Theo thống kê của CTCK Bảo Việt (BVSC), trên thị trường mở tuần qua (1-5/6/2020) đã có 25.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và NHNN không thực hiện hoạt động phát hành mới. Do đó, 25.000 tỷ đồng đã được bơm ròng trực tiếp vào thị trường và tiếp tục giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào trong tuần vừa qua và lãi suất liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Số liệu cập nhật từ NHNN trong tuần từ 1-5/6/2020, lãi suất liên ngân hàng giảm so với mức lãi suất tuần trước ở các kỳ hạn. Cụ thể: lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng lần lượt là 0,35%/năm, 0,54%/năm và 1,51%/năm đưa lãi suất các kỳ hạn này xuống mức thấp kỷ lục.
Tuy nhiên theo BVSC, hiện lượng tín phiếu đang lưu hành sẽ đáo hạn hết trong tuần này. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng có thể đã lập đáy và sẽ sớm bật tăng trở lại. Nhận định trên khá khớp với diễn biến quy luật nền kinh tế, nhịp độ sản xuất kinh doanh bắt đầu tăng tốc từ sau quý II. Có thể hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong năm nay sẽ không mạnh như những năm trước do chịu tác động từ dịch Covid-19, nhưng kinh tế đang có những tín hiệu khởi sắc sau dịch Covid-19 cũng đã dần kích thích nhu cầu vay vốn của người dân, DN. Kéo theo đó, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng có chuyển biến rõ nét hơn. Khi cầu vốn tăng lên, lãi suất sẽ nhích tăng lên.
Cũng có ý kiến đề xuất, NHNN xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành để tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ cho các DN kích thích tín dụng tăng trưởng nhanh hơn. Về đề xuất này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, ngành Ngân hàng đã giảm khá mạnh lãi suất. Cụ thể, hơn 2 tháng trở lại đây, NHNN đã giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng giúp mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, bản thân các NHTM cũng tung ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho khách hàng. Chưa kể, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam không phải là cao trong khu vực, thậm chí còn thấp hơn so với một số nước.
Do vậy, thời gian tới, NHNN sẽ điều hành lãi suất bám sát diễn biến lạm phát. Trong trường hợp lạm phát giảm, có điều kiện thuận lợi, NHNN sẽ cân nhắc điều chỉnh lãi suất điều hành, cũng như thực hiện các giải pháp khác để hỗ trợ nền kinh tế.
“Chính sách tiền tệ là chính sách vĩ mô nhưng mang tính chất ngắn hạn, điều chỉnh liên tục tùy theo tình hình diễn biến trong nước và quốc tế và diễn biến tình hình hoạt động của các TCTD. Cho nên trong công tác thống kê, phân tích, dự báo của NHNN liên tục cập nhật tình hình từ các tổ chức trên thế giới, của các bộ, ngành khác để phân tích, đánh giá đưa ra những giải pháp điều hành phù hợp. Chẳng hạn, trong thời gian nền kinh tế chịu tác động mạnh của dịch nhất là khi giá dầu giảm mạnh, lạm phát thấp, đánh giá có điều kiện giảm, NHNN đã giảm ngay lãi suất điều hành. Vì thế, chính sách tiền tệ nói chung và những công cụ của chính sách tiền tệ nói riêng sẽ được điều hành phù hợp với diễn biến và bối cảnh”, Phó Thống đốc chia sẻ thêm về công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và nhấn mạnh thêm, tất cả các chính sách tiền tệ như tín dụng, lãi suất, tỷ giá… đều sẽ được NHNN điều hành đồng bộ với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Giảm thêm lãi suất điều hành giúp các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay là nguyện vọng chính đáng của DN, nhưng theo quan điểm của TS. Nguyễn Đức Độ - Học viện Tài chính, không cần thiết phải giảm lãi suất điều hành nữa. Bởi hiện lãi suất liên ngân hàng cũng đang ở mức rất thấp. Còn trên thị trường 1, các ngân hàng đã chủ động giảm sâu lãi suất cho vay để vừa hỗ trợ khách hàng đang gặp khó khăn vừa khuyến khích khách hàng vay mới trong bối cảnh tín dụng tăng thấp. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nhu cầu vay vốn của DN hạn chế hay nói cách khác là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu chứ không phải do lãi suất mà cung – cầu vốn không gặp nhau.
Chia sẻ với phóng viên, một số lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong giai đoạn “đốt đuốc tìm khách hàng” như hiện nay, để cạnh tranh ngân hàng cố gắng áp dụng mức lãi suất tốt nhất cho khách hàng. Vấn đề ở chỗ, lãi suất không thể cào bằng tại tất cả các ngân hàng mà tuỳ vào chi phí vốn, năng lực tài chính. Có ngân hàng có lợi thế riêng huy động được lãi suất thấp, nhưng vẫn còn những ngân hàng đang phải huy động vốn trong dân với lãi suất khá cao, nên không thể giảm sâu lãi suất cho vay được. Ngoài vấn đề tác động đến NIM thì việc duy trì mức lãi suất ổn định còn để giữ chân khách hàng trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác đang hấp dẫn hơn cũng rất cần thiết. Trong khi đó, muốn giảm lãi suất cho vay, một trong yếu tố quan trọng nhất là phải hạ lãi suất đầu vào.
Mặt khác, theo quan điểm của TS. Nguyễn Đức Độ không nên giảm lãi suất tràn lan mà chỉ những lĩnh vực, ngành ưu tiên bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid cần có chính sách ưu đãi đặc biệt. Hơn nữa sự hỗ trợ của ngân hàng chỉ mang tính chất ngắn hạn, còn muốn có sự hỗ trợ dài hơi hơn cần phải có sự tham gia của chính sách khác.
Theo Thời báo Ngân hàng