Lượng rác thải đổ về ngày một nhiều, tuy nhiên huyện Yên Dũng vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm. |
Đó vẫn là những nội dung mà người dân tại huyện Yên Dũng đang còn băn khoăn, cần có câu trả lời từ phía lãnh đạo các cấp tại huyện. Theo đó, sau những bài phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về tình trạng ô nhiễm môi trường từ lò xử lý rác thải sinh hoạt, thì vấn đề mà người dân vẫn còn thắc mắc đó là khoản tiền thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của các hộ dân sẽ được chi tiêu như thế nào? Tại sao dân đã đóng tiền để thu gom, xử lý rác thải mà tình trạng ô nhiễm vẫn còn diễn biến phức tạp?
Mặc dù tiền đã đóng để không phải chịu cảnh ô nhiễm, nhưng điều đó lại không như mong muốn của người dân, và người dân cũng không biết kêu ai, khi lãnh đạo các cấp tại huyện, thị trấn cũng đang giậm chân tại chỗ vì chưa có hướng xử lý dứt điểm. Chia sẻ với P.V, ông M. người dân sống tại thị trấn Nham Biền cho biết: "Chúng tôi mất tiền đóng cho thị trấn để thu gom, xử lý rác thải không còn tình trạng ô nhiễm như trước nữa. Nhưng không hiểu sao tình trạng này lại không giảm mà còn tăng lên đáng sợ như vậy. Tôi cũng không hiểu là tiền thị trấn thu của các hộ dân về chi tiêu cho những khoản gì mà lại không thể xử lý được vấn đề ô nhiễm, liệu chúng tôi còn phải chịu cảnh này đến khi nào?".
Rác thải chất thành núi đốt theo phương pháp thủ công liên tục cả ngày lẫn đêm gây ô nhiễm môi trường. |
Liên quan đến vấn đề này, trước đó trao đổi với P.V, ông Lại Văn Hà – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thừa nhận rằng, tình trạng ô nhiễm tại lò xử lý rác thải này chưa đạt yêu cầu, việc đốt rác lộ thiên ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh là điều không thể tránh khỏi, mặc dù biết là ô nhiễm nhưng huyện lại chưa tìm được nhà đầu tư thích hợp để làm lò xử lý công nghệ mới.
“Về khoản kinh phí duy tu bảo dưỡng, tiền lương cho công nhân thu gom, xử lý rác thải hàng ngày, huyện chi 25 triệu đồng một tháng cho 4 công nhân hoạt động tại lò. Còn lại tiền thu gom rác thải hàng ngày của hơn 6.000 hộ dân, thị trấn Nham Biền sẽ giao cho hợp tác xã đi thu. Với những hộ mặt phố sẽ được thu là 40.000 đồng, còn các hộ trong ngõ là 25.000 đồng/tháng”, ông Hà nói.
Khi P.V hỏi số tiền do hợp tác xã thu của các hộ dân về sẽ chi cho những khoản gì và có danh sách thu chi cụ thể không? thì ông Hà cho biết: “Huyện không lắm bắt được, vấn đề này do thị trấn Nham Biền và HTX làm, vì thế các anh nên hỏi thị trấn sẽ rõ hơn”.
Làm việc với ông Vũ Văn Thanh - Chủ nhiệm hợp tác xã thị trấn Nham Biền, ông này cho rằng: “Để làm môi trường mà không có kinh phí thì không thể làm được, bằng chứng là hiện tại thị trấn đang phải chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ việc không thể xử lý được lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày. Riêng về những giấy tờ liên quan đến việc thu chi mà báo chí yêu cầu được tiếp cận tôi không có, thị trấn Nham Biền là người quản lý”.
Mặc dù tiền đã đóng để không phải chịu cảnh ô nhiễm, nhưng điều đó lại không như mong muốn của người dân. |
Thế nhưng, khi làm việc với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Hoàn - Chủ tịch UBND thị trấn Nham Biền lại quanh co và cho rằng HTX mới là người giữ giấy tờ về các khoản thu chi. “Về việc thu tiền để thu gom rác thải hàng ngày của hơn 6.000 hộ dân trên địa bàn, thị trấn đã giao toàn bộ cho hợp tác xã làm, chính vì thế những khoản thu chi như thế nào thì hợp tác xã sẽ có danh sách cụ thể, thin trấn không lắm giữ những giấy tờ trên. Vấn đề này tôi sẽ yêu cầu làm rõ và hẹn các anh vào một buổi gần nhất để có thông tin cụ thể”.
Vậy qua cách trả lời trên của vị Chủ tịch thị trấn Nham Biền và vị Chủ nhiệm Hợp tác xã thì ai mới là người đang giữ những loại giấy tờ này? Tại sao họ lại quanh co đổ trách nhiệm cho nhau? Với số tiền thu về hàng tháng cũng phải hơn 100 triệu mà lại không có giấy tờ thu chi, phải chăng đang có khuất tất gì ở đây?
Trong khi đó khoản thu chi này phải được công khai minh bạch. Về nội dung này, người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ và đặt câu hỏi. Liệu số tiền mà hợp tác xã thị trấn Nham Biền thu về có chi tiêu đúng mục đích hay không? Hay số tiền thu về lại đút túi các “quan anh, quan chị” tại thị trấn? Riêng về nội dung này cần phải có sự can thiệp của lãnh đạo tỉnh uỷ Bắc Giang.
Đem những nội dung này gửi tới UBND huyện Yên Dũng, chúng tôi (PV) gặp được ông Nguyễn Văn Thưởng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Qua trao đổi, ông Thưởng cũng thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường mà báo chí phản ánh còn đang có diễn biến phức tạp, chưa có hướng xử lý dứt điểm. “Vấn đề này cần phải có thời gian, bởi huyện đang tìm nhà đầu tư để làm lò đốt có công xuất lơn hơn, mong rằng khi có công nghệ mới sẽ xử lý được triệt để tình trạng rác thải sinh hoạt hàng ngày, đem lại bầu không khí tốt hơn cho người dân”, ông Thưởng nói.
Đối với nội dung hợp tác xã và thị trấn Nham Biền không cung cấp, đổ lỗi cho nhau chuyện thu chi tiền thu gom xử lý rác thải, huyện cũng không lắm bắt được, huyện đã giao toàn bộ cho thị trấn, thị trấn giao lại cho hợp tác xã để làm. Nếu đúng như những gì các anh phản ánh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại yêu cầu thị trấn cung cấp giấy tờ này tới báo chí trong buổi sau.
Theo Môi trường đô thị