Theo báo cáo thông tin thị trường bất động sản năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 của Bộ Xây dựng, giá bất động sản vẫn có chiều hướng tăng cao. Trong đó, có những khu vực, dự án giá tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020.
Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây cũng là nguyên nhân làm tăng giá bất động sản.
Lý giải về vấn đề này, Bộ Xây dựng vừa có báo cáo phân tích hiện tượng có những dự án giá tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020.
Theo Bộ Xây dựng, việc giá bất động sản tại các địa phương tăng trong thời gian qua là do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: dân số tăng, kinh tế phát triển, công nghiệp hóa – đô thị hóa nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung cầu; do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để đảm bảo an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh; do giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính...
Bên cạnh đó, yếu tố thị trường như biến động giá cả thị trường nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí đầu vào dự án tăng cũng là nguyên nhân kéo theo sự tăng giá của bất động sản.
Bộ Xây dựng cho rằng, cơ cấu, tỷ trọng chi phí về đất trong giá thành bất động sản ở mỗi dự án là khác nhau: bình quân, tại các khu vực đô thị tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư; trên dưới 20-30% giá thành nhà liền kề thấp tầng; trên dưới 50% giá thành biệt thự.
Hiện nay, bảng giá đất các địa phương áp dụng cho giai đoạn 2020 – 2024 có mức tăng trung bình khoảng 15-20% so với bảng giá đất giai đoạn 5 năm trước.
Như vậy theo tính toán của Bộ Xây dựng, trường hợp chi phí về đất của một dự án bất động sản được áp dụng khung giá đất giai đoạn mới cũng chỉ làm tăng giá thành bất động sản nhà ở khoảng 1,5-5%.
Tuy nhiên, đối với các dự án bất động sản thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chi phí về đất của dự án chịu tác động bởi giá đất của thị trường.
Mặt khác, việc áp dụng khung giá đất mới tại các địa phương được ấp dụng sớm nhất từ 1/1/2020 mà các dự án được hoàn thành hoặc có sản phẩm chào bán ra thị trường trong năm vừa qua phần lớn là những dự án được áp dụng khung giá đất cũ.
Do vậy, việc áp dụng khung giá đất mới tại các địa phương không phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tăng giá nhà ở, đất ở của các dự án tại các địa phương trong năm 2020 và thời gian gần đây.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng không phủ nhận việc giá đất tăng làm tăng giá thành của bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở.
Nói về việc giá bất động sản tăng cao và những cơn sốt đất diễn ra chóng vánh, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng bản chất mọi hiện tượng sốt đất đều bắt nguồn từ các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng của các địa phương. Để tránh “sập bẫy” giá ảo, người mua cần tìm một công ty môi giới uy tín để hỏi thông tin. Người dân cũng cần tự trang bị cho mình những thông tin về quy hoạch và tiềm năng khai thác của khu vực đất dự định mua.
Đồng thời, tham khảo thông tin quy hoạch hoặc giá cả khu vực muốn mua đất từ những đơn vị quản lý Nhà nước. Ngoài ra, người dân nên tìm hiểu kỹ giá đất ở khu vực xung quanh trong bán kính từ 3 - 5km để so sánh giá.