Hoàn thiện thể chế, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng

NHVN 10:46 11/01/2024

Chiều ngày 8/1/2024, NHNN Việt Nam tổ chức Hội nghị về công tác hoàn thiện thể chế, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, thanh tra giám sát. Thống đốc NHNN Nguy

Hoàn thiện thể chế, tăng cường thanh tra giám sát là nhiệm vụ trọng tâm của NHNN

Trình bày về công tác hoàn thiện thể chế, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tạ Quang Đôn nhấn mạnh, đây là một trong ba nhiệm vụ nhận được sự quan tâm của Ban cán sự Đảng, Thống đốc. Trong năm 2023, công tác hoàn thiện thể chế đã tập trung nhiều vào công tác xây dựng Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, thứ 6 và mới đây tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để Quốc hội xem xét và thảo luận tiếp.

NHNN thường xuyên rà soát văn bản để kịp thời phát hiện các văn bản mâu thuẫn, chồng chéo; tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo an toàn hoạt động TCTD; Các văn bản ban hành bám sát vào cải cách hành chính, ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia để tạo điều kiện chuyển đổi số, thúc đẩy các hoạt động ngân hàng điện tử.

Hoàn thiện thể chế, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng
Toàn cảnh Hội nghị

Một điểm thay đổi rất lớn trong công tác này đó là năm 2023, NHNN ban hành Thông tư số 17 quy định về kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng... Ưu điểm nữa trong công tác này cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới đó là sự tham gia rất kịp thời, chủ động của các TCTD trong quá trình xây dựng các thể chế. Một điểm nữa đó là trong năm 2023 NHNN đã đẩy mạnh truyền thông về các chương trình chính sách để tổ chức, cá nhân cũng như các đơn vị thuộc NHNN (bao gồm cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, giám sát tại các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các Vụ, cục thuộc NHNN) hiểu đúng và đầy đủ các chính sách được ban hành...

Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực từ phía NHNN cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan, tuy nhiên ông Đôn cho biết công tác hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như vẫn còn hiện tượng chậm trễ, thụ động trong quá trình hợp tác, chưa khắc phục được những hạn chế trong công tác luân chuyển, điều phối và số hóa tài liệu, văn bản, dẫn đến việc chậm tiến độ khi triển khai các công việc chung…

Để tiếp tục hoàn thiện đồng bộ khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, NHNN tiếp tục phát huy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như khắc phục các hạn chế gây ảnh hưởng đến chất lượng hoàn thiện thể chế. Cụ thể, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đơn giản hóa quy trình gửi/nhận văn bản cũng như số hóa việc trao đổi thông tin, tài liệu; khắc phục một cách đồng bộ về mặt thể chế để xử lý những vướng mắc, khó khăn, bất cập cho người dân và doanh nghiệp… Các đơn vị thuộc NHNN cần chủ động, khẩn trương rà soát để phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, gây khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch.

Tại Hội nghị, Quyền Chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ về công tác giám sát ngân hàng năm 2023 tiếp tục có sự gắn kết chặt chẽ với công tác thanh tra. Nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động mà còn chú trọng giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của TCTD. Trên cơ sở đó đề xuất, định hướng các đối tượng, lĩnh vực cần tập trung thanh tra. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giám sát kịp thời hơn tình hình hoạt động của TCTD, nâng cao hiệu quả phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro. Qua công tác thanh tra, giám sát đã phát hiện các tồn tại, sai phạm trong hoạt động của các TCTD; từ đó phát hiện, kiến nghị, khuyến nghị và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để duy trì và giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

Hoàn thiện thể chế, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Điều hành chính sách tiền tệ góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang điểm lại một số kết quả nổi bật trong điều hành chính sách tiền tệ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hệ thống. NHNN phối hợp đồng bộ, khéo léo các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để điều tiết tiền tệ phù hợp diễn biến tăng trưởng và lạm phát, đảm bảo thanh khoản hệ thống; kết hợp truyền thông kịp thời, hiệu quả. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát 3,25%; thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, an toàn hệ thống TCTD được đảm bảo; NHNN mua được ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước; xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng lên.

Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. TCTD nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong tuân thủ pháp luật, kiểm tra, lưu giữ chứng từ đúng quy trình, đảm bảo giao dịch đúng mục đích. Thị trường được quản lý chặt chẽ nhưng tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, thu hút dòng vốn nước ngoài. Tỷ giá tăng khoảng 2,9%.

Một trong những điểm sáng nhất trong điều hành chính sách tiền tệ đó là NHNN giảm liên tục 04 lần lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo cao, duy trì thanh khoản hệ thống dồi dào để giảm lãi suất liên ngân hàng, từ đó hỗ trợ TCTD giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay giảm so với cuối năm 2022: lãi suất cho vay bình quân VND của giao dịch phát sinh mới giảm hơn 2,5%/năm, lãi suất cho vay của toàn bộ dư nợ giảm 0,7%/năm.

Song song với đó, NHNN chủ động, linh hoạt điều hành tín dụng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho nền kinh tế. Đến 31/12/2023, dư nợ đạt khoảng 13,56 triệu tỷ đồng, tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Doanh số cấp tín dụng tiếp tục cao hơn các năm trước, cho thấy hệ thống tích cực giải ngân, thu nợ cũ để cho vay mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2023, hoạt động ngân hàng vẫn còn gặp một số khó khăn như tổng cầu suy giảm, khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế khó khăn; kết quả một số chương trình tín dụng chưa đạt kỳ vọng; Các nguồn vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu, khó khăn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa được giải quyết triệt để…

Năm 2024, triển vọng kinh tế thế giới nhiều bất trắc. Tăng trưởng toàn cầu dự kiến 2,9% chậm lại so với năm 2023, lạm phát vẫn thách thức dự kiến 5,8% theo IMF, điều hành CSTT của các ngân hàng Trung ương khó lường, xung đột địa chính trị và thời tiết khắc nghiệt gây rủi ro đối với giá hàng hóa... Những yếu tố này cùng khó khăn nội tại kéo dài ở trong nước tiếp tục thách thức công tác điều hành CSTT năm 2024.

Bám sát chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Cụ thể, NHNN điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, bám sát mục tiêu điều hành CSTT, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ. Điều hành lãi suất phù hợp với thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; khuyến khích TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ. Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình theo chủ trương Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu.

Điều hành tín dụng góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD. Điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng như kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN; Sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-NHNN, bãi bỏ khoản 11 Điều 4 quy định điều kiện mua lại trái phiếu doanh nghiệp…

Triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng biểu dương toàn hệ thống cố gắng nỗ lực thể hiện bản lĩnh, đồng thuận vượt qua một năm đầy vất vả, khó khăn với những kết quả tích cực.

Đi vào từng nhóm nhiệm vụ cụ thể, đối với công tác thể chế, Thống đốc khẳng định, nhiệm kỳ vừa qua, NHNN rất vất vả, dành nhiều thời gian, công sức để hoàn thiện công tác thể chế. Hiện tại, NHNN đang thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện, chỉnh lý dự án Luật TCTD sửa đổi để trình Chính phủ, trình Quốc hội. Sắp tới, NHNN cũng thực hiện tổng kết tham mưu, đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để đảm bảo đồng bộ giữa các Luật. Nhấn mạnh đây là giai đoạn rất quan trọng, Thống đốc đề nghị các đơn vị NHNN tập trung hoàn thiện với trách nhiệm cao nhất để làm sao đảm bảo khi Luật được ban hành, toàn hệ thống sẵn sàng thực hiện với nội dung các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chất lượng cao.

Đối với những văn bản Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… các đơn vị liên quan tập trung để làm sao có đầy đủ các hành lang pháp lý và có căn cứ để thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Quá trình xây dựng phải thực hiện theo đúng quy định và trình tự ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, công khai và tiếp thu, giải trình một cách thuyết phục. Đồng thời phải xây dựng kế hoạch, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu đúng. “Quy định pháp luật có tốt đến mấy đi chăng nữa mà chúng ta không chú trọng tới truyền thông, doanh nghiệp và người dân chưa hưởng ứng thì hiệu quả sẽ không cao”, Thống đốc lưu ý.

Về chính sách điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, Thống đốc nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trụ cột, trọng tâm của NHNN với vai trò là thực hiện chức năng điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Trong bối cảnh 2024 còn nhiều thách thức, điều hành CSTT được giao rất nhiều nhiệm vụ, việc làm sao để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát, giữa lãi suất và tỷ giá… là bài toán vô cùng khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, đối với các đơn vị Vụ, cục chức năng NHNN, Thống đốc đề nghị phải theo dõi sát diễn biến và phải thường xuyên cập nhật những thông báo kinh tế tiền tệ để chủ động, tham mưu các giải pháp điều hành, phải đảm bảo kịp thời, đúng thời điểm.

Đối với các chi nhánh NHNN là cánh tay nối dài của Thống đốc tại các tỉnh, thành phố cần theo dõi sát hoạt động trên địa bàn, phối hợp với các Sở, Ban ngành của địa phương để nắm bắt ngay những vướng mắc từ doanh nghiệp và người dân để xử lý theo thẩm quyền một cách chủ động hoặc báo cáo lên các đơn vị của NHNN. Đặc biệt chú trọng tới công tác giám sát.

Đối với các TCTD đề nghị chấp hành nghiêm túc các chính sách về tiền tệ, ngoại hối, hoạt động tín dụng, tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, chủ động cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, tiết kiệm chi phí, ứng dụng công nghệ để có nguồn tài chính tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn các TCTD; Rà soát, rút ngắn thời gian cho vay từ đó hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân thời gian theo quý, đồng thời tăng cường kết nối cơ sở dữ liệu về dân cư theo Đề án 06 để tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cũng như thúc đẩy công tác tín dụng trên cơ sở chuyển đổi số, nhất là hiện nay ngân hàng đang khuyến khích cho vay món nhỏ để hạn chế tín dụng đen; Tiếp tục triển khai các gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, gói tín dụng cho vay tiêu dùng cho công nhân; gói tín dụng thuỷ sản…

Về công tác thanh tra, giám sát, cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong năm 2024 ngành Ngân hàng phải tập trung cao độ vào công tác thanh tra, giám sát, tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Trong đó cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác Thanh tra giám sát trong năm 2024, tiếp tục triển khai tái cơ cấu các TCTD cũng như hoàn tất tái cơ cấu của ngân hàng 0 đồng ngân hàng yếu kém đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/hoan-thien-the-che-giu-vung-ky-cuong-ky-luat-trong-hoat-dong-tien-te-va-ngan-hang-148179.html

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện thể chế, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng tại chuyên mục Chính sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính sách
Tính đến hết tháng 10, tín dụng tăng hơn 7% - thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Mặc dù ngành Ngân hàng, trong thời gian qua đã triển khai rất nhiều biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, song theo c