Ngân hàng và doanh nghiệp: Đồng hành, trách nhiệm, chia sẻ

NHVN 09:23 23/05/2020

Trước những khó khăn của người dân và doanh nghiệp bởi tác động của dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động s

Để nắm bắt tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ, đồng thời lắng nghe và kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch tổ chức 14 cuộc hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trọng điểm và có dư nợ tín dụng cao.

Sau Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội, ngày 21/5/2020, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức 2 hội nghị kết nối tại tỉnh Bình Dương và TP. Hải Phòng. Mục tiêu của hội nghị nhằm đẩy mạnh triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng, nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn và phục hồi kinh tế sau dịch trong bối cảnh “bình thường mới” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tin tại Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước - cho biết, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước về việc các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch đã được đưa vào thực tiễn và phát huy hiệu quả. Tính đến ngày 30/4/2020, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 571 khách hàng với dư nợ 2.262 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 2.316 khách hàng với dư nợ trên 753 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt gần 25.000 tỷ đồng cho 4.470 khách hàng.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị các TCTD phải vào cuộc quyết liệt hơn, xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp nhanh hơn

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định: Đây cũng là cơ hội tốt để đất nước cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nào khó khăn trước mắt nhưng có tiềm lực thì phải duy trì và phát triển tiềm lực đó. Phó Thống đốc đề nghị các TCTD coi đây là cơ hội để cạnh tranh và thể hiện được thương hiệu của mình trên địa bàn.

Đối với thành phố Hải Phòng, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.239 khách hàng với dư nợ 1.919 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 2.037 khách hàng với dư nợ 10.728 tỷ đồng, số tiền lãi được miễm, giảm là 12 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,2 - 2%); cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 10.566 tỷ đồng cho 1.997 khách hàng.

Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Hải Phòng đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ tiết kiệm vay vốn, các tổ chức chính trị xã hội rà soát, nắm bắt tình hình của khách hàng vay vốn. Đối với các khách hàng gặp khó khăn, đơn vị đã tiến hành gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 2.091 khách hàng, dư nợ gia hạn và điều chỉnh là 41,5 tỷ đồng.

Để các giải pháp của ngành ngân hàng được triển khai kịp thời, hiệu quả, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu đẩy mạnh triển khai tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3/2020, Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 theo hướng chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Trong đó đảm bảo an toàn hệ thống, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc; kịp thời phản ánh với Ngân hàng Nhà nước về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành ngân hàng trong quá trình triển khai.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD cắt giảm thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nhưng không hạ chuẩn cho vay

Ngành ngân hàng khẳng định quan điểm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng cần minh bạch thông tin, có phương án kinh doanh phát triển. Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: Với tinh thần chính sách phải đi vào cuộc sống, chúng ta phải hành động quyết liệt, nhận thức phải rõ ràng, trách nhiệm phải minh bạch. Đúng theo phương châm “Đồng hành để chia sẻ, có trách nhiệm giữa ngân hàng và doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn”. Không chỉ riêng ngân hàng có trách nhiệm với doanh nghiệp mà doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với ngân hàng.

Sau 2 tháng triển khai quyết liệt các giải pháp, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ 138.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 659.000 tỷ đồng cho hơn 188.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch. Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 143.000 khách hàng với dư nợ trên 3.600 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 519.000 khách hàng với dư nợ hơn 21.000 tỷ đồng.

Theo Báo Công Thương

Link gốc : https://congthuong.vn/ngan-hang-va-doanh-nghiep-dong-hanh-trach-nhiem-chia-se-137789.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng và doanh nghiệp: Đồng hành, trách nhiệm, chia sẻ tại chuyên mục Chính sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính sách
Các bộ, ngành sẽ trình Chính phủ một nghị quyết nữa với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội sâu hơn. Cần giảm 50% lãi suất cho vay trong vòng 3 tháng, trong đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN)