Ba động lực cho nền kinh tế cuối năm 2023
Tại Hội thảo “Tích luỹ vị thế - sẵn sàng bùng nổ” do Chứng khoán VPBank tổ chức, TS Lê Xuân Nghĩa dự báo nền kinh tế sẽ theo xu hướng phục hồi, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 5,3-5,5% trong năm 2023 và đạt 6% vào năm 2024. TS Lê Xuân Nghĩa chỉ ra ba động lực chính sẽ dẫn dắt kinh tế giai đoạn cuối năm 2023.
Đầu tiên là nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phục hồi khá mạnh so trong bối cảnh thế giới vẫn suy yếu. Minh chứng là lượng đơn hàng của các doanh nghiệp FDI đang tăng lên, đặc biệt trong ngành điện tử. Nhà đầu tư nước ngoài không chịu ảnh hưởng từ lãi suất cao và tình trạng thiếu hụt thanh khoản của Việt Nam trong giai đoạn trước.
Thứ hai là giải ngân đầu tư công, Chính phủ đang có động thái rất quyết liệt trong việc giải ngân nguồn vốn này. Hiện tại, Chính Phủ đang có nhiều biện pháp thúc đẩy đầu tư công như kiểm soát các mỏ đá, đẩy nhanh tốc độ đầu tư công trong việc giải phóng mặt bằng cho các tỉnh,…
Thứ ba, tiêu dùng nội địa dự kiến phục hồi khi lĩnh vực du lịch, dịch vụ tiếp tục duy trì ổn định, dù lực cầu tiêu dùng nước ngoài vẫn chưa thực sự cải thiện. Điều này sẽ tạo động lực tích cực cho nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm.
"Chúng tôi đang kiên trì kiến nghị giảm tiếp lãi suất"
Dù vậy, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. “Chúng tôi vẫn kiên trì kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Khả năng lãi suất tiền gửi vẫn có thể giảm 0,5%, lãi suất cho vay có thể giảm nhiều hơn”, TS Lê Xuân Nghĩa cho hay.
TS Nghĩa lưu ý về cung tiền đang ở mức thấp với 2,77%, thêm vào đó là vòng quay tiền cũng khá chậm chỉ ở mức 0,64 vòng/năm, trong khi trung bình các năm dao động 2,3 – 2,6 vòng, chu kỳ thấp nhất cũng đạt 1,8 vòng. Vòng quay tiền chậm cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản bị kẹt, chuyên gia ví von việc này như lấy nước trong bình:
“Giảm lãi suất và tăng room tín dụng chỉ là “vặn vòi”, quan trọng là nước ở trong bình không có hoặc rất ít nên dòng tiền khó có thể chảy mạnh. Do đó, tôi cho rằng tăng cung tiền, giảm lãi suất vẫn là tiềm năng quan trọng để phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam”.
Nhóm cổ phiếu gạo vẫn còn tiềm năng tốt
Về các nhóm ngành trên thị trường chứng khoán, TS Lê Xuân Nghĩa phân ra ba nhóm cụ thể (1) nhóm có độ nhạy với tăng trưởng, phục hồi kinh tế (công nghiệp chế biến như thuỷ sản, dệt may); (2) nhóm thiết yếu như lương thực, thực phẩm, y tế (3) nhóm lưỡng tính vừa có tính thiết yếu và vừa neo theo tăng trưởng kinh tế như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,….
Bàn riêng nhóm cổ phiếu lương thực, vị chuyên gia nhìn nhận tiềm năng lớn trong bối cảnh nguồn cung lương thực tiếp tục gặp khó khăn khi căng thẳng Nga – Ukraine kéo dài. Thời gian tới, thị trường này sẽ tiếp đà phục hồi và lương thực sẽ là một “vũ khí lớn” cho Việt Nam.
Mặc dù cũng thuộc nhóm ngành thiết yếu, song nhóm thuỷ hải sản không được vị chuyên gia đánh giá tích cực khi gần như đang trong xu hướng bão hoà vì nguồn cung dự báo vẫn dồi dào trong thời gian tới. Do đó, vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư tham gia nhóm cổ phiếu này cần cẩn trọng.