Ba ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV mới đây đã tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.
Cả 3 ngân hàng này đều hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Trong đó, Vietcombank có lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021. Con số này, theo tính toán của chúng tôi thì ước đạt hơn 36.700 tỷ đồng.
BIDV thì cho biết lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ. Như vậy, ngân hàng đã vượt mục tiêu do ĐHĐCĐ đề ra (20.600 tỷ đồng).
Tương tự, tại VietinBank, trong khi kế hoạch lợi nhuận riêng lẻ ngân hàng năm 2022 là 19.451 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế thực tế đạt được là 20.500 tỷ.
Đáng chú ý, nợ xấu của các ngân hàng này sau khi tăng mạnh trong quý 3/2022, đã bất ngờ quay đầu giảm đáng kể trong quý 4.
Cụ thể, tại Vietcombank, chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát tốt. Dư nợ nhóm 2 là 3.289 tỷ đồng, tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,29%, giảm 0,08 điểm % so với 2021 (0,36%). Tổng dư nợ xấu là 7.662 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Vietcombank duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, thuộc nhóm thấp nhất ngành. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank cũng có sự cải thiện đáng kể so với mức 0,8% vào cuối quý 3/2022.
Bên cạnh đó, quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank đã lên tới 35.603 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt 465%, cao nhất trong hệ thống. Trước đó, giữa năm 2022, tỷ lệ này còn lên tới hơn 500%, là kỷ lục của chính Vietcombank và cũng là của toàn ngành.
Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, với chính sách thận trọng trong nhiều năm qua, Vietcombank là ngân hàng sẽ ít phải đối mặt về áp lực trích lập dự phòng trong năm 2023. Bộ đệm dự phòng hàng đầu ngành sẽ đảm bảo ngân hàng khỏi mọi sự gián đoạn bao gồm rủi ro sự kiện và rủi ro tín dụng, vốn có thể tác động khó lường đến lợi nhuận. Ngoài ra, Vietcombank cũng ít phơi nhiễm với trái phiếu doanh nghiệp và phân khúc rủi; do đó, tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ được kiểm soát tốt trong năm 2023.
Chất lượng tài sản của BIDV cũng ngày một tốt hơn. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này được kiểm soát ở mức 0,9% vào thời điểm cuối năm 2022. Ngoài ra, tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ dự phòng rủi ro/dư nợ xấu tiếp tục tăng mạnh) lên 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây. Việc ngân hàng sạch nợ xấu tại VAMC và nợ xấu nội bảng chuyển biến tích cực là một trong những động lực lớn nhất giúp BIDV ghi nhận lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng hơn 70% so với năm 2021.
Theo nhận định của VDSC, chất lượng tài sản của BIDV đã được cải thiện tốt kể từ khi tất toán trái phiếu VAMC. Tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng cũng như tỷ lệ nợ xấu và dư nợ cơ cấu Covid-19 đã cho thấy xu hướng đi xuống từ mức nền cao trước đó mặc dù có bật tăng trở lại trong một số giai đoạn căng thẳng. Điều này được cho là nhờ cách tiếp cận thận trọng hơn đối với chính sách trích lập dự phòng khi tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đã chuyển sang mức ba con số kể từ đầu năm 2021 và duy trì ở mức cao cho đến thời điểm hiện tại, điều này đã thúc đẩy khả năng phục hồi của BIDV để đối phó với những bất ổn sắp tới. Về dài hạn, chi phí tín dụng biên dự kiến sẽ giảm dần xuống mức bền vững hơn nhờ vào bộ đệm vững chắc trước đó và sự chuyển đổi toàn diện theo hướng mở rộng tài sản lành mạnh
VietinBank cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm trong quý 4/2022, từ 1,42% xuống còn xấp xỉ 1,2%. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng được cải thiện lên 190%, tăng 10% so với đầu năm. Lãnh đạo Vietinbank cho biết, thu hồi nợ xử lý rủi ro rất tích cực với kết quả thu hồi nợ gốc lãi xử lý rủi ro tăng hơn 60% so với số thu năm 2021, đạt khoảng 5.800 tỷ đồng.
VDSC cho rằng, khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, bộ đệm dự phòng được tăng cường tốt của VietinBank dự kiến sẽ giúp ngân hàng “gặt quả”.