Đại biểu Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh). |
Mời chào DN lớn, đừng bỏ quên DN nhỏ
Đánh giá cao những kết quả đầy tự hào thời gian qua trong việc phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cũng đề nghị Chính phủ về một số chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Theo đó, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đại biểu cho rằng cần tạo điều kiện tối đa cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp (DN). Thời gian qua, nhiều địa phương đã trải thảm đỏ mời các tập đoàn, DN lớn đa quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những sự ưu ái đó thì với DN trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài.
Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét, giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của DN, từ quy hoạch giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các giấy phép xây dựng công trình.
"Thực tế cho thấy, nhiều DN phải mất trung bình từ 3 đến 4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này, thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí. Thiết nghĩ chúng ta đang "dọn tổ đón đại bàng" thì cũng nên "rắc thóc cho chào mào, chim sẻ" để thực sự có một sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng DN, phát huy nội lực của các DN trong nước trong việc góp phần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế" - đại biểu Bùi Thanh Tùng nói.
Việc triển khai Luật Quy hoạch vẫn khá chậm và vướng mắc cũng là một vấn đề đại biểu cho rằng cần khắc phục. Việc chậm điều chỉnh và xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng hay sự lúng túng trong việc tích hợp các quy hoạch chuyên ngành ở địa phương và quy hoạch tỉnh có tính chất gối đầu cho giai đoạn 2021 - 2025, khiến cho nhiều dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu không thể triển khai được theo kịp các yêu cầu thực tiễn, làm chậm tiến độ các dự án đầu tư của DN. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch ở các cấp độ khác nhau, bảo đảm tính đồng bộ, tạo điều kiện để phát triển.
Nhận xét về các kịch bản tăng trưởng kinh tế của năm nay, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, dù kịch bản nào thì GDP của chúng ta chắc chắn đều không đạt được theo mục tiêu đề ra và theo đó những cân đối lớn về ngân sách, về bội chi, nợ công,.... đều có thể không đảm bảo mục tiêu đề ra. Do vậy, đại biểu ủng hộ việc nghiên cứu, điều chỉnh một số chỉ tiêu theo đề nghị của Chính phủ để tạo sự chủ động.
Cùng với đó, để tạo thuận lợi, chủ động hơn cho Chính phủ trong điều hành, đại biểu đề nghị cho phép Chính phủ được điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển đã được Quốc hội quyết định.
Đối với việc chuyển đổi các dự án đường bộ cao tốc sang đầu tư, đại biểu cho rằng, với 5 dự án còn lại tiếp tục thực hiện PPP, có thể giao cho Chính phủ nghiên cứu tăng mức đầu tư công, tăng ngân sách cho từng dự án để khuyến khích thêm nhà đầu tư tư nhân tham gia trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Còn những "hàng rào kỹ thuật" trong chính sách hỗ trợ
Liên quan đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) đánh giá cao các chính sách kịp thời của Chính phủ, song cũng nêu ra những bất cập ở thực tế khi triển khai các chính sách này.
Theo đại biểu, có những "hàng rào kỹ thuật" khi các địa phương, tổ chức muốn triển khai chính sách, như với chương trình cho vay 16.000 tỷ đồng đề hỗ trợ DN trả lương cho người lao động. Với những "hàng rào kỹ thuật" này, DN, người lao động rất khó chứng minh được về tài sản, về những yếu tố trong doanh thu… do đó rất khó được hưởng chính sách hỗ trợ.
Do vậy, đại biểu đề nghị sớm có hội nghị trực tuyến do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành liên quan chủ trì để cùng thảo luận với các địa phương, với những người trực tiếp xử lý ở cơ sở để tháo gỡ và kịp thời xử lý những vướng mắc. Từ đó, đưa chính sách ý nghĩa này thực sự vào cuộc sống, tạo niềm tin cho người dân, DN.
"Nếu để DN phá sản rồi mới được hưởng các chính sách này thì nó không có ý nghĩa, chúng ta phải cứu DN khi họ cần cứu. Ở đây là một nhu cầu rất lớn và chúng tôi mong muốn Chính phủ ngay sau kỳ họp này triển khai sớm để các địa phương, người lao động và DN được hưởng thụ chính sách" - đại biểu nói.
Ở góc độ địa phương, đại biểu Nguyễn Sơn cũng nhắc lại vấn đề đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đã nêu về mong muốn của cử tri Hà Tĩnh liên quan đến việc dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, việc mà đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức của Chính phủ dù đã được nhiều lần nêu tại Quốc hội.
"Trước thềm nhiệm kỳ mới của Trung ương, của Quốc hội, lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh thiết tha đề nghị Chính phủ xử lý dứt điểm cho dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê để địa phương hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, chương trình dự án sắp tới của kỳ đại hội cũng như phát triển tiềm năng du lịch của địa phương. Hà Tĩnh cam kết đồng hành cùng với nhà đầu tư trong việc phối hợp giảm thiểu những tổn thất do dừng dự án và hết sức tạo điều kiện để các nhà đầu tư cũng như DN tiếp tục đầu tư và phát triển trên các lĩnh vực tại địa bàn" - đại biểu nói./.
Theo Thời báo Tài chính