Thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trận tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, có một điểm đáng chú ý liên quan đến lĩnh vực ngân hàng: "Xem xét, điều chỉnh phù hợp tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện và khuyến khích ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay".
Đây là tín hiệu cho thấy, chính sách tiền tệ thời gian tới có thể sẽ được nới lỏng hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế không chỉ phải ứng phó với vòng xoáy suy giảm kinh tế trong nước mà sẽ còn phải chịu áp lực lớn từ làn sóng suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng yêu cầu xem xét, điều chỉnh tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Ảnh minh họa |
Chia sẻ góc nhìn của người làm nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) nhận định mặc dù Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh nhưng tác động của dịch bệnh còn khó lường. "Chúng ta có thể kiểm soát tốt nhưng các nước khác không kiểm soát tốt thì cũng rất khó khăn", ông Thọ nói.
Theo Chủ tịch VietinBank, kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta gấp 2 lần quy mô GDP, phản ánh độ mở của nền kinh tế khá lớn. Chính vì vậy, những tác động, khả năng quản lý kiểm soát, phục hồi của các nước cũng ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam.
"Rõ ràng tác động của dịch bệnh rất mạnh, làm cho tổng cầu giảm, có thời điểm giảm tới mức tối thiểu cần thiết. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp, thậm chí tạm dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn do ảnh hưởng của chuỗi liên kết. Rất nhiều người vay tiêu dùng, vay sản xuất kinh doanh, do tổng cầu giảm xuống, thu nhập giảm xuống nên cũng chịu ảnh hưởng", ông Lê Đức Thọ cho hay.
Góc nhìn của doanh nhân Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cũng tương tự. Theo ông Tài, Covid-19 sẽ tác động lên toàn cầu chứ không phải chỉ ở Việt Nam.
"Việt Nam có né được khủng hoảng này không? Tôi nghĩ Việt Nam giỏi thì không bị ảnh hưởng nhiều như các nước khác thôi. Nhìn nhận của tôi là nhu cầu, sức mua của người tiêu dùng sẽ sụt giảm trong tương lai", Chủ tịch MWG nhận định.
"Có thể chúng ta chưa cảm nhận được nó nóng đến như thế nào vào lúc này bởi người Việt Nam nói chung, tiết kiệm trong gia đình khá lớn, làm 10 đồng chắc phải giữ lại 5, 6 đồng để dành, chi tiêu không quá một nửa. Còn mấy nước khác thì tác động tức thì vì họ làm bao nhiêu xài bấy nhiêu", ông Tài nói.
Vị doanh nhân này nhấn mạnh, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đối với Việt Nam sẽ có độ trễ.
"Khi khủng hoảng kinh tế thế giới đến, các bạn nhìn năm 2008, các bạn cũng sẽ cảm nhận như vậy: ở các nước châu Á dính hết rồi còn ở Việt Nam, 6 tháng sau mới thấy ảnh hưởng. Tôi nghĩ năm nay ảnh hưởng cũng khá tương tự. Việt Nam luôn luôn có độ trễ, người ta tăng trưởng rồi thì mình tăng trưởng trễ một chút, người ta khủng hoảng rồi thì mình cũng trễ hơn một chút là bởi vì yếu tố tiết kiệm khá lớn tại Việt Nam", Chủ tịch MWG nêu quan điểm.
Vài ngày qua, mạng xã hội lan truyền mạnh mẽ video người chủ của một công ty giày da cúi đầu tạm biệt và xin lỗi công nhân. Được biết, đây là Công ty Cổ phần giày da Huê Phong - một công ty sản xuất giày dép có tiếng ở TP. HCM. Công ty này đã quyết định dừng việc làm đối với 2.000 công nhân và sẽ tiếp tục cắt giảm để chuyển về cơ sở 2 ở Trà Vinh do hệ lụy của dịch Covid-19.
Đây là một hồi chuông cho thấy nhiều doanh nghiệp đang ngày càng cạn kiệt nguồn lực.
Rõ ràng, chặng đường tăng trưởng kinh tế năm 2020 còn rất gập ghềnh, không chỉ trong quý II với đỉnh điểm là giãn cách xã hội mà còn trong cả quý III và quý IV khi làn sóng suy thoái kinh tế toàn cầu ập đến trong bối cảnh tiết kiệm trong dân đã "ngấm đòn" hơn.
Mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay đã được Thủ tướng phát động mạnh mẽ không chỉ trong nước và còn gửi thông điệp đến quốc tế khi ngày 21/5 vừa qua, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã tái khẳng định mục tiêu này với hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ), đài truyền hình NHK và báo Akahata (Nhật Bản), hãng thông tấn TASS (Nga).
Với mục tiêu khoảng 5% trong năm nay, Việt Nam có cơ hội trở thành nước ghi nhận tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Trung Quốc thậm chí đã từ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP để tập trung "cứu" việc làm.
Chống dịch tốt là tiền đề rất quan trọng để thực hiện mục tiêu này và đầu tư công đang được kỳ vọng trở thành "động cơ phản lực" đẩy tăng trưởng bật lên sau dịch. Tuy nhiên, khi nhiều người vẫn còn hoài nghi về khả năng giải ngân "thần tốc" hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay bởi các năm trước, tiền cũng không thiếu nhưng giải ngân vẫn rất chậm, thì tăng trưởng tín dụng trở thành "đòn bẩy" khả dĩ nhất cho tăng trưởng kinh tế - như bao năm nay vẫn vậy.
Nói về tầm quan trọng của tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico đánh giá vai trò của hệ thống ngân hàng hiện nay "quá lớn, quá quan trọng".
"Từ lúc tôi làm ngành ngân hàng đến giờ ra khỏi ngành ngân hàng, tôi thấy cái gì cũng sống chết dựa vào ngân hàng. Tăng trưởng các thứ. Cho nên nguyên thống đốc nói rằng nửa giải Nobel là hoàn toàn đúng. Đến bây giờ thì tài khóa… không thấy mấy, mà làm gì có năng lực, làm gì có tiền, tất cả dồn hết vào ngân hàng", nguyên Phó Tổng giám đốc Maritime Bank chia sẻ.
Giảm lãi suất là mục tiêu nhất quán và có thể sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa nếu lạm phát diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn hiện nay là tín dụng bị "tắc" đầu ra. Từ đầu năm đến ngày 15/5, tăng trưởng tín dụng chỉ vỏn vẹn 1,32% trong khi để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%, ước tính cần từ 10-12% tăng trưởng tín dụng.
Nguyên nhân quan trọng nhất là do số lượng lớn doanh nghiệp, người dân - trong bối cảnh kinh tế khó khăn - không đáp ứng được các tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, thông điệp xuyên suốt trong ngành ngân hàng là không hạ chuẩn cho vay để giảm thiểu nguy cơ nợ xấu.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc hạ lãi suất nhưng không hạ chuẩn cho vay dường như chỉ có tác dụng chia sẻ khó khăn chứ chưa (hoặc không) có nhiều tác dụng kích thích kinh tế. Nếu tình hình kinh tế còn tiếp tục khó khăn trong nửa cuối năm thì tín dụng cũng khó lòng được đẩy ra, nguy cơ tăng trưởng tín dụng thấp trong cả năm là hiển hiện và điều này ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Rốt cuộc, Chính phủ sẽ phải đưa ra lựa chọn: liệu có hạ chuẩn cho vay hay không?
Việc hạ chuẩn cho vay tiềm ẩn không ít rủi ro, nhưng khăng khăng giữ chuẩn cho vay một cách cứng nhắc cũng chưa chắc đã tốt trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Điều quan trọng là giải pháp tổng thể để hạ chuẩn cho vay nhưng vẫn kiểm soát được nợ xấu, cùng với đó, có lộ trình trung hòa rủi ro trong tương lai khi nền kinh tế trở lại đường ray tăng trưởng.
Theo Vietnamfinance