Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu MVN của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC (Vinalines) tăng kịch trần gần 15% lên 34.700 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa cuối phiên hôm nay, ngày 9/8, cổ phiếu MVN hiện ở mức 39.500 đồng/ cổ phiếu. Đây là phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp của cổ phiếu này.
Như vậy, chỉ trong khoảng 1 tuần, cổ phiếu MVN tăng từ mức 15.600 đồng/cổ phiếu lên mức 39.500 đồng/cổ phiếu.
Vốn hóa của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng tăng gấp hơn 2 lần lên mức khoảng 41.700 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD), gia nhập "câu lạc bộ" vốn hoá tỷ USD trên sàn chứng khoán.
Hiện, số lượng đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là gần 6,4 triệu đơn vị. Cổ đông Nhà nước nắm giữ hơn 99% vốn, khiến lượng cổ phiếu lưu hành tự do ngoài thị trường không còn nhiều.
Điều này dẫn tới biến động MVN có phần thất thường, cổ phiếu MVN mặc dù tăng giá mạnh nhưng thanh khoản vẫn rất hạn chế. Ghi nhận trong nhiều phiên, cổ phiếu mất thanh khoản.
Vốn hóa của MVN cũng vượt xa những doanh nghiệp nổi tiếng trên thị trường chứng khoán như: Chứng khoán SSI, Cơ điện lạnh REE, Tôn Hoa Sen, Đầu tư Phát triển Kinh Bắc,... và theo sát những doanh nghiệp nổi tiếng như FPT, VietJet…
Cổ phiếu vận tải biển "dậy sóng" biển xanh nhờ tình hình kinh doanh khả quan. (Ảnh minh họa) |
6 tháng trong năm 2021, Vinalines công bố kết quả kinh doanh khởi sắc.
Hầu hết cổ phiếu tăng mạnh vài tháng qua là bởi DN trong các ngành này đi ngược khó khăn của thị trường và ghi nhận doanh thu lợi nhuận tăng vọt.
Vận tải biển chính là ngành “nóng" nhất thời gian qua. Việc thiếu container rỗng đã bất ngờ đẩy giá cổ phiếu các doanh nghiệp liên quan vận tải biển tăng mạnh.
Doanh thu 6 tháng đầu năm của tổng công ty đạt 6.041 tỷ đồng, tăng gần 40% so với nửa đầu năm 2020. Đáng chú ý, với xu hướng tăng phi mã của giá cước vận tải, Vinalines báo lãi sau thuế hợp nhất 1.066 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ. Mặc dù vậy, tại ngày 30/6, Vinalines vẫn đang lỗ lũy kế 3.031 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Vinalines sẽ thoái vốn khỏi 12 doanh nghiệp vận tải biển thành viên. Trong đó, có 8/12 Công ty mà Vinalines thoái toàn bộ vốn gồm: CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart), Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (Petec), CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Đông (OSTC), CTCP Vận tải biển Hải Âu (Sesco), CTCP Hàng hải Sài Gòn, CTCP Đầu tư và thương mại hàng hải Hải Phòng, CTCP Hàng hải Đông Đô (DDM), CTCP Vinalines Nha Trang. Cùng với đó, trong năm 2021, Vinalines cũng tiếp tục bán thanh lý 10 tàu biển. |
Theo Người đưa tin