Ngân hàng “siết” cho vay tiêu dùng
Theo kết quả cuộc khảo sát xu hướng tín dụng các tổ chức tín dụng của Vụ Dự báo thống kê (NHNN) vừa được công bố, các tổ chức tín dụng đã “thắt chặt” hơn các yêu cầu về tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm của khách hàng nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng, đặc biệt là kiểm soát chặt các điều kiện và điều khoản vay vốn đối với các khoản vay đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng. Ngược lại, các điều kiện và điều khoản vay vốn được dự kiến “nới lỏng” hơn với các khoản vay cho sản xuất, kinh doanh và vay qua thẻ tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2020.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, các tổ chức tín dụng đã đáp ứng nhu cầu vay vốn tổng thể của khách hàng ở mức độ cao hơn so với 6 tháng cuối năm 2019. Cụ thể, 88,7% tổ chức tín dụng cho biết đã đáp ứng 75-100% nhu cầu vay vốn, cao hơn tỷ lệ 84,3% của 6 tháng cuối năm 2019. Chỉ có 11,3% tổ chức tín dụng cho biết đáp ứng dưới 75% nhu cầu tín dụng của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2020, do sự thay đổi khẩu vị rủi ro của đơn vị và diễn biến kinh tế.
Trong văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng và Agribank đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật. Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương hoàn thành phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng, bởi đây là một trong những động lực góp phần tăng trưởng kinh tế.
Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần nỗ lực hơn trong giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh và cả với tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường hiện nay không dễ kích cầu cho vay, do những doanh nghiệp khỏe chưa có nhu cầu sử dụng vốn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh; còn với doanh nghiệp yếu, ngân hàng lại thận trọng cho vay.
Lãi suất cao là rào cản lớn
Đối với tín dụng tiêu dùng, các công ty tài chính đã đẩy mạnh ra thị trường, song mức lãi suất cao đang là rào cản cho người vay. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của Covid-19, thu nhập giảm, nhiều người mất việc làm, thì việc vay vốn để tiêu dùng càng hạn chế. Điều này được chứng minh qua số liệu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 7 tháng đầu năm nay.
Tính đến cuối tháng 7/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45%, chưa bằng một nửa mức tăng cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho hay, tín dụng tiêu dùng, cho vay cá nhân tăng trưởng chậm hơn so với các lĩnh vực khác, thậm chí là tăng trưởng âm.
Lãnh đạo các công ty tài chính cũng thừa nhận, do ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động cho vay tiêu dùng đã chững lại trong nửa đầu năm nay. Tính đến cuối tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng của FE Credit giảm nhẹ so với cuối năm 2019. Việc cho vay chậm lại không chỉ do nhu cầu của khách hàng yếu, mà bản thân các công ty tài chính cũng thận trọng hơn trong giải ngân do lo ngại nợ xấu.
Theo ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Bán lẻ của Shinhan Bank, so với trước đại dịch, rủi ro về cho vay tiêu dùng cá nhân đương nhiên có sự thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Theo đó, các ngân hàng buộc phải thận trọng hơn trong các quyết định cho vay và quản lý danh mục cho vay của mình.
Theo nhận định của giới phân tích tài chính, 2020 là năm khó khăn với tín dụng và tín dụng tiêu dùng, song về dài hạn, tiềm năng năng trưởng của lĩnh vực này vẫn rất tốt. Trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu. Hơn nữa, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế và đẩy lùi được tín dụng đen. Tuy nhiên, muốn kích cầu tín dụng tiêu dùng, cần xem xét giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý.