Mang theo những thắc mắc trên đến Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với ông Cao Văn Bình, Phó tổng giám đốc CIC về những vấn đề này.
Ông Cao Văn Bình |
Tình trạng lừa đảo cung cấp TTTD ngày càng tinh vi, theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Tác hại của nó đối với người dân, doanh nghiệp?
Thời gian gần đây, CIC nhận được phản ánh từ khách hàng về việc bị một số đối tượng sử dụng hình ảnh của CIC để tư vấn cấp tín dụng, cung cấp báo cáo TTTD giả mạo có thu phí qua đường bưu điện hoặc được chào mời sử dụng các dịch vụ sửa, xóa thông tin nợ xấu trên một số trang mạng xã hội. Mặc dù CIC đã có nhiều cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web, ứng dụng điện thoại thông minh… về hoạt động lừa đảo này nhưng tình trạng trên vẫn xuất hiện. Qua theo dõi, phân tích và đánh giá, chúng tôi thấy một số nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất, kiến thức của người dân, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn về hoạt động TTTD nói riêng và lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói chung còn hạn chế và chưa đầy đủ, trong khi công tác tuyên truyền, phổ cập kiến thức tài chính chưa được đẩy mạnh. Do vậy, kẻ xấu thường tìm thấy cơ hội để tư vấn tiếp cận tín dụng thông qua hoạt động cung cấp báo cáo tín dụng, điểm tín dụng giả (mạo danh CIC), trong đó có tư vấn hạn mức tín dụng và tổ chức tín dụng cho vay để thu tiền.
Thứ hai, các đối tượng xấu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi trong việc lợi dụng mạng xã hội, công nghệ, sử dụng danh nghĩa CIC là cơ quan quản lý nhà nước một cách bất hợp pháp để lợi dụng lòng tin và lừa đảo người dân. Việc lợi dụng uy tín của CIC thông qua sử dụng logo hay sử dụng các hình ảnh được đăng tải trên website của CIC để quảng cáo cho các hành vi lừa đảo là vi phạm pháp luật.
Thứ ba, nhu cầu tiếp cận tín dụng của một bộ phận người dân và doanh nghiệp là khá lớn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thay vì tìm hiểu và tiếp cận thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý nhà nước hay hệ thống ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn, hoặc cải thiện lịch sử quan hệ tín dụng theo các cách thức truyền thống, một số người dân lại lựa chọn sử dụng dịch vụ của những kẻ xấu do bị hấp dẫn bởi các lời mời chào “nhanh gọn”, “hiệu quả”, “tối ưu”, chi phí rẻ.
Với những lý do trên, không chỉ người dân bị thiệt hại về kinh tế khi phải trả tiền cho các đối tượng lừa đảo nhưng không thể thay đổi được lịch sử TTTD hay cải thiện được khả năng tiếp cận tín dụng của chính mình, mà CIC cũng bị ảnh hưởng uy tín do kẻ xấu lợi dụng hình ảnh, thương hiệu để gây hại cho xã hội và trục lợi bất hợp pháp.
CIC đã có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này? |
Trước tình trạng này, CIC đã thực hiện một số giải pháp để ngăn chặn, cụ thể:
CIC đã phối hợp, có văn bản gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an (A05) đề nghị có biện pháp ngăn ngừa kịp thời tình trạng giả mạo CIC lừa đảo khách hàng trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, CIC đã phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài ngành như Thời báo Ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng, báo Thanh niên… đưa tin bài cảnh báo về các đối tượng sử dụng tên, địa chỉ, hình ảnh, logo của CIC để lừa đảo cung cấp báo cáo TTTD giả mạo qua đường bưu điện hay quảng cáo về dịch vụ xóa lịch sử nợ xấu vay tiền ngân hàng.
Mặt khác, qua các kênh truyền thông, các chương trình gameshow, tương tác trên truyền hình như Tiền khéo tiền khôn, Ví tiền của bạn... chúng tôi mong muốn truyền tải thông điệp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức của người dân về các kênh phân phối, các địa chỉ trang web, hay ứng dụng kết nối khách hàng vay của CIC cũng như các quy định, chính sách của pháp luật về TTTD, cảnh báo khách hàng nâng cao ý thức phòng tránh bảo vệ bản thân khỏi các đối tượng xấu tiếp cận để thực hiện hành vi lừa đảo, gian lận.
Ông có thể nói qua về hoạt động của Cổng thông tin kết nối khách hàng vay? Trên cổng này khách hàng có thể tự tra cứu TTTD được không? Chi phí thế nào? |
Một giải pháp nữa mà CIC đã hướng tới trong thời gian vừa qua là đẩy mạnh dịch vụ trực tiếp cho khách hàng vay thông qua Cổng thông tin kết nối với khách hàng qua Website và ứng dụng CIC Credit Connect trên điện thoại thông minh. Thông qua đó, khách hàng hoàn toàn có thể tra cứu thông tin, điểm tín dụng miễn phí về bản thân mình, được lựa chọn và tìm kiếm các sản phẩm tín dụng phù hợp từ hệ thống các TCTD, được các TCTD kết nối và tư vấn tín dụng.
Trong thời gian tới, CIC sẽ tiếp tục tuyên truyền trên các kênh chính thống, biên tập và in ấn các tờ rơi, phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài ngành để đẩy mạnh phổ cập kiến thức tài chính để khách hàng nắm và hiểu rõ về bản chất của hoạt động TTTD, tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thức trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Hiện nay có tình trạng một số cá nhân nhận sửa lịch sử nợ xấu trên CIC, vậy TTTD có thể được sửa hay không? Khi nào thì thông tin được chỉnh sửa và vì sao lại được chỉnh sửa?
Hầu hết quá trình thu thập, xử lý, kiểm soát, cập nhật TTTD từ các TCTD được CIC thực hiện tự động trên nền tảng công nghệ hiện đại, quản trị cơ sở dữ liệu 03 lớp và được bảo mật chặt chẽ với các giải pháp an ninh mạng, chống đột nhập, được dò quét thường xuyên. Vì vậy khả năng bị đột nhập, sửa dữ liệu từ bên ngoài là khó xảy ra. Trong nội bộ CIC cũng xây dựng quy trình quản trị cơ sở dữ liệu, chính sách an toàn bảo mật được kiểm soát chặt chẽ.
Trong quá trình thu thập, xử lý, kiểm soát và cập nhật báo cáo TTTD của các TCTD, nếu CIC hoặc TCTD phát hiện có sai sót sẽ phối hợp để thực hiện điều chỉnh thông tin theo quy trình và đúng quy định của pháp luật. Việc chỉnh sửa thông tin được tuân thủ quy trình rất chặt chẽ, đảm bảo quyền và lợi ích của TCTD, khách hàng vay.
Mặt khác, thông qua cung cấp báo cáo TTTD trực tiếp cho khách hàng vay, khách hàng có quyền yêu cầu CIC và TCTD xem xét, điều chỉnh dữ liệu TTTD về bản thân nếu phát hiện có sai sót hoặc bị lợi dụng giấy tờ tùy thân để vay vốn. Khách hàng vay có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan trong quá trình CIC và các TCTD xử lý khiếu nại. Để phòng tránh các trường hợp bị đánh cắp danh tính, giấy tờ cá nhân, khách hàng vay nên kiểm tra TTTD về chính mình định kỳ, phòng tránh gian lận.
Tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 đặc biệt là nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN Việt Nam, CIC đã nâng cấp và đưa vào triển khai Cổng thông tin kết nối khách hàng vay tại website (https://www.cic.gov.vn) và ứng dụng điện thoại CIC Credit Connect (trên nền tảng Android và IOS) với nhiều tiện ích nhằm hỗ trợ khách hàng vay, như:
- Dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn các sản phẩm tín dụng phù hợp và đăng ký nhu cầu vay vốn tại TCTD ưa thích, tiết kiệm được chi phí đi lại, thời gian khi sử dụng dịch vụ ngân hàng và được hỗ trợ tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng và nhanh chóng hơn và hoàn toàn miễn phí.
- Khách hàng vay được khai thác báo cáo TTTD và điểm tín dụng về bản thân, qua đó giám sát được các thông tin và mức độ tín nhiệm của mình, phòng tránh gian lận và được CIC tư vấn cải thiện điểm tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng tại các TCTD. Hiện tại, CIC cung cấp miễn phí báo cáo TTTD và điểm tín dụng cho các khách hàng vay, không giới hạn số lần khai thác/năm.
- Được cung cấp thông tin cập nhật về chính sách tín dụng, kiến thức về tài chính, ngân hàng, cảnh báo các nguy cơ, rủi ro về các hành vi lừa đảo.
- Các TCTD tham gia Cổng thông tin được giới thiệu các sản phẩm tín dụng, chính sách ưu đãi để khách hàng vay lựa chọn; thực hiện kết nối, tiếp cận với các khách hàng vay có nhu cầu, giảm thiểu thời gian, chi phí tìm kiếm, lựa chọn khách hàng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo Thời báo ngân hàng