Vàng, trái phiếu: Hấp dẫn nhưng khó định đoán
Tại Việt Nam, tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, song trên thế giới diễn biến của dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các quyết định “xuống tiền” của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn các kênh đầu tư hiệu quả. Hiện với người dân Việt Nam, kênh đầu tư phổ biến bao gồm: bất động sản, vàng, chứng khoán, trái phiếu, ngoại tệ và gửi tiết kiệm. Tuy nhiên theo chuyên gia, việc lựa chọn kênh đầu tư nào còn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
Thị trường vàng những ngày qua cho thấy sức nóng chưa hạ nhiệt. Cập nhật sáng 8/7, giá vàng thị trường thế giới tiếp tục tăng dữ dội và lần đầu tiên kể từ năm 2011 lên trên ngưỡng cản quan trọng 1.800 USD/ounce. Giá vàng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji niêm yết ở mức 50,08 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 50,33 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 50.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước. Giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức mua vào 50 triệu đồng/lượng và bán ra mức 50,42 triệu đồng/lượng - tăng 50.000 đồng ở cả hai chiều mua vào, bán ra so với cuối phiên giao dịch 8/7.
Không khó lý giải nguyên do tăng giá của vàng, khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp với làn sóng lây nhiễm thứ 2 bùng nổ ở nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ khiến nhà đầu tư càng tìm tới những tài sản mang tính trú ẩn an toàn như vàng. Thêm nữa, chuyên gia cũng cho rằng việc tiền đổ vào các quỹ đầu tư vàng (ETF) tăng càng khiến cho vàng lên giá. Theo Bloomberg, lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ ETF đảm bảo bằng vàng đã lên tới gần 3.235 tấn, tăng thêm gần 656 tấn tính từ đầu năm tới nay - cao hơn mức tăng kỷ lục ghi nhận trong cả năm 2009. Cũng có cả những trường hợp nhà đầu cơ khi thấy thị trường vàng sốt thì bỏ tiền vào lướt sóng, tạo thêm cơ hội cho giá vàng tăng.
Thừa nhận vàng tăng chóng mặt làm mức độ hấp dẫn trong ngắn hạn là có, song TS. Châu Đình Linh – Đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng rất khó đoán định diễn biến giá vàng và rất có thể kim loại quý này sẽ có điều chỉnh giảm trong ngắn hạn. Bởi thế các nhà đầu tư rất thận trọng. Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính chia sẻ, giá vàng không thể tăng mãi được. Hơn nữa giá vàng trong nước có sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán nên rủi ro là rất cao.
Một kênh khác cũng đang gây sự chú ý trong thời gian gần đây là trái phiếu doanh nghiệp. Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỷ đồng, tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.
Theo SSI, việc trái phiếu doanh nghiệp đang hút một lượng tiền đáng kể là do lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 0,8 - 1,7%/năm so với lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, mới đây Bộ Tài chính đã một lần nữa đưa ra khuyến cáo cảnh báo các nhà đầu tư cần tiếp cận thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp khi đầu tư trái phiếu. Đặc biệt không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu kỹ đặc điểm của trái phiếu và những rủi ro có thể xảy ra.
Tính đến 19/6/2020, huy động vốn TCTD tăng 4,35%. (Ảnh minh hoạ) |
Gửi tiết kiệm: Chậm nhưng chắc
Một số kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… theo nhận định của giới chuyên gia, cũng chưa mấy khả quan. Bất động sản có chăng chỉ nóng hơn ở một vài nơi và tuỳ từng phân khúc, nhưng nhìn chung là vẫn trong tình trạng ảm đạm. Hơn nữa, đầu tư vào bất động sản đòi hỏi nhà đầu tư phải “trường vốn” cũng như am hiểu về thị trường này, chứ không nên sử dụng đòn bẩy nợ, rủi ro là rất lớn.
Đối với chứng khoán, TS. Châu Đình Linh nhận định tỷ lệ nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch mới cao, nhưng phần nhiều do hoạt động khuyến khích mở, còn tài khoản giao dịch thực tế thì không đáng kể. “Dòng tiền mới mặc dù số lượng tăng, nhưng tiền thật sự để giao dịch thì không nhiều, nên chứng khoán vừa qua có đột biến lên nhưng ngay sau đó lình xình mãi.
Thêm nữa, chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất kinh doanh, khi nhiều doanh nghiệp hiện nay đều đang phải gánh lỗ thì rất khó để tạo ra mức tăng trong giá trị của cổ phiếu”, TS. Linh nêu quan điểm. Các công ty chứng khoán phần lớn đưa ra nhận định, trong ngắn hạn, dao động đi ngang dự báo tiếp tục là xu hướng chính. Giới chuyên gia cũng cho rằng, kênh đầu tư này cũng không dành cho tất cả mà phải là những nhà đầu tư có kiến thức về thị trường.
Nhìn đi ngó lại thì hiện với đại bộ phận người dân Việt Nam, tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn với mức sinh lời khá hấp dẫn khi mà hiện lãi suất tiền gửi cao nhất vẫn xấp xỉ 8%/năm. Đó chính là lý do mà theo thống kê của NHNN, tính đến 19/6/2020, huy động vốn của các TCTD tăng 4,35% so với cuối năm trước. Tuy mức tăng của huy động hiện thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tín dụng tăng chậm thì con số tăng trưởng vốn huy động vẫn rất ấn tượng.
Một chuyên gia tài chính chia sẻ, phần lớn người dân vẫn nghĩ tới kênh gửi tiết kiệm, vì sao? “Bản thân họ không có nhu cầu nhiều cho đầu tư những kênh khác, mà phần lớn người dân làm việc để tích luỹ, đây là tâm lý chung. Chuyện dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác khi lãi suất tiết kiệm giảm là có, nhưng nếu xét về bối cảnh chung thì phần này không nhiều”.
Cũng theo chuyên gia này, phần lớn người dân rất “chuộng” kênh tiết kiệm, với số tiền nhỏ chứ không phải lớn. Những người có lượng tiền nhàn rỗi lớn hơn, có nhu cầu đầu tư thì họ sẽ đa dạng hoá các kênh đầu tư, không “bỏ trứng vào một giỏ”, nhưng trong đó thì gửi tiết kiệm vẫn là một trong những lựa chọn được ưu tiên.