Ai được cung cấp thông tin tín dụng

Bạch Dương 15:38 18/04/2023

Hiện CIC cung cấp các sản phẩm dịch vụ phục vụ NHNN; cơ quan quản lý nhà nước khác; tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện; khách hàng vay; tổ chức thông tin tín dụng nước ngoài.

Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam triển khai nghiệp vụ Xếp hạng tín dụng vào năm 2002. Kho dữ liệu Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam do CIC quản lý hiện lưu giữ thông tin của gần 47 triệu khách hàng vay, với sự tham gia báo cáo thông tin của 100% các TCTD hoạt động tại Việt Nam, hơn 1.200 quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô cũng như các tổ chức khác trong và ngoài hệ thống ngân hàng trên cơ sở cập nhật định kỳ, đột xuất dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và các giải pháp thu thập, xử lý thông tin tự động, tiên tiến. Hiện CIC cung cấp các sản phẩm dịch vụ phục vụ NHNN; cơ quan quản lý nhà nước khác; TCTD, tổ chức tự nguyện; khách hàng vay; tổ chức thông tin tín dụng (TTTD) nước ngoài.

Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, một số văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cấp tín dụng, phân loại nợ, bảo mật an toàn thông tin... đã có nhiều thay đổi tác động đến hoạt động TTTD. Đồng thời, yêu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ của NHNN, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng vay ngày càng cao đòi hỏi phải tiếp tục mở rộng phạm vi thu thập thông tin để phát triển cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia, tạo nền tảng để tạo lập các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao hơn… Đây là lý do cơ bản để NHNN xây dựng Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 03/2013/TT- NHNN quy định về hoạt động TTTD của NHNN (Dự thảo).

Góp ý Dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ra một số điểm để cơ quan soạn thảo lưu ý, như: các quy định khái niệm "thông tin bất lợi khác" hay quy định về “trao đổi, cung cấp TTTD sai đối tượng hoặc cho bên thứ ba trái quy định của pháp luật” chưa đủ rõ ràng, có thể gây khó khăn cho các đối tượng áp dụng…

Theo Điều 12 Dự thảo, đối tượng được cung cấp TTTD gồm: Đơn vị thuộc NHNN được cung cấp sản phẩm TTTD để phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của NHNN; Cơ quan quản lý nhà nước khác được cung cấp TTTD theo quy định của pháp luật; TCTD, tổ chức tự nguyện được cung cấp dịch vụ TTTD trên cơ sở hợp đồng ký kết với CIC; Khách hàng vay được cung cấp TTTD của bản thân theo hướng dẫn của CIC; và Tổ chức TTTD nước ngoài được cung cấp khai thác và trao đổi các sản phẩm TTTD về khách hàng vay trên cơ sở biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, hợp đồng dịch vụ ký kết với CIC phù hợp với quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia mà tổ chức TTTD nước ngoài được thành lập.

Theo VCCI: Đối chiếu với Điều 2 Dự thảo, “tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động TTTD” không thuộc đối tượng được cung cấp TTTD. Như vậy, nếu căn cứ đối tượng áp dụng để xác định các đối tượng được cung cấp TTTD như giải trình của Ban soạn thảo, thì Điều 12 đang xác định thiếu đối tượng được cung cấp TTTD là “tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động TTTD”.

Bên cạnh đó, theo VCCI, Dự thảo không xác định tổ chức, cá nhân khác gồm những tổ chức, cá nhân nào, vì vậy “tổ chức hoặc cá nhân khi khai thác dịch vụ TTTD về khách hàng vay” cũng có thể hiểu là “tổ chức, cá nhân khác”. Xét về tính hợp lý, việc tổ chức, cá nhân khác được sự đồng ý của khách hàng vay được phép tiếp cận với thông tin của khách hàng vay là phù hợp. Bởi, rủi ro của hoạt động tiếp cận TTTD của khách hàng là lộ bí mật cá nhân, tổ chức và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức này. Tuy nhiên, nếu chính khách hàng vay cho phép việc tiếp cận TTTD này thì nguy cơ sẽ không còn. Do đó, VCCI đề nghị giữ nguyên quy định: “tổ chức hoặc cá nhân khi khai thác dịch vụ TTTD về khách hàng vay phải có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng đó” là đối tượng được cung cấp TTTD tại Điều 12 Dự thảo.

Tại Khoản 1 Điều 18 Dự thảo quy định: khách hàng vay được miễn phí đối với TTTD về bản thân. VCCI đặt câu hỏi: vì sao khách hàng vay lại chỉ được miễn phí một lần trong một năm khi khai thác TTTD về bản thân? Việc cho phép khách hàng vay tiếp cận với TTTD của mình có thể giúp CIC hiệu đính được thông tin thu thập được có chính xác hay không, bởi vì khi thông tin không chính xác, khách hàng vay có thể thực hiện cơ chế khiếu nại như quy định tại Dự thảo. VCCI đề xuất sửa đổi quy định trên theo hướng khách hàng vay được miễn phí đối với TTTD của bản thân mà không giới hạn về số lần trong năm.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/ai-duoc-cung-cap-thong-tin-tin-dung-138323.html

Bạn đang đọc bài viết Ai được cung cấp thông tin tín dụng tại chuyên mục Tiền tệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiền tệ
Mặc dù thu ngân sách có thể khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, song việc cân đối các mức hỗ trợ cũng là một phần của chính sách “khoan sức dân” để kích cầu tiêu dùng và sản xuất.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, dịch vụ ngân hàng bán lẻ sẽ là “át chủ bài” của các nhà băng trong năm nay cũng như thời gian tới để nâng tầm thương hiệu và cải thiện lợi nhuận.