Cần nhiều chính sách phù hợp để phục hồi kinh tế giai đoạn Covid-19

NHVN 12:37 21/05/2020

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, nhưng để phục hồi nền kinh tế cần phải có những gói hỗ trợ đúng trọng tâm, đúng đối tượng

Đây ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo: Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid -19, do Trường đại học Kinh tế - Luật và Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/5.

Cần thêm chính sách để hỗ trợ nền kinh tế

GS -TS. Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật - cho biết, Chính phủ đang thực hiện nhiều chính sách tài khóa như gói giảm thuế và tiền thuê đất với 180.000 tỷ đồng (tương đương 3% GDP, 11,7% thu ngân sách, 10,3% chi ngân sách và 88% mức thâm hụt ngân sách); chi 62.000 tỷ đồng tiền mặt cho an sinh xã hội (giảm giá điện trị giá 11.000 tỷ đồng và hoãn đóng bảo hiểm xã hội trị giá 9.500 tỷ đồng)... Quy mô gói kích thích tài khóa này tương đương 4,3% GDP, xấp xỉ với các nền kinh tế mới nổi khác cũng như so với các quốc gia đang phát triển trong khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, gói kích thích hiện nay có tác động giới hạn đối với các DN đang lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính vì các chính sách chỉ làm giảm hoặc ngăn dòng tiền ra của DN, chưa có chính sách hỗ trợ làm tăng dòng tiền vào của DN. Sẽ có những DN phải ngưng hoạt động, trước khi cải thiện được dòng tiền, vì vậy chính sách tạo dòng tiền vào cho DN là quan trọng và sẽ mang lại hiệu quả hơn. Nói cách khác, phải bơm tiền thực cho DN mới tạo nhiên liệu kích hoạt cỗ máy kinh doanh tái khởi động.

Các chuyên gia đề xuất cần có thêm chính sách để hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong giai đoạn dịch Covid -19

Việc xác định ngành ưu tiên hỗ trợ nên dựa trên ít nhất hai yếu tố, đó là tốc độ phục hồi và mức độ ổn định đầu ra của sản phẩm. Những DN hồi phục nhanh sẽ giúp nâng đỡ nền kinh tế và từ đó tác động lan tỏa để các DN khác phục hồi. Như vậy, chính sách cần có sự tập trung theo nhóm ngành chứ không nên dàn trải, thiếu tập trung.

Tiến sĩ Trần Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng - đề xuất, các khuyến nghị về chính sách tài khoá ngắn hạn và trung hạn như: cho phép hạch toán đầy đủ chi phí lương; nhanh chóng khơi thông khối tiền đầu tư công 700.000 tỷ đồng trong năm 2020 (vốn phát sinh trong năm 2020 khoảng 135.000 tỷ đồng và vốn của kế hoạch các năm trước đây được chuyển nguồn thực hiện ở năm 2020 khoảng 565.000 tỷ đồng); bố trí một khoản mục chi tái thiết kinh tế trong dự toán ngân sách thời kỳ 2021-2026 dưới hình thức “Chi đầu tư phát triển” để nền kinh tế có cơ hội phục hồi.

Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất, các cơ quan quản lý cần phân loại DN hỗ trợ, gắn với an sinh xã hội nhằm đảm bảo người lao động không mất việc làm; giải quyết vấn đề khó tiếp cận vốn cho DN bằng cách thực hiện dịch chuyển rủi ro của chủ nợ về phía Chính phủ thông qua các chương trình bảo lãnh tín dụng giúp khơi thông nguồn vốn đến các DN thuộc đối tượng hỗ trợ. Cho phép DN chuyển lỗ về năm trước hoặc năm sau trong hạn định 5 năm nhằm giảm áp lực kinh tế lên DN.

Các DN cần vốn nhưng khó tiếp cận ngân hàng

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, tính đến đầu tháng 5/2020, tín dụng của toàn ngành ngân hàng tăng 1,2%, nhưng khối DN vừa và nhỏ lại giảm 0,8%. Ngành ngân hàng vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành 13 - 14% như khi chưa có dịch Covid -19. Theo ông Tú, các loại lãi suất điều hành đã giảm 3 đợt từ cuối năm 2019 đến nay để các ngân hàng thương mại có cơ sở giảm lãi suất cho vay và thực tế hàng triệu khách hàng đã được vay với mức lãi suất giảm, cho vay ưu đãi 5%... Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cũng là DN nên cần cho cơ chế giảm tiếp lãi suất cho vay thì các đối tượng DN nhỏ và vừa, đối tượng đang bị tổn thương nặng nhất vì dịch bệnh mới có thể tiếp cận được nguồn vốn để hoạt động.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, cần lưu ý về rủi ro trong quá trình thực thi chính sách tài khóa giai đoạn Covid-19 để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của chính sách. Theo đó, cần thiết phải theo dõi và phòng vệ một số rủi ro có thể gây hại như rủi ro thể chế làm chậm tiến độ bơm tiền kích thích tiêu dùng và đầu tư, rủi ro tham nhũng hoặc sợ trách nhiệm, rủi ro chệch mục tiêu…

Các chuyên gia đề xuất hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi và dễ dàng là cơ hội lớn để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn dịch Covid -19

Đại diện cho DN, ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP. Hồ Chí Minh - cho biết, ngành nhựa cả nước hiện có 7.000 DN, trong đó 70% ở phía Nam. Riêng TP. Hồ Chí Minh chiếm 70% trong số các DN nhựa phía Nam, trong số DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến 85%. Trong mùa dịch Covid -19, các DN nhựa bỏ qua một cơ hội vàng để làm ăn do thiếu vốn đã không tận dụng được.

Ông Trần Việt Anh nêu, trước dịch giá hạt nhựa nhập khẩu 350 USD/tấn, dịch bệnh giảm xuống 70 USD/tấn nhưng không có mấy DN đủ vốn để mua tích trữ. Khẩu trang y tế kháng khuẩn làm bằng nhựa, một thùng khẩu trang giá thành sản xuất 700.000 đồng, bán trong nước 1 triệu đồng/thùng, xuất khẩu lên đến 17 triệu đồng/thùng nhưng hầu hết DN nhựa không có vốn để mua dây chuyền sản xuất. “Các DN nhỏ vốn yếu về tài chính, tài sản cũng không lớn nên việc đi vay ngân hàng là không dễ dàng. Để hồi phục hoạt động sản xuất, các ngân hàng cần có chính sách nới rộng khả năng cho vay thì DN mới có cơ hội để phục hồi", ông Trần Việt Anh kiến nghị.

Theo Báo Công thương

Bạn đang đọc bài viết Cần nhiều chính sách phù hợp để phục hồi kinh tế giai đoạn Covid-19 tại chuyên mục Chính sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]