gòn – KL rất thấp, giảm từ 218 triệu đồng (năm 2020) xuống 0 đồng (năm 2021). Vì thế, công ty lần lượt lỗ 35,8 triệu đồng và 61,4 triệu đồng. Địa ốc Sài Gòn – KL cũng rơi vào tình cảnh nợ rất cao.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 đạt 1.120 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu năm. Doanh thu chưa thực hiện dài hạn đạt 175 tỷ đồng, giảm 3%. Nợ vay đạt 312 tỷ đồng, giảm 11%.
Với vốn chủ sở hữu đạt 878 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ là 1,27 lần.
Theo Tài chính Doanh nghiệp