Trong khoảng một tháng trở lại đây, nhóm cổ phiếu công nghệ viễn thông đã khởi sắc trở lại sau giai đoạn đi ngang. Điển hình như ABC (Truyền thông VMG) tăng 16%, MFS (Dịch vụ kỹ thuật Mobifone) tăng gần 31%, ICT (Viễn thông - tin học bưu điện) tăng 14,5%, VTK (Tư vấn và dịch vụ Viettel) tăng 21,8%, CMG (Công nghệ CMC) tăng hơn 8%,…
Hiện tượng của năm
Đáng chú ý, “cỗ máy tăng trưởng” FPT (CTCP FPT) vẫn chưa làm nhà đầu tư thất vọng khi duy trì đà tăng tích cực. Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu này đã tăng khoảng 70%, có thể xem là mã tăng mạnh nhất trong VN30 và liên tục vượt đỉnh lịch sử.
Thậm chí, giai đoạn VN-Index biến động mạnh, cổ phiếu này vẫn duy trì được đà tăng tích cực. FPT cũng là một trong những cổ phiếu được các quỹ ngoại săn đón và nắm giữ với giá trị cao. Nhờ đó, giá trị vốn hóa của FPT tại ngày 14/11 đạt hơn 200.000 tỷ đồng, là một trong những “cái tên” giá trị nhất sàn chứng khoán.
Sự tăng trưởng bền bỉ này được trợ lực bởi lịch sử tăng trưởng trên 20%/năm, điều mà hiếm có doanh nghiệp nào duy trì được như FPT.
Không kém cạnh, cổ phiếu VTP của "gã khổng lồ" ngành logistics Việt Nam - Viettel Post, cũng là hiện tượng của năm khi liên tục xác lập đỉnh lịch sử, ghi nhận mức tăng 150% trong một năm nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng, triển vọng kinh doanh được giới đầu tư đánh giá khả thi với các dự án cũng như thị trường logistics đang rất tốt.
Còn tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay, thị giá VTP đã tăng mạnh khoảng 50%, vốn hóa thị trường theo đó tăng lên hơn 14.000 tỷ đồng.
Hay như cổ phiếu VGI của Viettel Global đã có chuỗi tăng giá từ 63.600 đồng/cp lên 86.000 đồng/cp, tương ứng tăng khoảng 35% tính từ đầu tháng 10 đến nay. Còn tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng tới 217%.
Cũng trong “họ Viettel”, cổ phiếu CTR của Viettel Construction ghi nhận mức tăng 45% từ đầu năm tới nay. Đây là cổ phiếu được đánh giá cao trong bối cảnh mạng 5G chính thức được thương mại hoá tại Việt Nam.
|
Động lực phía sau vững vàng
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Chứng khoán Maybank, những số liệu vĩ mô được công bố cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng, có khả năng rất cao đạt được những mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, trong “bức tranh” phục hồi này, không phải tất cả các ngành đều phát triển đồng đều, ngành công nghệ với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang vươn lên mạnh mẽ và trở thành một trong những lĩnh vực tiềm năng nhất.
Mặt khác, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện các tiêu chí để đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường chứng khoán.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ mang lại cú hích lớn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 80.000 tỷ đồng trong năm 2024, nhưng triển vọng nâng hạng sẽ giúp thay đổi tâm lý thị trường và khơi thông lại dòng vốn này. Sự tham gia tích cực của các quỹ đầu tư thụ động và chủ động sau khi thị trường được nâng hạng sẽ không chỉ cải thiện thanh khoản mà còn tăng độ sâu và sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Triển vọng nâng hạng trong thời gian sắp tới sẽ giúp thay đổi dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Các nhóm ngành hưởng lợi lớn nhất sẽ bao gồm ngành công nghệ, nhất là về AI - trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn”, ông Khánh nhấn mạnh.
Theo Chứng khoán Tiên Phong (TPS), xu hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy chi tiêu cho dịch vụ và phần mềm công nghệ thông tin toàn cầu tiếp tục tăng lên trong những năm tới.
Chi tiêu để duy trì các Data Center (trung tâm dữ liệu) tại chỗ và chi tiêu mới tiếp tục chuyển sang các đám mây (cloud) sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Theo đó, triển vọng của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin và xuất khẩu phần mềm vẫn tích cực nhờ lợi thế cạnh tranh: Nguồn nhân lực trẻ có khả năng thích nghi nhanh với những công nghệ mới và chi phí phát triển phần mềm của lập trình viên tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Không chỉ xuất khẩu dịch vụ ra thị trường quốc tế, các doanh nghiệp công nghệ cũng được đặt nhiều kỳ vọng khi nhiều nhà đầu tư ngoại muốn xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Theo báo cáo của JLL Việt Nam, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam hiện do các công ty viễn thông trong nước thống trị như VNPT, Viettel IDC, FPT Telecom và CMC Telecom, với sự tăng trưởng đáng kể về nhu cầu dịch vụ đám mây và phân tích dữ liệu lớn.
Trong một báo cáo về thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Savills cũng nhìn nhận, ngành trung tâm dữ liệu của Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Hiện tại, Việt Nam có 28 trung tâm dữ liệu tại 3 miền, với tổng công suất đạt 45 MW.
Savills đánh giá nguồn cung lĩnh vực này tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia vẫn ít hơn Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore, dù dân số đông hơn khoảng 30 lần. Tại Việt Nam, dự báo những năm tới sẽ có sự bùng nổ về Data Center, với quy mô đạt 1,27 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) bình quân 10,8%/năm...
Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi và hấp dẫn nhà đầu tư vào ngành bán dẫn, đó là chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lao động dồi dào với chi phí lao động cạnh tranh, Chính phủ rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam sở hữu một loại khoáng sản đặc biệt là đất hiếm - nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn. Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai trên thế giới.
Đây là lý do nhiều dự án trong lĩnh vực chất bán dẫn của các tập đoàn toàn cầu đã đầu tư vào Việt Nam, như Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, Công ty bán dẫn Amkor xây dựng nhà máy tại Bắc Ninh với tổng mức đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD, Công ty bán dẫn Hana Micron (Hàn Quốc) đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) và có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2025…
“Hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng lớn của ngành bán dẫn toàn cầu, Việt Nam đang củng cố nội lực để trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới. Điều này sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng tích cực cho các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam trong vai trò là nhà sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm”, TPS nhận định.
Đồng thời, nhu cầu công nghệ thông tin tại thị trường nội địa cũng rất khả quan nhờ nhu cầu chuyển đổi số. Các ngành trọng điểm có nhu cầu chuyển đổi số cao bao gồm dịch vụ chuyên sâu và bán lẻ, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hành chính.