|
Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ Hà Nội tăng 2% theo quý và 2% theo năm, với sự xuất hiện của một trung tâm mua sắm (Diamond Park Plaza) và hai khối đế bán lẻ. Trong 5 năm qua, nguồn cung đạt mức tăng trưởng trung bình 3%/năm.
Về tỷ trọng, trung tâm mua sắm chiếm ưu thế với 63% tỷ trọng nguồn cung, tương đương 1,14 triệu m2, trong khi khối đế bán lẻ chiếm 17% và trung tâm bách hóa chiếm 3%.
Giá thuê được cải thiện tại các khối đế bán lẻ với mức tăng 2% theo quý và 9% theo năm. Tại khu trung tâm, giá thuê là 3,4 triệu đồng/m2/tháng.
Công suất thuê ổn định theo quý và giảm 1 điểm % theo năm, đạt mức 85%. Khối đế bán lẻ chứng kiến mức tăng 13 điểm % theo năm, trong khi các trung tâm mua sắm giảm 5 điểm % theo năm. Trung tâm bách hóa có công suất ổn định theo năm.
Riêng với mặt bằng bán lẻ phục vụ dân cư, diện tích cho thuê thêm tăng 26.550 m2, trong đó khối đế bán lẻ có mức tăng đáng kể 24.520 m2.
Các dự án khối đế bán lẻ mới hoạt động trong quý này là BRG Diamond Residence và The Rosary có chung mô hình bán lẻ. Mô hình này hướng tới phục vụ nhu cầu nhu cầu thiết yếu hàng ngày, cũng như các hoạt động giải trí của dân cư, dựa vào dự báo tăng trưởng dân số nhanh chóng từ các khu vực xung quanh.
Về triển vọng nguồn cung, Savills Việt Nam nhận định, nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới tại Hà Nội đến năm 2026 sẽ có thêm khoảng 257.280 m2 từ 5 trung tâm mua sắm và 9 khối đế bán lẻ.
Các trung tâm mua sắm sẽ chiếm 71% nguồn cung và khối đế bán lẻ sẽ chiếm 29%. Các dự án lớn ở Hà Nội bao gồm: Hà Nội Centre (175 Nguyễn Thái Học) và Star Lake B1CC1 và B1CC2.
Theo Tạp chí Tài chính