Nhiều ngân hàng tăng mạnh tín dụng
Theo số liệu mới nhất của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), đến ngày 16/9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 4,81%. Đặc biệt, dòng vốn được nắn vào các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, tín dụng nhiều lĩnh vực ưu tiên vẫn tăng trưởng khá như xuất khẩu, nông nghiệp…
-- |
So với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng vẫn tăng chậm. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, tín dụng có thể khởi sắc trở lại trong quý IV/2020. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, khả năng những tháng cuối năm, tín dụng sẽ tăng trên 1%/tháng, theo đó tín dụng cả năm sẽ tăng khoảng 9%.
Nhiều ngân hàng thương mại cho biết đang kỳ vọng nhiều vào tín dụng xuất khẩu, bán buôn - bán lẻ, dệt may, xây dựng… Kỳ vọng của các ngân hàng thương mại là có cơ sở. Theo số liệu của Bộ Công thương, xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất siêu đạt mức cao kỷ lục.
Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt tín dụng nhờ khéo chuyển hướng khách hàng chiến lược.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho hay, tín dụng của Ngân hàng 9 tháng đầu năm tăng trưởng tốt. Mặc dù mảng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nhóm thương mại, vận tải, du lịch… rất khó khăn, song TPBank lại tích cực phát triển các nhóm khách hàng khác như cho vay cá nhân, doanh nghiệp lớn, tập trung vào nhóm doanh nghiệp sản xuất (sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng sạch…).
“Ngay từ đầu, TPBank đã chủ động không đi bằng một chân, mà đi đều bằng cả hai chân. Vì vậy, dù Covid-19 tác động mạnh đến một số nhóm khách hàng, nhưng TPBank có những nhóm khách hàng khá để bù lại. Nhờ vậy, Ngân hàng vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, đảm bảo hiệu quả hoạt động”, ông Hưng cho biết.
Ngoài TPBank, một số ngân hàng thương mại cổ phần như VIB, VPBank, HDBank… cũng cho biết, tín dụng vẫn tăng trưởng khả quan từ đầu năm đến nay. Nhờ sự nhanh nhạy thay đổi chiến lược khách hàng, nhiều ngân hàng như VIB, VPBank, TPBank, Techcombank, HDBank đã tăng trưởng gần hết room tín dụng chỉ trong 6-7 tháng đầu năm và được NHNN nới mạnh room lên 19-23% trong năm nay.
Một trong những yếu tố khiến tín dụng hồi phục dần trở lại là từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể. Các ngân hàng thương mại đã đưa ra rất nhiều chương trình tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay so với thời điểm trước dịch đã giảm 0,5-2,5%.
TS. Nguyễn Đức Độ, chuyên gia kinh tế
Thanh khoản dồi dào khiến ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Dù lãi suất giảm, song tín dụng vẫn chưa thể tăng nhanh do cầu tín dụng của doanh nghiệp còn yếu. Tất nhiên, hiện vẫn có những ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng và đây là những ngành mà các ngân hàng đẩy mạnh khai thác thời gian qua. Song để tín dụng tăng mạnh, vẫn phải chờ hết dịch bệnh, doanh nghiệp mạnh dạn đưa ra kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Hiện dịch bệnh đang tạm lắng, hy vọng nhu cầu tín dụng cũng sẽ phục hồi trở lại.
Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn rẻ. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, thành viên HĐQT SCB cho hay, hiện vốn vay của ngân hàng đã rẻ hơn trước rất nhiều, nhưng cũng chỉ rót vào được những ngành có khả năng hấp thụ như bán lẻ, tiêu dùng, nhu yếu phẩm, dược phẩm… Còn với những ngành bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, doanh nghiệp chỉ có nhu cầu được cơ cấu nợ, chưa có nhu cầu vay mới.
Tương tự, lãnh đạo Agribank cho hay, số doanh nghiệp mong muốn được cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho khoản vay hiện hữu nhiều hơn doanh nghiệp có nhu cầu vay mới.
Theo TS. Cấn Văn Lực, lãi suất không còn là rào cản tín dụng hiện nay. Muốn thúc đẩy tín dụng, không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân hàng, mà cần sự hỗ trợ tổng thể của chính sách, gồm đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ thứ hai tới người dân, doanh nghiệp, đẩy nhanh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước…
Đương nhiên, kiểm soát dịch bệnh vẫn là điều kiện tiên quyết để tín dụng phục hồi. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank khẳng định: “Chỉ có cách kiểm soát hoàn toàn Covid-19, nền kinh tế từng bước phục hồi, doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái “ngủ đông” và tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh thì tín dụng mới tăng trở lại”.
Tiền vẫn vào ngân hàng
Từ giữa tháng 9/2020, làn sóng giảm lãi suất huy động tiếp tục diễn ra. Hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, HDBank, Techcombank, ACB, NamABank… đồng loạt giảm thêm 0,2-0,4% lãi suất huy động tùy từng kỳ hạn. Như vậy, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn đã giảm rất sâu, có kỳ hạn giảm tới 2,5%. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm cũng thấp kỷ lục. Nhiều khả năng lãi suất huy động và cho vay sẽ được một số ngân hàng điều chỉnh giảm thêm, do thanh khoản hệ thống đang rất dồi dào.
Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng chỉ còn 3,3%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Mặc dù vậy, khả năng tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng là không cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hưng cho hay, tăng trưởng vốn huy động tại TPBank vẫn rất tốt, không có dấu hiệu giảm khiến thanh khoản của Ngân hàng rất dồi dào. Được biết, nửa đầu năm nay, tín dụng của TPBank tăng 11%, nhưng huy động vốn tăng tới 25%.
Tương tự, tại Agribank, tín dụng nửa đầu năm chỉ tăng 1,2%, trong khi huy động vốn tăng tới hơn 4%. Bà Nguyễn Thị Phượng cho biết, dòng tiền chảy vào ngân hàng vẫn tăng hàng ngày. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn, sở hữu lượng tiền mặt hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng vẫn để tiền “ngủ đông” trong ngân hàng. Với sự rủi ro, bấp bênh của các kênh đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, dòng tiền sẽ vẫn tiếp tục chảy vào các ngân hàng.