Dòng tiền cải thiện, “cú hích” từ bất động sản
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT, xu hướng thị trường từ nay tới cuối tháng 11 vẫn sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ kèm với dòng tiền cải thiện. Cụ thể, tỷ giá trong nước liên tục hạ nhiệt trong những ngày gần đây sẽ tác động tâm lý tích cực tới nhà đầu tư.
Đồng thời, tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp chính sách tiền tệ được "dễ thở hơn" trong những tháng cuối năm, qua đó tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường cổ phiếu.
Cuối tháng 11, thị trường sẽ hướng sự chú ý tới nghị trường Quốc hội với kỳ vọng 3 dự luật (sửa đổi) liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua, bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Nếu các dự luật (sửa đổi) này được thông qua sẽ là cú hích đối với triển vọng của nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Đáng chú ý, NHNN vừa phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Tín dụng đối với BĐS và phát triển nhà ở xã hội nhằm triển khai Công điện số 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rà soát đánh giá cụ thể tình hình thị trường BĐS và tín dụng BĐS, trao đổi thống nhất các biện pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án BĐS và khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng thương mại trong hoạt động tín dụng BĐS… góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.
"Trong bối cảnh đang có nhiều thông tin hỗ trợ, tôi kỳ vọng dòng tiền thông minh sẽ vẫn duy trì vị thế trên thị trường cổ phiếu và đà phục hồi có thể tiếp diễn. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên để mua vào cổ phiếu", ông Hinh khuyến nghị.
Tuy nhiên, theo ông Hinh, nhà đầu tư cần lưu ý đây mới chỉ là nhịp phục hồi, chưa xác nhận một xu hướng tăng giá bền vững, do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức hợp lý, khoảng 50 - 60% danh mục và hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy để quản trị rủi ro danh mục đầu tư.
Cùng chung nhận định, trong báo cáo mới phát hành gần đây, VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) sẽ phục hồi 35% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 và tăng 20% trong năm 2024.
Đợt phục hồi này phần lớn do đợt suy giảm của nền kinh tế Việt Nam vào đầu năm nay rõ ràng đã kết thúc. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng GDP phục hồi từ mức 3,3% so với cùng kỳ trong quý I, lên 4,1% trong quý II và 5,3% trong quý III.
“Yếu tố chính đè nặng lên nền kinh tế Việt Nam là xuất khẩu sang Mỹ chậm lại. Nhưng dữ liệu trong tháng 10 đã xác nhận những khẳng định gần đây của chúng tôi rằng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam hiện đang phục hồi, củng cố kỳ vọng rằng tăng trưởng GDP sẽ phục hồi trở lại đến mức 6,5% vào năm tới” – chuyên gia của VinaCapital cho hay.
Cùng quan điểm, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định về tình hình vĩ mô, quý cuối năm thường là giai đoạn mà các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động nhất, GDP đang có xu hướng phục hồi đà tăng trưởng dù tốc độ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng.
Tình hình địa chính trị thế giới đang tồn tại nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp, mặt khác tình hình lạm phát toàn cầu vẫn chưa thực sự được kiểm soát do xu hướng giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng, kinh tế khu vực EU dễ bước vào suy thoái... điểm tích cực là lãi suất của Việt Nam đang duy trì ở mức thấp và ổn định.
SHS cho rằng, với tình trạng vĩ mô hiện tại nếu thị trường tìm đến điểm cân bằng và tạo nền tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.
Dự kiến nhiều ngành có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt
Nhận định nhóm ngành cổ phiếu có triển vọng lạc quan giai đoạn cuối năm nay và đầu năm 2024, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, xét lợi nhuận dự phòng 4 quý trong năm nay của các doanh nghiệp niêm yết, xu hướng tạo đáy đã bắt đầu từ quý I và kỳ vọng quý IV sẽ tăng trưởng trở lại. Hầu hết ngành nghề dự kiến đều có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn trong quý IV/2023 và năm 2024.
Bà Lam khuyến nghị những ngành dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan là bán lẻ, nguyên vật liệu - bao gồm thép, bất động sản (chọn lọc doanh nghiệp có quỹ đất sạch, có tiềm năng kinh doanh), ngân hàng, dịch vụ phần mềm, hàng tiêu dùng, năng lượng, dược...
Đánh giá xu hướng dài hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Chứng khoán Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục tích lũy cổ phiếu cho danh mục dài hạn.
Yuanta cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng gần đây thì dòng vốn giải ngân đầu tư công cũng là một điểm sáng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 479,3 nghìn tỷ, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Yuanta vẫn giữ quan điểm đầu tư công là yếu tố đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế trong hai tháng còn lại của năm 2023.
Bên cạnh đó, ngoài nhiều công cụ chính sách tiền tề được NHNN sử dụng hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian qua, các chính sách tài khóa cũng đang được đề xuất thêm để kích cầu tiêu dùng hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời phát huy hơn nữa hiệu quả các chính sách tài khóa đã áp dụng từ đầu năm. Kỳ vọng điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 khi dư địa sử dụng chính sách tài khóa còn nhiều.