Cần cân nhắc thận trọng khi giảm trích lập dự phòng

NHVN 05:31 08/06/2020

Mục đích của việc dự phòng rủi ro là để bù đắp tổn thất đối với những khoản nợ của TCTD. Nếu giảm thêm trích lập dự phòng rủi ro thì sẽ làm gia tăng rủi ro cho ngân hàng.

Do đó, sẽ kéo theo nguy cơ không những trong thời kỳ này mà cả về sau, bởi trích lập dự phòng rủi ro phải được hiểu như một quỹ “để dành” để có thể xử lý nợ xấu trong tương lai, đây là điều mà tất cả các ngân hàng trên thế giới đều làm”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến thu nhập của ngành Ngân hàng do nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, trong năm 2020, việc tăng trích lập dự phòng có thể làm giảm thu nhập của các TCTD khoảng 6.736 tỷ đồng. Thông tin từ Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng cho thấy, dựa trên kết quả kinh doanh quý I/2020 thì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của nhóm ngân hàng niêm yết chậm đi đáng kể, chỉ còn 3,4% - con số được xem là thấp nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây. Tác động từ dịch Covid-19 khiến thu nhập tín dụng giảm, nợ xấu gia tăng buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của Vietcombank cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý I/2020 của ngân hàng này tăng gần 43% so với cùng kỳ năm trước lên 2.152 tỷ đồng. Trong quý đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV cũng tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2019 lên hơn 6 nghìn tỷ đồng; trong khi của Techcombank là hơn 772 tỷ đồng, gấp gần 4,6 lần so với cùng kỳ 2019; của TPBank là 324 tỷ đồng, tăng 109%… Những con số trên cho thấy, trích lập dự phòng rủi ro của nhiều ngân hàng tăng rất mạnh.

Dự phòng rủi ro là quỹ “để dành” để xử lý nợ xấu trong tương lai

Tại thông báo kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho NHNN xem xét điều chỉnh phù hợp tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cho các NHTM để tạo điều kiện và khuyến khích họ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Kiến nghị Thủ tướng tại buổi đối thoại trực tuyến gần đây, VCCI cũng đề nghị các NHTM xem xét điều chỉnh giảm các tỷ lệ trích lập dự phòng, giải phóng một phần trích lập dự phòng chuyển thành vốn lưu chuyển cho hoạt động kinh doanh, hỗ trợ khách hàng, giúp DN được nhanh chóng phục hồi sau dịch. Về lý thuyết, giảm trích lập dự phòng sẽ làm giảm chi phí cho các ngân hàng, giúp ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay với DN. Nhưng liệu có nên xem xét để giảm trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh hiện nay?

Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng không nên điều chỉnh mức trích lập dự phòng rủi ro. Theo chuyên gia này, với những mức trích lập như hiện tại đã là theo thông lệ quốc tế và khá phù hợp, khi tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro chung là 0,75%; trong khi dự phòng rủi ro cụ thể đối với các nhóm nợ từ 2 đến 5 lần lượt 5%, 20%, 50% và 100%.

Thêm nữa, Thông tư 01 của NHNN đã cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo TS. Hiếu, riêng việc cho phép không chuyển nhóm nợ là đã giảm rất nhiều chi phí cho các ngân hàng, mang lại nhiều hỗ trợ cho phía DN khi ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Trong khi “mục đích của việc dự phòng rủi ro là để bù đắp tổn thất đối với những khoản nợ của TCTD. Nếu giảm thêm trích lập dự phòng rủi ro thì sẽ làm gia tăng rủi ro cho ngân hàng, nguy cơ không những trong thời kỳ này mà cả về sau. Bởi trích lập dự phòng rủi ro phải được hiểu như một quỹ “để dành” để có thể xử lý nợ xấu trong tương lai, đây là điều mà tất cả các ngân hàng trên thế giới đều làm”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính ví dụ, theo quy định hiện hành, nợ nhóm 4 sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cụ thể ở mức 50%, nhưng nếu bây giờ giảm xuống mức 30% thì chính là đã quá “lạc quan” cho nợ “có nghi ngờ”, gây ảnh hưởng tới chất lượng tài sản. “Con số thiệt hại đó không đổi trong tương lai, nên nếu nhà băng không bỏ đủ tiền vào quỹ trích lập thì sẽ bị trừ vào lợi nhuận sau này, đây là chuyện không thay đổi được, dù có chịu ảnh hưởng của Covid hay không”, vị này chia sẻ.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, với quy định không chuyển nhóm nợ, bản thân các ngân hàng phải có bộ tiêu chí rõ ràng để xác định và NHNN phải giám sát quy trình này một cách chặt chẽ. Sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, thậm chí ngân hàng phải lập tức trích lập dự phòng cho đúng, có thể phải chuyển nhóm nợ ngay. Vì việc trì hoãn không chuyển nhóm nợ sẽ tiếp tục kéo rủi ro tăng lên.

PGS.TS. Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cũng chia sẻ, khi ngân hàng xem xét khoản cho vay, dù là với những gói tín dụng hỗ trợ vẫn sẽ phải tuân thủ theo quy định, quy chế của mình trong thực hiện các khoản vay. Bên cạnh chia sẻ với DN, ngân hàng cũng phải tính đến rủi ro cho vay, phải tính đến khả năng hoàn vốn.

Bên cạnh đó, NHNN cũng rất rõ ràng trong việc hỗ trợ đối với DN vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất quán quan điểm rằng sẽ nỗ lực để tạo mọi điều kiện hỗ trợ DN nhưng không hạ chuẩn cho vay. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cũng nhiều lần khẳng định, ngân hàng sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận, tăng số hóa để phục vụ nhanh hơn, chứ không thể giảm chuẩn tín dụng, vì trong môi trường này sẽ để lại rất nhiều rủi ro.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định, không hạ chuẩn tín dụng trong cho vay là một nguyên tắc của tín dụng. Hạ chuẩn tín dụng cũng đồng nghĩa với rủi ro nợ xấu và mất an toàn cho từng TCTD cũng như an toàn hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia... “Việc hỗ trợ vốn cho các DN hiện nay với điều kiện được bảo đảm chất lượng tín dụng vẫn được thực hiện song hành. Việc không hạ điều kiện tín dụng không làm ảnh hưởng đến hỗ trợ vốn cho DN và người dân”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Theo thời báo ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/giam-trich-lap-du-phong-can-nhac-than-trong-102580.html

Bạn đang đọc bài viết Cần cân nhắc thận trọng khi giảm trích lập dự phòng tại chuyên mục Chính sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính sách