Nếu không được cơ cấu nợ, giãn nợ, chắc chắn nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản sẽ phình to trong thời gian tới. Ảnh: Đức Thanh |
Nhảy nhóm nợ, nợ xấu tăng - domino từ thị trường trái phiếu hiện hữu
Tại Hội nghị Tín dụng bất động sản giữa tuần này, nhiều doanh nghiệp cảnh báo về nguy cơ nhảy nhóm nợ, nợ xấu gia tăng, nếu không được ngành ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ.
Ông Lê Trọng Khương, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho rằng, kênh huy động trái phiếu khó khăn đang tác động tiêu cực đến dòng tiền và nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng. Hưng Thịnh Land dù chưa bị nhảy nhóm nợ, nhưng nếu tình hình không có gì chuyển biến, thì khả năng nhảy nhóm nợ rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, doanh nghiệp này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ.
Đây cũng chính là kiến nghị của Novaland. Thậm chí, Novaland còn xin giãn nợ, cơ cấu nợ lên tới 36 tháng. Đại diện Novaland cho hay, biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến niềm tin của nhà đầu tư bị khủng hoảng nặng nề.
Với chủ nợ là các tổ chức quốc tế, Novaland đã giải quyết êm đềm khi thuyết phục họ nhìn nhận đây là rủi ro hệ thống, nên cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, hay nhìn nhận đây là rủi ro thị trường dẫn tới kết luận vi phạm nghĩa vụ trả nợ, vi phạm chéo các khoản vay. Tuy vậy, với các chủ nợ trong nước (ngân hàng, trái chủ), Novaland đang rất vất vả để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.
Thực tế, từ đầu năm tới nay, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã thông báo mất khả năng thanh toán, không trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Mất thanh khoản trái phiếu khiến nợ xấu của các doanh nghiệp có nguy cơ tăng theo. Các chuyên gia của FiinRatings cho rằng, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm qua.
Hiện nay, việc “cứu” doanh nghiệp bất động sản bằng cơ cấu nợ, giãn nợ nhận được các quan điểm trái chiều từ phía ngân hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc, phụ trách Ban Điều hành, Ngân hàng VietinBank cho rằng, việc cơ cấu nợ cho riêng doanh nghiệp bất động sản không phù hợp, vì đây là vấn đề thị trường. Nếu có cơ chế đặc thù cho sản bất động sản, thì sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các ngành nghề và các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ. “Tôi cho rằng, các doanh nghiệp nên tự cơ cấu, bán đi tài sản”, ông Dũng nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ có thể là biện pháp nên xem xét trong bối cảnh hiện nay. “Doanh nghiệp bất động sản hiện nay không chỉ đối mặt với khoản nợ ngân hàng đáo hạn, mà còn áp lực lớn đối với khoản trái phiếu phát hành sắp đáo hạn, trong khi nguồn thu và dòng tiền bị chững lại. Nếu không có biện pháp hỗ trợ, các doanh nghiệp này sẽ không hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng lẫn trái chủ”, ông Hưng phân tích.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định, việc cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bất động sản là rất khó, bởi nếu vậy, các ngành nghề khác cũng đòi cơ chế tương tự - điều này vượt quá khả năng của ngân sách, cũng như nguồn lực của ngân hàng thương mại - trong khi bất động sản không phải là lĩnh vực ưu tiên.
Còn nhớ, năm 2021-2022, tín dụng bất động sản tăng rất mạnh (năm 2021 tăng 13,57% và năm 2022 tăng 24,27%). Áp lực trả nợ của doanh nghiệp không chỉ từ tín dụng ngân hàng, mà còn từ đáo hạn trái phiếu. Năm 2023-2024 là giai đoạn đỉnh đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp, riêng lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn năm 2023 lên tới 119.000 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản cạn vốn, không có tiền hoàn thiện dự án, bán ra để thu hồi tiền về, chưa kể sức mua thị trường hiện rất kém.
Nếu không được cơ cấu nợ, giãn nợ, chắc chắn nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản sẽ phình to trong thời gian tới. Năm 2022, nợ xấu tín dụng bất động sản là 1,81%, tăng đáng kể so với mức 1,67% năm 2021.
Phải chấp nhận có những doanh nghiệp rời cuộc chơi
Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này không siết tín dụng bất động sản. Thực tế, bất động sản đang là ngành chiếm cơ cấu lớn nhất trong “rổ” tín dụng toàn hệ thống (tỷ trọng trên 21%). Năm 2022, tín dụng bất động sản tăng tới hơn 24,2%, cao nhất trong các lĩnh vực. Mặc dù vậy, tín dụng bất động sản đang bộc lộ rất nhiều rủi ro như: cho vay bất động sản đang tập trung quá lớn vào một số tổ chức tín dụng, một số doanh nghiệp; mất rủi ro kỳ hạn…
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp bất động sản là tình trạng sử đụng đòn bẩy cao, đầu tư dàn trải (có doanh nghiệp cùng lúc triển khai hơn 50 dự án - theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng), cơ cấu phân khúc bất chưa hợp lý (thừa các dự án cao cấp, thiếu dự án nhà ở giá rẻ)…
Với những bất cập trên, việc yêu cầu ngân hàng thương mại dồn vốn cho vay bất động sản là rất rủi ro. Thực tế, từ cuối năm 2022, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng quản trị rủi ro với lĩnh vực này, giảm cho vay doanh nghiệp bất động sản (như Techcombank).
Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần quản trị lại, cân đối giữa mục tiêu doanh thu, lợi nhuận, khả năng tiêu thụ sản phẩm, để có điều chỉnh phù hợp, có khả năng trả nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chuyển hướng sang những phân khúc ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, nhà ở cho công nhân…
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, hỗ trợ lớn nhất và khả thi nhất của ngành ngân hàng với doanh nghiệp bất động sản là giảm mặt bằng lãi suất. Trong tuần tới, khả năng một loạt ngân hàng lớn sẽ giảm thêm lãi suất huy động, từ đó kỳ vọng giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Còn các đề xuất khác của doanh nghiệp (như giảm hệ số rủi ro với bất động sản, tăng tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo khoản vay, hỗ trợ doanh nghiệp khả năng trả nợ trái phiếu…) đều không thể thực hiện do liên quan đến đảm bảo an toàn hệ thống.
Việc tháo gỡ thế kẹt dòng tiền bất động sản, tránh gia tăng nợ xấu ngân hàng hiện nay cần phải tập trung vào các giải pháp khác. Đó là nhanh chóng ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP và sớm tháo gỡ vướng mắc hàng loạt thủ tục pháp lý với bất động sản. Chính các doanh nghiệp bất động sản cũng thừa nhận, 70% khó khăn của lĩnh vực bất động sản hiện nay liên quan tới thủ tục pháp lý.
“Hồi phục thị trường bất động sản là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, thu hút dòng tiền trở lại thị trường bất động sản, trước hết, phải giải quyết các vấn đề về thể chế và pháp lý, thủ tục hành chính. Trong điều kiện hiện nay, tâm lý sợ sai đang phổ biến, các bộ, ban, ngành đang có những hướng dẫn chồng chéo, thì việc đưa ra những quy trình để triển khai hết sức cần thiết. Nên chăng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có văn bản để quy định vấn đề này”, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đề nghị.
Mặc dù vậy, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, quá trình khôi phục thị trường bất động sản sẽ là quá trình sàng lọc rất đau đớn, sẽ có những doanh nghiệp buộc phải rời thị trường, có những doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Nguồn vốn ngân hàng phải tập trung vào các doanh nghiệp minh bạch, quản trị tốt.
- Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank
Về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, thời gian qua, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt thông tư về vấn đề này (Thông tư 01, 02, 14). Đây là các chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả trước các điều kiện bất khả kháng là đại dịch trên quy mô toàn thế giới và đã phát huy hiệu quả trong thực tế. Còn trong điều kiện kinh doanh thông thường, thì cần áp dụng các quy định thông thường để triển khai.
Đối với hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có các quy định về cơ cấu nợ cho khách hàng. Đây là căn cứ pháp lý để thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nguyên tắc cơ cấu nợ là sau khi cơ cấu xong, doanh nghiệp đã được cơ cấu nợ phải đảm bảo trả đủ gốc và lãi cho các ngân hàng.
Chính vì vậy, với doanh nghiệp bất động sản, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải có phương án cơ cấu nợ khả thi để phối hợp với ngân hàng cơ cấu nợ. Sẽ có những doanh nghiệp bị nhảy nhóm nợ, song nếu qua thời gian thử thách, doanh nghiệp có tình hình kinh doanh tốt lên, thực hiện tốt các cam kết với ngân hàng, thì sẽ trở lại nhóm nợ bình thường.
Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, mà doanh nghiệp các ngành khác khi gặp khó khăn đều được cơ cấu nợ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Việc cơ cấu nợ phải được triển khai một cách rất thận trọng, chính xác để đảm bảo không chuyển nợ xấu về sau. Bởi nếu dồn nợ xấu về sau, thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế.