Ngày 9/10, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII , Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm.
Kinh tế - xã hội nước ta bị ảnh hưởng lớn, khó có thể hoàn thành được toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016-2020, mặc dù đã có 4 năm liên tiếp trước đó luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước.
Tuy nhiên, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam vẫn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
.
Kết quả là, kinh tế vẫn tăng trưởng dương, đạt trên 2% trong 9 tháng đầu năm, dự kiến từ 2 đến 3% trong năm 2020 (được đánh giá là một trong số 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch, kinh tế thế giới và nhiều nước lớn dự kiến tăng trưởng âm).
Ngân hàng Nhà nước đã mua vào ngoại tệ khiến dự trữ ngoại hối tăng thêm khoảng 1 tỷ USD trong hơn 1 tháng qua, từ đó giúp nâng mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên con số kỷ lục 93 tỷ USD.
Quy mô dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh sau con số 84 tỷ USD vào tháng 4/2020. Có khả năng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ cán mốc 100 tỷ USD vào cuối năm nay.
Ngoài ra, xuất siêu kỷ lục được đánh giá là một trong lý do giúp dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam cán mốc 16,99 tỷ USD xuất siêu sau 9 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, dù đại dịch COVID-19 dù đang gây ảnh hưởng đến khắp các quốc gia nhưng tại Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp trong 9 tháng đầu năm vẫn rất khả quan, đạt mức 21,1 tỷ USD.
Trao đổi với báo Dân Trí về trước ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên hạn chế mua thêm USD vì quỹ dự trữ ngoại hối đã trên mức tối thiểu cần có là 3 tháng nhập khẩu, lãnh đạo Vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước cho biết: Mức 3 tháng nhập khẩu của IMF là yêu cầu đối với các nước chưa mở cửa nền kinh tế nhiều. Với các nước có độ mở kinh tế cao như Việt Nam, IMF khuyến nghị dự trữ ngoại hối nên ở mức 4 - 4,5 tháng nhập khẩu.
Như vậy, với mức dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam ở mức tối thiểu theo thông lệ quốc tế. Chủ trương của Chính phủ là tiếp tục tăng quy mô dự trữ ngoại hối khi thị trường thuận lợi để có đủ ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro biến động như hiện nay.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu từng bước đổi mới toàn diện công tác quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước từ khâu hoàn thiện cơ sở pháp lý đến khâu xây dựng danh mục tài sản chiến lược, chiến thuật; xác định mức rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro phù hợp cũng như đổi mới hạch toán kế toán phù hợp chuẩn mực quốc tế góp phần củng cố và cải thiện hiệu quả đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước.