Khối ngân hàng nào nhiều tiền nhất?

BIZLIVE 17:27 27/09/2020

Lần đầu tiên tổng tài sản khối ngân hàng cổ phần tư nhân vượt khối quốc doanh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cập nhật một số chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tính đến cuối tháng 7/2020.

Theo đó, tính đến 31/7/2020, tổng tài sản có toàn hệ thống các TCTD đã đạt 12,84 triệu tỷ đồng, tăng 2,01% so với cuối năm trước.

Trong đó, đáng chú ý, tổng tài sản có của khối ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) đã lần đầu tiên vượt tổng tài sản có của khối NHTM nhà nước (gồm AgriBank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu, ngân hàng Đại Dương).

Cụ thể, tổng tài sản có của nhóm này đến cuối tháng 7 đã lên tới 5,42 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,02% so với cuối năm trước (chiếm 42,26% tổng tài sản toàn hệ thống) trong khi tổng tài sản của nhóm NHTM nhà nước lại giảm tới 1,44%, xuống còn 5,36 triệu tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 41,78%).

Nhóm công ty tài chính, cho thuê cũng ghi nhận tổng tài sản giảm nhẹ 0,1% trong 7 tháng đầu năm, xuống còn 205 nghìn tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng liên doanh nước ngoài ghi nhận tổng tài sản có lớn thứ ba hệ thống với 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm trước.

Dữ liệu do NHNN công bố cũng cho thấy, vốn tự có của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN tính đến cuối tháng 7 ở mức 815,3 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 11,55%; vốn tự có của nhóm áp dụng Thông tư 22/2019/TT-NHNN là gần 266,2 nghìn tỷ đồng, CAR ở mức 10,52% và vốn tự có của nhóm áp dụng Thông tư 36/2014/TT-NHNN (công ty tài chính, cho thuê tài chính) là 41,5 nghìn tỷ đồng và CAR là 20,25%.

Vốn điều lệ toàn hệ thống các TCTD tăng 1,98% so với đầu năm lên 624,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ tại các NHTM nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng hợp tác xã gần như không đổi.

Riêng vốn điều lệ của nhóm NHTMCP tăng 1,9%, lên 290,1 nghìn tỷ đồng; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài tăng 4,31%, lên gần 126 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống cập nhật đến tháng 7 ở mức khá thấp là 25,88%; trong đó tỷ lệ này tại các NHTM Nhà nước là 29,94% và NHTMCP là 28,21%; tại các công ty tài chính, cho thuê tài chính gần 34,22%.

Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài không có giá trị do khối này không sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.

Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi toàn hệ thống theo con số cập nhật mới nhất là 72,81%; trong đó, tỷ lệ này của nhóm NHTM nhà nước là 82,2%, của nhóm NHTMCP là 72,03%, nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài là 37,24%.

Trong khi đó, về khả năng sinh lời của các nhà băng, số liệu cập nhật đến hết quý I/2020 cho thấy, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cao nhất thuộc về nhóm công ty tài chính, cho thuê với 0,77%, đứng thứ hai là Ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng liên doanh, nước ngoài và quỹ tín dụng nhân dân với ROA cùng đạt 0,31%.

ROA của nhóm NHTM nhà nước ở mức khá thấp, đạt 0,19%, chỉ đứng trên Ngân hàng Hợp tác xã (0,16%) và thấp hơn ROA trung bình của toàn hệ thống là 0,25%. ROA của nhóm NHTMCP nhỉnh hơn khi đạt 0,27%.

Đối với chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), nhóm Quỹ tín dụng nhân dân đang dẫn đầu với 4,78%, tiếp đến là các công ty tài chính, cho thuê với mức 3,83%.

ROE của các ngân hàng thương mại nhà nước đạt 3,34% và của khối NHTMCP là 3,41%, cao hơn mức ROE trung bình toàn ngành là 3,09% trong quý đầu tiên của năm nay.

Bạn đang đọc bài viết Khối ngân hàng nào nhiều tiền nhất? tại chuyên mục Tin tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức