Ngày 15/9 vừa qua, Techcombank cập nhật biểu lãi suất mới. Lãi suất giảm ở các kỳ hạn 0,2%/năm so với trước đó. Ở Techcombank, kỳ hạn 6 tháng là lựa chọn nhiều nhất của khách hàng có lãi suất 4,6%/năm với người trên 50 tuổi, chủ tài khoản dưới mức tuổi này thì lãi suất 6 tháng chỉ có 4,3%/năm. Với kỳ hạn 1 tháng thì lãi suất chỉ là 2,85%/năm cho người trên 50 truổi và 2,55%/năm cho khách hàng dưới 50 tuổi.
Ở Vietcombank - 1 trong 4 ngân hàng quốc doanh thường vừa giảm lãi suất 0,2% với mọi kỳ hạn dưới 12 tháng. Lãi suất hiện nay kỳ hạn 1 tháng là 3,3%, kỳ hạn 3 tháng là 3,6% và gửi tiết kiệm 6 tháng là 4,2%.
Tại BIDV, kỳ hạn 1 tháng đang áp dụng mức lãi suất là 3,5%/năm, 4,4%/năm với kỳ hạn 6 tháng.
Tương tự, tại HDBank, tiền gửi ở tất cả kỳ hạn đều có lãi suất giảm 0,15 - 0,4%/năm. Theo đó, lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn từ 1-5 tháng hiện chỉ còn 3,8%/năm và lãi suất kỳ hạn từ 6-11 tháng đang là 5,8%/năm.
VPBank có biểu lãi giảm nhẹ hơn một chút. Từ giữa tháng 9, lãi suất giảm 0,1% tại một số kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Trong khi đó, lãi suất cho khoản tiền gửi dưới 3 tháng tăng nhẹ 0,05%.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), không chỉ kỳ hạn ngắn mà lãi suất của các kỳ hạn dài cũng được điều chỉnh giảm. Kỳ hạn 18-36 tháng giảm 0,3% so với trước, xuống còn 7,5%/năm.
Theo Báo cáo chiến lược thị trường tiền tệ của Công ty chứng khoán SSI, trong tháng 8/2020, lãi suất tiền gửi đã giảm từ 0,2 đến 4 điểm % ở các kỳ hạn ngắn và khoảng 0,2 % ở các kỳ hạn dài. Trong 8 tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi giảm từ 0,5 đến 2,1% ở tất cả các kỳ hạn so với cuối năm ngoái.
Còn theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), xu hướng giảm lãi suất ngân hàng sẽ còn tiếp tục giảm nữa. Lý do đầu tiên là vì tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, nhu cầu cần vay vốn của khách hàng giảm vì sản xuất kinh doanh khó khăn hơn trước. Tình hình kinh tế hiện nay đang bị trì trệ chung vì dịch bệnh Covid-19 nên cũng không quá khó hiểu.
Đến cuối tháng 8 này, tín dụng mới tăng trưởng 4,23% so với cuối năm 2019. Ở trung tâm kinh tế như TP Hồ Chí Minh tăng trưởng tín dụng cũng chỉ 3,68%. Trong khi đó tăng trưởng tiền gửi vẫn rất tốt dù lãi suất giảm sâu. Sự chênh lệch huy động - tín dụng đang lớn nên tiền đang dư thừa trong hệ thống ngân hàng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây đang là lúc doanh nghiệp "ngủ đông" chờ qua dịch bệnh, hoạt động kinh doanh ít hơn trước. Có thể thấy rõ qua việc các ngân hàng không chỉ giảm lãi suất tiết kiệm mà còn giảm lãi suất vay mua nhà, mua xe.
Các ngân hàng lớn, nhất là ngân hàng nước ngoài đang có mức lãi cho vay mua ô tô dưới 10%/năm. Vì tín dụng tăng trưởng chậm, cho vay sản xuất kinh doanh bí đầu ra. Trong giai đoạn khó khăn, các ngân hàng phải tập trung cho vay 2 sản phẩm này tránh để “tiền chết”. Trong báo cáo tài chính quý II/2020 của một số ngân hàng có lợi nhuận tốt, mảng tín dụng tiêu dùng đều phát triển mảng cho vay mua nhà, mua ô tô chiếm tỷ lệ lớn.
Mới đây, trả lời báo Vietnamnet, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau dịch Covid-19 thì tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng.
Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận xét nhu cầu thực tế vay tiêu dùng thuộc nhóm “dưới chuẩn" chưa được đáp ứng là rất lớn, đa dạng và cũng cấp thiết trong thời kỳ hậu Covid-19. Tiêu dùng được xác định là một trong ba động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giai đoạn hiện nay và giai đoạn tới.
Mặc dù vậy, kinh tế khó khăn chung, nhu cầu tiêu dùng của người dân đang rất thấp. Việc làm bấp bênh, thu nhập giảm do ảnh hưởng đại dịch. Thế nên các ngân hàng, công ty tài chính có muốn đẩy mạnh cho vay cũng không phải dễ. Nếu cho vay dưới chuẩn quá lâu, các ngân hàng lại phải đối mặt với rủi ro nợ xấu do ảnh hưởng có tính dây chuyền từ doanh nghiệp và nền kinh tế.