Ông đánh giá thế nào về hoạt động ngân hàng nói chung, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nói riêng 6 tháng đầu năm 2020?
Nhìn lại gần 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù tăng trưởng thấp, nhưng lạm phát thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch bệnh Covid-19 tác động rất mạnh đến xuất khẩu, dịch vụ, nhưng tính chung 6 tháng cán cân thương mại vẫn dương; dự trữ ngoại tệ tăng nhẹ và tỷ giá hối đoái ổn định.
Đặc biệt hệ thống ngân hàng trụ vững trong dịch Covid-19. Không có ngân hàng nào mất thanh khoản, tốc độ tăng trưởng tiền gửi và tín dụng vẫn dương. Gần đây, huy động vốn và cho vay cũng đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, NHNN sớm đưa ra chính sách hỗ trợ DN và các NHTM ngay trong giai đoạn đầu của khủng hoảng Covid-19, tập trung vào 4 chính sách then chốt.
Thứ nhất, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho các NHTM giảm lãi suất, phí cho DN đặc biệt là DNVVN. NHNN đồng thời cũng tạo điều kiện duy trì tính ổn định về tài chính của các NHTM trong điều kiện các NHTM tập trung hỗ trợ các DN.
Thứ hai, NHNN ban hành Thông tư 01 cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho các DN gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Đây là biện pháp rất quan trọng nhằm giúp đỡ các DN tồn tại, ổn định trong mùa dịch bệnh. Cho đến nay, số DN được hưởng chính sách tái cấu trúc nợ là khá lớn, có thể lên xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là áp lực rất lớn cho tài chính ngân hàng trước mắt cũng như trong tương lai. Vì các khoản giãn nợ, khoanh nợ biến tài sản có sinh lời thành không sinh lời, làm tăng tài sản không sinh lời, đồng nghĩa với việc tăng khả năng lỗ của các NHTM trước mắt trong những tháng tới. Đồng thời tạo áp lực rất lớn cho các NHTM tăng dự phòng rủi ro, các khoản tài chính đệm dự phòng đảm bảo nền tảng tài chính vững chắc.
Thứ ba, NHNN tiếp tục duy trì một chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát nhằm ổn định giá trị đồng tiền, ổn định giá cả và duy trì dự trữ ngoại tệ không bị suy giảm mạnh. Đây là chính sách tiền tệ khá đặc biệt trong bối cảnh nhiều NHTW nới lỏng tiền tệ vô tiền khoáng hậu. Như chúng ta thấy các gói nới lỏng định lượng của Mỹ lên tới trên 3.000 tỷ USD, Nhật Bản cũng xấp xỉ 2.000 tỷ USD; châu Âu xấp xỉ 1.500 tỷ EUR, Trung Quốc và các nước khác đều có gói nới lỏng định lượng. Rất may, NHNN Việt Nam chưa phải làm điều đó. Đây cũng là thành công lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Nhưng cũng có một thuận lợi nữa cho hệ thống ngân hàng là Chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt và nhanh nên kinh tế không rơi vào suy thoái. Theo đó, tín dụng ngân hàng không bị suy kiệt và đặc biệt DN không bị phá sản hàng loạt nên giữ được lòng tin của người gửi tiền.
Thứ tư, trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, khiến cho hoạt động của nhiều NHTM, đặc biệt là những NHTM nhỏ gặp khó khăn, NHNN đã kịp thời nới lỏng các quy định về tăng trưởng tín dụng và tập trung nhiều vào giám sát, kiểm soát thanh khoản của các NHTM... Điều đó bù đắp phần nào các rủi ro tài chính đối với các ngân hàng trong điều kiện hỗ trợ DN như là giảm lãi suất, tái cơ cấu nợ… Hoạt động thanh tra giám sát của NHNN khá là chặt chẽ, các chỉ đạo của NHTW với các NHTM cả về mặt chính sách, giám sát thông tin đều khá thông suốt trong 6 tháng đầu năm.
Đấy có thể coi là thành công nổi trội của hệ thống ngân hàng, chính sách tiền tệ qua 6 tháng đầu năm trong việc chống chọi khắc phục hậu quả dịch bệnh, tạo điều kiện cho khu vực DN, ngân hàng phục hồi lại khá nhanh trên nền tảng tận dụng tối đa thị trường nội địa để hồi phục phát triển. Đặc biệt các chính sách tiền tệ của NHNN như chúng ta thấy khá thận trọng và có tầm nhìn dài hạn nên nguy cơ sau này gặp phải tình huống lạm phát hoặc biến động mạnh tỷ giá hối đoái, mất thanh khoản tại các NHTM là rất nhỏ.
Các chính sách điều hành của NHNN đã tạo điều kiện cho các ngân hàng hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. |
Mặc dầu phải chống chọi dịch bệnh, hỗ trợ NHTM trụ vững trong dịch bệnh, nhưng điều hành chính sách của NHNN vẫn giữ không để NHTM và DN lún sâu khủng hoảng, không để nền kinh tế suy thoái, kinh tế vĩ mô trở nên bất ổn. Điều này tạo điều kiện giảm nhẹ hậu quả xấu của dịch bệnh, tạo đà cho phục hồi khá là tốt. Mà hậu quả dài hạn, trung hạn về mặt điều hành chính sách tiền tệ, kinh tế không lớn như các nước.Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế thế giới có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh này chúng ta cần quan tâm vấn đề gì?
Như chúng ta thấy các nước đều tung ra các gói kích thích lớn như vậy. Trước mắt có thể chưa thấy tác động ghê gớm do cầu tín dụng suy kiệt. Nhưng trong tương lai hậu quả khá lớn, có thể tạo ra biến động mạnh về đồng tiền, lạm phát… Nếu các nước này không có biện pháp trung hòa tốt lạm phát xảy ra trong tương lai khi kinh tế phục hồi.
Theo tôi, sắp tới đây, có thể có làn sóng FDI đổ vào Việt Nam một mặt để tận dụng Hiệp định thương mại Việt Nam – châu Âu, mặt khác là chạy khỏi Trung Quốc. Thông qua đó cũng thể hiện độ tin cậy của họ đối với năng lực của Chính phủ Việt Nam luôn tạo môi trường đầu tư khá an toàn trong nhiều trường hợp. Khủng hoảng Covid-19 vừa rồi có thể nói là thách thức lớn, đồng thời khẳng định Việt Nam là môi trường đầu tư tốt về dài hạn, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cho phép chúng ta dự báo tăng tưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới khởi sắc hơn trong những năm vừa qua và so với các nước trong khu vực. Từ đó tạo ra vị thế địa kinh tế thuận lợi hơn nhiều khác hẳn so với trước đây.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như trong nước được dự báo còn nhiều bất ổn, theo ông điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới nên theo hướng nào?
Những quyết sách đưa ra những tháng đầu năm khá thành công, chứng tỏ sự vững vàng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Nhưng trong thời gian tới, Chính phủ, NHNN cân nhắc các chính sách chuyển từ tư thế phòng ngự sang tấn công. Vì sao tôi lại nói như vậy, bởi phần lớn biện pháp những tháng đầu năm chủ yếu là nhằm duy trì tồn tại, giảm thiểu tổn thất nền kinh tế, đảm bảo sự trụ vững của NHTM. Còn 6 tháng cuối năm là vấn đề bứt lên và thúc đẩy tăng trưởng phát triển.
Trong bối cảnh các quốc gia có những gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có trong lịch sử. Như Mỹ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nước này mới sử dụng hơn 870 tỷ USD mà phải chia làm 3 gói, Nhật Bản cũng chưa từng phải dùng gói kích thích kinh tế nào lên tới 40% GDP (2.000 tỷ USD). Châu Âu dù thận trọng hơn nhưng cũng đưa ra các gói khổng lồ. Việc đưa ra gói kích thích này sẽ làm tăng nợ quốc gia, làm giảm giá trị đồng tiền rất mạnh của các nước. Điều này lại bất lợi cho Việt Nam, khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu.
Điểm khác biệt nữa, hiện tại Chính phủ các nước đang có chính sách kích cầu nội địa khá mạnh tay. Chẳng hạn như Nhật Bản để kích cầu du lịch thì họ hỗ trợ cho 1 người đi du lịch 4 triệu đồng. Còn hiện tại ở Việt Nam, chủ yếu là các DN tự kích cầu nội địa qua việc tự giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ chứ chưa có động thái hỗ trợ từ Chính phủ và điều này bào mòn nền tảng tài chính của họ. Nếu cứ để DN tự bơi, họ sẽ không chịu nổi.
Do vậy, theo tôi, thời điểm này chưa cần thiết phải triển khai ngay, nhưng trong tương lai gần, Chính phủ, NHNN nên cân nhắc một gói hỗ trợ theo hướng chuyển từ thế phòng ngự, sang tấn công kích thích kinh tế để tạo ra sự đột phá. Còn nếu giữ nguyên các chính sách phòng thủ mặc dù có đà tăng trưởng nhưng không bật được. Đơn cử, du lịch là một trong những ngành phục hồi nhanh nhất, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất. Nếu không có động thái kích thích sẽ không đón được dòng khách du lịch nước ngoài. Chẳng hạn, Chính phủ kích thích cầu nội địa như các nước đã làm. Hay như để hỗ trợ cho xuất khẩu thì có thể giảm lãi suất, thuế giá trị gia tăng mạnh hơn, tỷ giá linh hoạt hơn…
Theo tôi, các nhà hoạch định chính sách nên xây dựng đề án chương trình hỗ trợ này tính toán kỹ lưỡng, vừa làm vừa thăm dò phản ứng kinh tế vĩ mô. Trong đó cần cân nhắc cả về thời gian làm cho thích hợp, quy mô nào phù hợp để có thể tạo được lợi thế trong tương lai. Việc tổ chức thực hiện thế nào cũng rất quan trọng, tránh rơi vào tình trạng nợ xấu dâng lên và lại phải mất 10 năm mới xử lý như giai đoạn vừa rồi.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thời báo Ngân hàng