Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV (Nghị quyết số 63/2022/QH15) đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Nâng cao năng lực quản trị, điều hành
Theo NHNN, mục đích việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các TCTD, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các TCTD hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.
Theo đó, nhằm nâng cao năng lực, chất lượng quản trị, điều hành của TCTD, hạn chế sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của TCTD như: Sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; Sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ, trong đó để tránh xung đột lợi ích, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp người quản lý, người điều hành của TCTD không được đồng thời là người quản lý, người điều hành của TCTD khác, doanh nghiệp khác; Sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan để tăng tính đại chúng; Bổ sung quyền, nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành TCTD trong phạm vi quyền, nghĩa vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của NHNN; Bổ sung trường hợp NHNN đình chỉ, tạm đình chỉ chức danh Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) đối với người không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đảm nhiệm chức vụ, vi phạm việc thực hiện các chỉ đạo của NHNN theo quy định.
Để xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động ngân hàng thời gian qua, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp như: Bổ sung quy định ngoại trừ trường hợp không được là Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh, Giám đốc công ty con của TCTD cho người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm từ 50% vốn điều lệ trở lên; người được cử, chỉ định tham gia quản lý, điều hành, kiểm soát TCTD theo yêu cầu nhiệm vụ; Sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ; sửa đổi, làm rõ nội dung yêu cầu về kiểm toán độc lập…
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể về tổ chức, quản trị, điều hành đối với từng loại hình TCTD. Chẳng hạn đối với TCTD là công ty cổ phần, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng tăng số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập và tăng tỷ lệ thành viên là thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành của TCTD trong Hội đồng quản trị để tách bạch chức năng quản trị, điều hành cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của cổ đông nhỏ lẻ;
Đối với TCTD là công ty trách nhiệm hữu hạn, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu, Hội đồng thành viên của TCTD là công ty TNHH MTV để thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp;
Đối với TCTD là hợp tác xã, để nâng cao năng lực hoạt động của QTDND và ngân hàng hợp tác xã, dự thảo Luật bổ sung quy định về: trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ đối với người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc và chức danh tương đương của QTDND; bổ sung yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn đối với người quản lý, người điều hành của ngân hàng hợp tác xã, QTDND; sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng thành viên ban kiểm soát QTDND để phù hợp với quy mô của loại hình này...
Ngăn ngừa rủi ro
Để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD, trong đó quy định công ty con của TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, TCTD khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính TCTD đó…
Bên cạnh đó, để xử lý những vấn đề phát sinh trên thực tiễn trong thời gian qua, dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với từng trường hợp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, đối ngoại.
Về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể TCTD, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank và Signature Bank (Mỹ), hoặc trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.
Dự thảo Luật cũng kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại Luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua. Theo đó, dự thảo Luật xây dựng mới quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của NHNN tại giai đoạn can thiệp sớm trong việc hạn chế quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của TCTD có hành vi vi phạm pháp luật tùy theo mức độ vi phạm của người quản lý, người điều hành, nhằm tăng cường kiểm soát, quản lý nhà nước đối với quản trị, điều hành của TCTD, quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của TCTD chưa đến mức nghiêm trọng.
Về quy định liên quan đến khoản vay đặc biệt, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về trường hợp TCTD được vay đặc biệt của NHNN, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các TCTD khác trong các trường hợp ngay cả khi chưa được kiểm soát đặc biệt để giải quyết, xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại TCTD thời gian qua; bổ sung quy định cụ thể về tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt, lãi suất khoản vay đặc biệt mà NHNN cho vay là 0%/năm; TCTD cho vay đặc biệt được áp dụng các biện pháp hỗ trợ cụ thể; bổ sung quy định về việc NHNN chỉ định cho vay đặc biệt, qua đó thêm công cụ cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xử lý, cơ cấu lại TCTD.
Về kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể TCTD: tương ứng với nội dung sửa đổi, bổ sung tại phần can thiệp sớm, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp kiểm soát đặc biệt, điều chỉnh phương án xử lý tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt bao gồm phương án chuyển giao bắt buộc NHTM được kiểm soát đặc biệt và phương án phá sản; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá tổng thể thực trạng TCTD được kiểm soát đặc biệt, theo đó việc thuê tổ chức kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của NHTM, bổ sung trong trường hợp không thuê được tổ chức kiểm toán độc lập thì Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của NHTM theo đề nghị của NHNN…
Theo Thời báo Ngân hàng