Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương diễn ra ngày 7/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có điều chỉnh giảm lãi suất 0,5% (ngày 19/9) sau rất nhiều tháng cân nhắc, thận trọng. Áp lực lên tỷ giá đã dịu bớt, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Đây là một động lực quan trọng cho nền kinh tế.
Áp lực dịu bớt, VND mất giá khoảng 1,6% |
Giới chuyên môn nhìn nhận những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là FED, không chỉ giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận vốn với chi phí cạnh tranh hơn.
Những tác động trên cũng đã phản ánh vào diễn biến tỷ giá USD/VND trên thị trường thời gian qua. Thống kê thị trường tiền tệ sáng nay (ngày 8/10) cho thấy, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.168 đồng, tăng 15 đồng so với phiên trước. Tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, giá mua USD giữ nguyên ở mức 23.400 VND/USD, trong khi tăng giá bán USD lên mức 25.326 VND/USD.
Còn tại các ngân hàng thương mại, mặc dù có điều chỉnh tăng nhẹ nhưng nhìn chung giá mua – bán USD vẫn duy trì mức thấp hơn so với thời điểm quý II/2024 và đầu quý III/2024. Khảo sát nhanh tại một số ngân hàng thương mại lúc 9h sáng nay cho thấy, giá mua – bán USD tại một số ngân hàng có điều chỉnh tăng so với cùng giờ ngày hôm qua, ví như: Vietcombank niêm yết giá mua-bán USD ở mức 24.660 -25.050 VND/USD, cùng tăng 20 đồng chiều mua-bán; Eximbank niêm yết giá mua-bán USD ở mức 24.660 – 25.070 VND/USD, tăng 20 đồng chiều mua, giữ nguyên chiều bán; ACB niêm yết giá mua-bán ở mức 24.700 – 25.020 VND/USD, tăng 40 đồng ở chiều mua và giữ nguyên chiều bán…
Với diễn biến hiện nay, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thống đốc cho biết, tính từ đầu năm đến nay, đồng VND mất giá khoảng 1,66% so với đồng USD (đến cuối tháng 5/2024, VND giảm giá khoảng 5% so với USD - PV) - đây là mức mất giá phù hợp và cũng tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Để đạt được kết quả trên, các chuyên gia phân tích của CTCK VNDirect đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định tỷ giá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quản lý tỷ giá linh hoạt, điều hành cung tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở và kỳ vọng mua vào dự trữ ngoại hối sẽ tiếp tục hỗ trợ khu vực xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần”, các chuyên gia VNDirect nhận định.
Trong báo cáo phân tích vĩ mô mới đây, CTCK VPBankS cũng đưa ra đánh giá áp lực tỷ giá đã qua giai đoạn căng thẳng nhất, sẽ giảm dần bởi các yếu tố từ việc hạ lãi suất của FED cũng như cán cân thương mại và dòng vốn FDI tiếp tục duy trì khả quan.
Còn theo phân tích từ CTCK Rồng Việt (VDSC), đồng VND sẽ không có áp lực mất giá đáng kể do FED đã thực hiện chu kỳ giảm lãi suất. Cũng theo VDSC, áp lực tỷ giá đã không còn quá lớn nên NHNN có thể tập trung vào mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước.
Trong khi đó, CTCK MB (MBS) nhận định, áp lực tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tiêu dùng trong nước cũng như đầu tư nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Dự báo diễn biến tỷ giá cuối năm, các chuyên gia MBS dự báo, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 24.700 – 24.900 VND/USD trong quý IV/2024. Dự báo được hỗ trợ bởi những yếu tố như: Thặng dư thương mại tích cực (khoảng 19,1 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024), dòng vốn FDI (14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (tăng 45,8% so với cùng kỳ trong 8 tháng năm 2024). Ngoài ra, sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia thuộc Ngân hàng UOB cho rằng, áp lực bên ngoài từ sức mạnh của đồng USD đang bắt đầu giảm dần khi FED bắt đầu chu kỳ nới lỏng như kỳ vọng, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn nữa của VND là nguyên nhân chính giúp đồng VND đã ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993 (phục hồi 3,2% trong quý III/2024 vừa qua).
Kỳ vọng về chính sách tiền tệ ổn định từ Ngân hàng Nhà nước, với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng hỗ trợ cho VND, tuy nhiên, UOB nhận định đà tăng thêm của VND từ đây khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự như quý III/2024. “Nhìn chung, dự báo tỷ giá USD/VND cập nhật của chúng tôi là 24.500 VND/USD trong quý IV/2024, 24.300 VND/USD trong quý I/2025, 24.100 VND/USD trong quý II/2025 và 23.900 VND/USD trong quý III/2025”, các chuyên gia UOB đưa ra dự báo.
Theo Thị trường Tài chính Tiền tệ