Xu hướng phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong năm nay như thế nào, thưa ông?
Có thể thấy, gần đây lãi suất huy động đang dần hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mặt bằng cao. Trong khi lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm để hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế này tạo áp lực đối với biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng. Điều đáng nói là tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng đến thu từ tín dụng. Trước thực tế này, các dịch vụ ngân hàng bán lẻ được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn thu bù đắp cho sự sụt giảm từ thu tín dụng. Do đó, các ngân hàng chú trọng phát triển mảng này trong năm nay và thời gian tới.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh. |
Thực tế cho thấy, những ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ và tỷ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Bán lẻ đã và đang là mũi nhọn chiến lược của nhiều ngân hàng trong những năm qua. Năm 2023, các ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao sẽ có thể tiếp tục “sống khoẻ”.
Không chỉ thời gian này mà từ lâu mảng bán lẻ đã trở thành mục tiêu phát triển của ngân hàng, thưa ông?
Đúng vậy, lý do khiến ngân hàng bán lẻ dần trở thành “át chủ bài” của các nhà băng do đây là nguồn thu nhập ổn định, ít rủi ro, trong khi dư địa khai thác còn nhiều. Hiện nay, dư nợ cá nhân hộ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan, Singapore... Tỷ lệ thâm nhập của sản phẩm cho khách hàng cá nhân ở Việt Nam như cho vay mua nhà, thẻ tín dụng... cũng chưa cao. Cụ thể, tỷ lệ thâm nhập thẻ tín dụng hiện nay ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4% dân số. Trong khi đó, tỷ lệ dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh và sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong dân số, hứa hẹn mang đến cơ hội rất lớn cho mảng bán lẻ. Như vậy rõ ràng, dư địa để phát triển ngân hàng bán lẻ là rất lớn và nhà băng nào không mạnh mẽ chuyển đổi sang phân khúc bán lẻ sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.
Bên cạnh đó bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra một diện mạo mới đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Có thể nhận thấy rõ các nhà băng Việt đã có sự chuyển dịch tích cực, đưa dịch vụ ngân hàng lên môi trường số, ngày càng áp dụng những công nghệ tiên tiến như AI, máy học, dữ liệu lớn… qua đó đưa ra các sản phẩm sáng tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của phần đông người dùng. Chính vì lẽ đó, cuộc đua chuyển đổi mô hình kinh doanh, số hoá sản phẩm, dịch vụ chưa bao giờ nóng như hiện nay. Nhiều ngân hàng, kể cả các ngân hàng tư nhân lẫn khối quốc doanh đã gia tăng tỷ trọng của phân khúc bán lẻ hoặc chuyển đổi mục tiêu phát triển sang đẩy mạnh mảng bán lẻ.
Các nhà băng cần làm gì để chiếm ưu thế trong cuộc đua trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu?
Để dẫn đầu về bán lẻ, nhiều ngân hàng hiện đã xác định chiến lược lấy khách hàng trọng tâm và ứng dụng công nghệ để thực hiện điều đó. Các công nghệ tiên tiến đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi với mong muốn đem lại cho người dùng một hành trình trải nghiệm dịch vụ thông suốt, tiện lợi. Không chỉ vậy, vấn đề an toàn, bảo mật cũng được các ngân hàng đặt lên hàng đầu nhằm duy trì sự yêu thích, tin tưởng của khách hàng hiện hữu cũng như thu hút khách hàng mới. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng là một trong những chiến lược quan trọng trong kế hoạch kinh doanh của nhiều ngân hàng.
Nhà băng nào linh hoạt trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, khả năng quản trị tốt đồng thời đi tắt đón đầu trong việc giải quyết bài toán đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng cá nhân sẽ chiếm ưu thế trong cuộc đua trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu.
Để hướng tới mục tiêu này, ngân hàng cần thực sự hiểu khách hàng, tạo thêm “điểm chạm” để hiểu các vấn đề của người dùng, từ đó tạo lập hành trình trải nghiệm dịch vụ tài chính thuận tiện và thông suốt.