Trước đó, ông Đỗ Xuân Thuỷ và một số hộ tiểu thương chợ Phố Mới (nay là chợ du lịch Lào Cai) có đơn gửi UBND tỉnh Lào Cai đề nghị xem xét việc HTX đầu tư xây dựng và khai thác quản lý chợ Cường Phát (HTX Cường Phát) đơn phương đưa ra thời hạn ký kết hợp đồng thuê ki ốt chưa hợp lý, yêu cầu xem xét lại nội dung dự thảo hợp đồng.
HTX Cường Phát đơn phương thông báo, yêu cầu các hộ tiểu thương ký kết hợp đồng và nộp tiền trong khi dự án chợ chưa thực hiện xong các hạng mục như thiết kế...
Về việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trịnh Xuân Trường đã có chỉ đạo khẩn giao UBND TP. Lào Cai chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ quy định pháp luật, nghiên cứu và xem xét những nội dung phản ánh, kiến nghị của các hộ tiểu thương.
Phối hợp với HTX Cường Phát tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ tiểu thương trên cơ sở đảm bảo các quy định của pháp luật, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà đầu tư và các hộ tiểu thương; sớm đưa chợ vào hoạt động để các hộ tiểu thương ổn định kinh doanh.
Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo trên, Chủ tịch UBND TP. Lào Cai và các sở ngành có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/12/2020.
Lùm xùm tại chợ Phố Mới bắt nguồn từ việc ông Nguyễn Hữu Cường - Giám đốc HTX Cường Phát - thuê 11.000m2 đất của tỉnh Lào Cai trong thời gian 70 năm với giá chỉ 216 nghìn đồng/m2/năm (trả tiền từng năm) để xây dựng chợ Phố Mới thành chợ du lịch Phố Mới từ năm 2015.
Năm 2019, sau khi xây dựng chợ cơ bản hoàn thành, HTX Cường Phát ra thông báo gửi các hộ tiểu thương đề nghị ký hợp đồng. Tuy nhiên, gần 1 năm ròng, HTX Cường Phát không thực hiện cam kết ban đầu cho thuê mặt bằng với giá 80 nghìn đồng/m2/tháng, trả tiền 1 lần 5 - 10 năm theo quy định của tỉnh Lào Cai.
Tới khi tỉnh Lào Cai có quyết định sửa đổi về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thì HTX này chấp nhận mức giá cam kết ban đầu 80 nghìn đồng/m2/tháng nhưng phải đóng tiền thuê tới 30 năm.
Cụ thể, theo quyết định 18/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai ra ngày 12/6/2020, có hiệu lực từ 1/7/2020 (quyết định này bổ sung, sửa đổi quyết định 14/2017/QĐ-UBND) thì thời gian giao và thuê địa điểm kinh doanh tại chợ xây dựng bằng nguồn vốn khác do 2 bên tự thoả thuận.
Quyết định này không giới hạn thời hạn cho thuê theo khung cứng 5-10 năm, trả tiền một lần như quyết định 14/2017/QĐ-UBND.
Tiểu thương cho rằng, quyết định 18/2020/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh ký có lợi cho chủ đầu tư là HTX Cường Phát. Vì vậy, có phải HTX Cường Phát cố tình trì hoãn để đợi quyết định mới sửa đổi?
Rõ ràng quyết định 18/2020/QĐ-UBND đã đẩy xung đột lợi ích giữa HTX Cường Phát và tiểu thương lên cao.
Đặc biệt, khi HTX Cường Phát đưa ra văn bản với nội dung: Sau khi hết thời hạn ngày 15/12/2020 theo thông báo của UBND TP, tất cả các ô quầy đã bốc thăm nhưng không đến ký hợp đồng, HTX Cường Phát sẽ thu hồi các ô quầy để bố trí cho các hộ tiểu thương khác có nhu cầu.
Lúc này, buộc tiểu thương phải căng băng rôn kêu cứu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường để giải quyết sự việc.
Ngoài ra, HTX Cường Phát xây điện thờ, dựng tượng thờ hoành tráng trên nóc chợ du lịch Phố Mới.
Trong khi, từ chợ du lịch Phố Mới (phường Lào Cai, TP. Lào Cai) có thể đi bộ tới 6 điểm di tích lịch sử văn hoá, đền, chùa nổi tiếng như: Đền Thượng, Đền Mẫu, Đến Cấm, Chùa Tân Bảo… là nơi cho người dân sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng.
Vì vậy, việc mọc thêm điện, dựng tượng thờ trên nóc chợ này khiến người ta hoài nghi mục đích xây điện của chủ đầu tư là nhằm phục vụ tín ngưỡng của bà con tiểu thương.
Trong khi, chợ Phố Mới không có điển tích lịch sử, hình thành nên từ bãi đất trống với những tiểu thương buôn lặt vặt từ những năm 90.